Giới-thiệu

Thân-thế
Thành-tích
Privacy Policy

Hữu-ích

Lập-kế-hoạch-tài-chính gia-đình

Đầu-tư-cổ-phiếu

Các loại bảo-hiểm

Câu-chuyện

Kinh-nghiệm

Máy-tính

Chữ-Việt

Linh tinh

Ý kiến

Danh mục

Download
Mục lục





Lập kế hoạch tài chính gia đình

Viết lần đầu trong Tháng Hai, 2019.

Dàn bài

Giới thiệu
Phương pháp tính
Các trang của bảng tính
Các bước thực hiện
Chép bảng tính KHTCp1, đọc trang Hướng-dẫn
Nhập các thông tin chung
Tính quỹ hưu trí
Liệt kê các khoản trả góp nhiều năm
Liệt kê các mục tiêu tài chính
Tính các khoản bảo hiểm
Chú ý
Xem và điều chỉnh lộ trình
Plan-Do-Check-Act
Các mô hình

Giai đoạn tích luỹ đầu tư

Bạn đang làm ra tiền để chi tiêu trước mắt và tích luỹ cho các mục tiêu trong tương lai như mua nhà, mua xe, quỹ hưu trí…
Đây là công cụ tính toán giúp bạn tìm ra một lộ trình tối ưu để lần lượt đi qua những mục tiêu trên một cách êm ái nhất, tránh những lúc ép ga, tăng tốc gây mệt mỏi. Với công cụ này, bạn giữ tỷ lệ giữa chi tiêu trước mắt và tích luỹ ít thay đổi trong suốt lộ trình tài chính, đến khi đạt được mục tiêu sau cùng là ngừng kiếm tiền và bắt đầu hưởng thụ cuộc sống an nhàn.
Cuộc sống luôn luôn thay đổi, lộ trình tài chính của mỗi người cũng sẽ thay đổi theo. Với công cụ này, bạn sẽ nhanh chóng vẽ lại lộ trình để thích nghi với những thay đổi như là thu nhập, lạm phát, lợi nhuận đầu tư thay đổi theo tình hình kinh tế vĩ mô.

Trang này hướng dẫn cách dùng bảng tính KHTCp1 để lập kế hoạch thu-chi và đầu tư trong suốt cuộc đời. Khi bạn đã nghỉ làm và hưởng thụ cuộc sống thì bạn cần dùng KHTCp2 để kiểm soát ngân quỹ.

Phương pháp tính (bấm vào đây để xem chi tiết)

Phương pháp tính ở đây dựa trên các nguyên tắc rất đơn giản:

  • Mức chi tiêu C tăng đều theo tốc độ trượt giá để giữ mức sống ổn định.
  • Thu nhập T trừ đi chi tiêu C và các khoản trả góp G sẽ còn lại khoản đầu tư thêm Đ.
    Định nghĩa các khoản trả góp được mở rộng để gồm luôn những khoản chi kéo dài nhiều năm nhưng không kéo dài suốt đời, như là nuôi con, thuê nhà…
  • Thu nhập T tăng dần theo thâm niên và theo lạm phát, các khoản trả góp thay đổi theo các giai đoạn nên khoản đầu tư thêm Đ cũng thay đổi nhưng tỷ lệ giữa chi tiêu C và thu nhập T được giữ ổn định.
  • Số tiền M cần dùng tại những thời điểm đã định được hình thành từ các khoản đầu tư thêm Đ.
  • Nếu tiền tích luỹ không có đủ tại thời điểm cần dùng thì cần phải giảm các số tiền M cần có hoặc lùi thời điểm ra xa hơn.
  • Nếu thu nhập T trong kết quả tính cao hơn thực tế thì cần phải giảm chi tiêu C, giảm các khoản trả góp G và giảm số tiền M.
  • Nếu thu nhập T trong kết quả tính thấp hơn thực tế thì có thể tăng chi tiêu C, tăng các khoản trả góp G và các số tiền M, hoặc rút ngắn thời gian đi làm tích luỹ, tức là về hưu sớm.
  • Thay đổi ở bất kỳ một trong các số trên tại bất cứ thời điểm nào trong suốt lộ trình đều ảnh hưởng lên toàn bộ lộ trình.

Bạn hãy hình-dung tổng-tài-sản của bạn là quả-cầu-tuyết đang lăn xuống dốc. Khi mới bắt-đầu lăn từ đỉnh-dốc, nó rất nhỏ và nhẹ, tăng lên rất chậm bằng những món tiền bạn đầu-tư vào mỗi tháng. Càng lăn xuống, quả-cầu-tuyết càng lớn thêm và nặng thêm nhờ dính thêm tuyết trên đường, giống như tổng-tài-sản của bạn nhận thêm lợi-nhuận từ việc đầu-tư. Tốc-độ tăng kích-thước và trọng-lượng của quả-cầu-tuyết không đều mà lớn dần theo thời-gian, đến cuối dốc nó nặng hàng tấn. Tổng-tài-sản của bạn cũng sẽ tăng như-vậy, khi bạn đến tuổi về-hưu, bạn có hàng chục tỷ đồng để sống an-nhàn. Muốn được như-vậy, bạn phải bắt-đầu tích-luỹ đầu-tư sớm, ngay khi mới làm ra tiền.

Bảng tính KHTCp1 gồm có các trang (bấm vào đây để xem chi tiết)

  • Hướng-dẫn: những ghi chú quan trọng
  • TT-chung: những thông số để dùng chung trong các trang còn lại
  • Quỹ-hưu: tính khoản tiền lớn nhất, quỹ hưu trí, mục tiêu sau cùng của lộ trình tài chính
  • Trả-góp: các khoản trả góp nhiều năm thường gặp: mua nhà, mua xe, hoặc các khoản chi tương đối lớn trong một vài năm: học phí cho một khoá, thuê nhà, nuôi con
  • Mục-tiêu: liệt kê các mục tiêu ngắn hạn và trung hạn trên lộ trình: mua nhà, mua xe, cho con du học, sửa nhà…
  • Bảo-hiểm: một số tiền nhỏ chi ra mỗi tháng để bảo đảm chuyến đi an toàn
  • Lộ-trình: kết quả tính toán và đồ thị
  • Thu-chi: liệt kê thu nhập và chi tiêu để biết có thể điều chỉnh như thế nào khi cần thiết

Hãy lập kế hoạch theo các bước sau

Chép bảng tính KHTCp1, đọc trang Hướng-dẫn (bấm vào đây để xem chi tiết)

Bấm vào đây rồi chọn menu Tệp→Tạo một bản sao hoặc File→Make a copy để chép về Google Drive của bạn, chú ý: dùng menu dưới chữ KHTCp1 trong cửa sổ chương trình duyệt web, đừng dùng menu của chương trình duyệt web, đừng download về dùng với Excel vì trong KHTCp1 có một số hàm tôi tự viết, Excel không thể chạy những hàm đó. Nếu bạn mở KHTCp1 bằng Google Sheet app trên smartphone thì bạn dùng menu ⋮→Share & export để Make a copy. Bạn hãy đổi tên file thành KHTCyyyymm, theo tháng bắt đầu kế hoạch.

Bạn hãy đọc kỹ trang Hướng-dẫn rồi bắt đầu làm theo các bước dưới đây để tính lộ trình tài chính.

Nhập các thông tin chung

Bạn hãy gõ vào tên, năm sinh và năm bắt đầu thực hiện kế hoạch này vào các ô B3, B4, B5 của trang TT-chung.
Ô B6 để ghi tổng giá trị các tài sản đầu tư đang sinh lợi cho bạn: sổ tiết kiệm, quỹ đầu tư, cổ phiếu, bất động sản… Bạn sẽ đầu tư thêm tiền vào các tài sản đó đều đặn mỗi tháng. Giá trị căn nhà bạn đang ở không được tính vào tổng tài sản đầu tư mặc dù nó có thể tăng giá theo thời gian, bạn chỉ tính giá trị căn nhà đang ở sau khi bạn bán nó đi. Khi bạn chưa bán căn nhà thì phần giá trị tăng thêm chưa giúp gì cho bạn hết.
Ô B7 để ghi lợi nhuận trung bình của tổng tài sản trên. Bạn có thể ghi gần đúng hoặc có thể tính bằng bảng tính ĐTDH. Các bạn có thể dễ dàng có được lợi nhuận trung bình 12%/năm khi đầu tư dài hạn vào quỹ đầu tư cổ phiếu.
Ô B8 để ghi khả năng tăng dần số tiền đầu tư thêm của bạn sau mỗi năm. Bạn sẽ tăng số tiền đầu tư thêm, năm sau nhiều hơn năm trước, nhờ thu nhập tăng dần do công việc tốt hơn, tăng theo mức lạm phát chung. Tăng dần số tiền đầu tư là bí quyết giúp cho bạn dễ bắt đầu thực hiện các mục tiêu tài chính: bắt đầu với một số tiền vừa phải để đầu tư mỗi tháng và tăng dần theo thời gian.
Ô B10 là chi tiêu trung bình hàng tháng hiện nay. Bạn chỉ tính các khoản chi tiêu ăn-uống-đi-lại-giải-trí của cá nhân (nếu bạn độc thân) hoặc của hai vợ chồng (nếu bạn đang sống cùng vợ/chồng), khoản này cũng gồm luôn những chi tiêu không thường xuyên như mua sắm, du lịch. Không tính các khoản chi tiêu cho nhà ở (thuê nhà hoặc trả góp) và nuôi con (nếu có) ở đây, các khoản đó được ghi trong trang sau.
Ghi mức trượt giá trung bình những năm gần đây vào ô B11.

Tính quỹ hưu trí

Trang Quỹ-hưu dùng để tính số tiền cần có khi về hưu để bạn có một mức sống tương đương với mức sống hiện nay, vì lý do trượt giá nên số tiền dùng hàng tháng khi về hưu sẽ lớn hơn số tiền bạn dùng hiện nay.
Ô B4 để ghi tuổi bạn muốn nghỉ kiếm tiền, bắt đầu hưởng thụ an nhàn. Bạn có thể nghỉ kiếm tiền sớm nếu bạn tích luỹ nhanh.
Ghi tuổi thọ dự tính vào ô B6. Bạn nên ghi số này từ 90 đến 100 để chắc chắn rằng quỹ hưu sẽ đủ dùng khi bạn rất thọ. Nêu bạn không kịp dùng hết quỹ hưu này thì phần còn lại là gia tài cho con cháu hoặc làm từ thiện.
Ô B7 ghi mức trượt giá trung bình trong thời gian về hưu, hy vọng là nó sẽ thấp hơn hiện nay khi kinh tế ngày càng phát triển.
Khi về hưu, sẽ phát sinh những khoản chi mới (ví dụ như chi tiêu chữa bệnh), hãy chọn một hệ số, ghi vào ô B8 làm tỉ lệ giữa chi tiêu lúc về hưu và chi tiêu hiện nay.
Nếu bạn có những hợp đồng bảo hiểm nhân thọ mà bạn có thể rút tiền lời khi đến tuổi về hưu, hoặc là có nhà cho thuê, bạn đã có sẵn một khoản thu nhập khi về hưu. Tiền lương hưu sẽ nhận được từ Bảo hiểm xã hội cũng là một khoản thu nhập khi về hưu. Bạn hãy ghi tổng các khoản này vào ô B13.
Phần dưới của trang tính dùng để dự tính mức lương hưu nhận từ Bảo hiểm Xã hội. Hãy bấm vào dòng in đậm ngay sau đây để xem chi tiết.
Nếu bạn có các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ sẽ đáo hạn khi đến tuổi về hưu, hoặc bạn dự định sẽ bán nhà khi về hưu, tức là bạn đã có sẵn một phần của B14. Hãy ghi tổng các khoản sẽ có vào ô đó.
Ô B15 ghi số tiền bạn muốn để lại khi chấm dứt cuộc đời. Nếu bạn có bất động sản để lại thì không cần để lại nhiều tiền.
Chương trình sẽ tính ra trong ô B16 số tiền bạn cần có lúc bắt đầu về hưu. Nếu trong ô B16 có chữ Loading thì bạn hãy bấm Ctrl+R để tải lại trang này.

Dự tính mức lương hưu nhận từ Bảo hiểm Xã hội (bấm vào đây để xem chi tiết)

Hai ô B19 và B20 để ghi số tháng đã đóng BHXH và tổng số lương đã đóng BHXH. Bạn phải mở sổ BHXH của bạn để cộng ra hai số này. Bạn có thể tìm thông tin ở trang web của BHXH.
Ô B22 ghi mức lương đóng BHXH của bạn hiện nay, hãy xem trong sổ BHXH để biết số này, nó có thể thấp hơn nhiều so với lương bạn đang nhận hàng tháng.
Ô B24 để ghi dự báo mức tăng lương BHXH, gồm tăng do trượt giá cộng với tăng do sự thăng tiến của bạn. Để thận trọng thì bạn có thể ghi số nhỏ trong ô này. Đặc biệt là trong trường hợp bạn đang đóng BHXH với mức lương cao thì bạn sẽ nhanh chóng chạm đến mức lương tối đa của BHXH (là 20 lần lương tối thiểu theo quy định của luật hiện hành), trong trường hợp này bạn nên cho mức tăng lương do thăng tiến khoảng 1%/năm thôi.
Ô B25 là dự báo mức lương đóng BHXH cuối cùng của bạn trước khi về hưu. Ô B26 là mức lương đóng BHXH bình quân trong suốt thời gian bạn đi làm.
Ô B27 là dự báo lương hưu tối đa của bạn. Trong bảng tính này, chúng ta tạm xem như lương hưu không đổi trong suốt thời gian về hưu, nhưng trong thực tế thì chính phủ thường xuyên điều chỉnh tăng lương hưu theo mức trượt giá. Do không thể dự báo được việc điều chỉnh của chính phủ nên ta tạm không tính đến sự tăng đó, khi nào có tăng thì cuộc đời thật sẽ đẹp hơn kế hoạch 😆.

Liệt kê các khoản trả góp nhiều năm

Hãy điền vào trang Trả-góp những khoản trả góp lâu năm trong cuộc đời, ví dụ mua nhà, mua xe…
Đặc biệt trong phương pháp tính này, chúng ta xem các khoản chi tiêu nuôi con (ăn-mặc-học-chơi) như các khoản trả góp từ khi con ra đời đến khi con đi du học hoặc học xong đại học. Tuỳ theo số con bạn đang có hoặc dự định sẽ có mà điền vào trang này cho thích hợp.
Nếu bạn đang ở nhà thuê và có dự định mua nhà, bạn cũng ghi tiền thuê nhà như một khoản trả góp cho tới khi bạn mua nhà. Nếu bạn quyết định không mua nhà cho tới khi về hưu thì bạn cộng tiền thuê nhà vào chi tiêu trong trang TT-chung.
Bạn cũng có thể ghi khoản học phí dự định cho một khoá học vài năm vào trang này.
Vì đây là bản kế hoạch nên chúng ta hãy ghi tất cả những dự định xuống, sau đó sẽ tính toán và điều chỉnh cho phù hợp khả năng tài chính. Bạn có thể lập nhiều kế hoạch theo các hướng khác nhau để so sánh: có mua nhà hoặc không mua nhà, có mua xe hoặc không mua xe… Để tính số tiền phải trả góp cho mỗi khoản nợ, bạn có thể dùng các hàm tài chính.
Bạn có thể ghi ra tối đa 40 khoản trả góp nhiều năm trong trang này. Dòng nào để trống hoặc ghi zero trong cột D (Mỗi tháng góp) sẽ không được tính vào kế hoạch.

Liệt kê các mục tiêu tài chính

Tiếp theo là trang Mục-tiêu để ghi các khoản tiền lớn cần chi trong tương lai như chuẩn bị sinh con, đặt cọc mua nhà, tiền cho con học đại học tốt… Đó là những mục tiêu trong lộ trình tài chính của gia đình.

Cột C ghi số tiền cần có theo thời giá hiện nay, cột D ghi mức trượt giá của khoản tiền đó, số tiền đã tính đến trượt giá sẽ được tính trong cột E, cột F ghi những tài sản khác (ví dụ bảo hiểm, nữ trang, kim cương…) đã có sẵn và sẽ đổi thành tiền để dùng cho mục tiêu này.
Bạn có thể ghi ra tối đa 20 mục tiêu tài chính trong trang này. Dòng nào để trống hoặc ghi zero ở cột C (Số tiền cần có) nghĩa là không có mục tiêu đó trong kế hoạch tài chính.

Dòng số 3 màu vàng tính số tiền chăm-sóc trong vài năm cuối đời—khi không thể tự làm những việc đơn-giản như ăn-uống, vệ-sinh… Số tiền đó cao gấp vài lần chi phí sinh-hoạt. Trong file mẫu đang tính số tiền gấp bốn lần chi phí sinh-hoạt trong năm năm. Bạn có-thể sửa công-thức trong ô C3 theo ý riêng. Đến tuổi về hưu, bạn lấy số tiền đó cất vào một tài-khoản đầu-tư và chỉ lấy ra dùng đúng mục-đích.

Thay vì xem tiền học đại học của con là một mục tiêu tài chính, tiền cho con học đại học cũng có thể được xem như một khoản trả góp trong 3-6 năm tuỳ theo chương trình học. Khi xem tiền học đại học của con là khoản trả góp thì số tiền đầu tư thêm trong giai đoạn con học đại học sẽ giảm xuống, nếu học phí của con quá cao làm cho số tiền đầu tư thêm trong giai đoạn đó âm thì bảng tính này sẽ tự động tăng số tiền đầu tư thêm trong giai đoạn trước để có khoản tích luỹ để đóng học phí. Cả hai cách tính đều cho kết quả tương đương về tỷ lệ giữa chi tiêu trước mắt và tích luỹ. Chú ý: cần tính đến trượt giá khi tính mức học phí trong tương lai.

Tham khảo chi phí học đại học (bấm vào đây để xem chi tiết)

Nơi học Học phí
(triệu đồng)
Sinh hoạt phí (*)
(triệu đồng)
Việt Nam 60-750 144
Singapore 400-1200 150-600
Úc 1200-3000 1500
Anh 900-3200 1200
Mỹ 1500-2200 1350
(*) gồm tiền ăn, ở, tiêu dùng

Các khoản chi để được bảo hiểm

Chúng ta cần chi một ít tiền để bảo đảm có tiền tiếp tục thực hiện những kế hoạch trên khi có rủi ro bất ngờ xảy ra như tai nạn, bệnh nghiêm trọng… Tổng số tiền bảo hiểm cần có phải lớn hơn tổng các mục tiêu tài chính chưa hoàn thành trừ đi tổng tài sản đầu tư đang có.
Những người làm ra tiền trong gia đình là những người cần được bảo hiểm trước tiên.
Số tiền đóng bảo hiểm nên được xem như là chi phí hơn là số tiền tích luỹ cho tương lai. Sản phẩm bảo hiểm nên dùng là loại bảo hiểm có số tiền bảo hiểm cao và mức phí thấp như bảo hiểm nhân thọ liên kết chung, số tiền bảo hiểm cao gấp hàng ngàn lần số tiền đóng phí hàng tháng. Nên yêu-cầu đại-lý bảo-hiểm thiết-kế hợp-đồng có giá-trị hoàn-lại thấp để giảm mức phí đóng và thời-gian đóng phí.

Chú ý

Bạn nên bắt đầu lập kế hoạch với các mục tiêu nhỏ, dễ thực hiện; và nâng các mục tiêu lên cao hơn sau một thời gian thực hiện. Ví dụ: bắt đầu với mục tiêu mua nhà nhỏ ở xa trung tâm, cho con học đại học công.

Bạn hãy chú ý rằng các trang này có liên quan chặt chẽ với nhau. Ví dụ:

Quan trọng: Đừng quên những khoản trợ cấp mà bạn nhận được dưới dạng không phải tiền, ví dụ như khi bạn ở chung nhà với cha mẹ hay người quen mà không phải trả tiền ăn-ở hoặc trả ít hơn giá thị trường. Bạn hãy cộng những khoản trợ cấp đó vào số chi tiêu trung bình hàng tháng trong trang TT-chung hoặc trang Trả-góp.

Tổng tài sản đầu tư của bạn nên được chia vào những nơi khác nhau tuỳ theo thời điểm sắp chi tiền, đó là nguyên tắc ba cái xô:

  1. Xô tiền trong tài khoản thanh toán và tiền tiết kiệm ngắn hạn đựng số tiền bạn sắp chi trong 1-2 năm tới,
  2. Xô tiền quỹ đầu tư trái phiếu đựng số tiền sắp chi trong năm năm tới,
  3. Xô tiền quỹ đầu tư cổ phiếu hoặc bất động sản đựng số tiền cho thời gian xa hơn năm năm, quỹ đầu tư cổ phiếu cần có thời gian đủ dài để sinh lời ổn định.

Các xô tiền đó sinh lời ở các mức khác nhau. Nếu bạn đang tích luỹ tiền cho mục tiêu gần hơn năm năm thì bạn gửi tiền vào xô thứ hai và bạn không thể nhập mức sinh lời cao vào ô B7 trong trang TT-chung. Nếu bạn đã tích luỹ đủ cho những mục tiêu gần hơn năm năm thì bạn hãy chuyển số tiền sắp dùng cho những mục tiêu đó vào xô thứ hai và tiếp tục gửi tiền vào xô thứ ba và bạn có thể nhập mức sinh lời cao vào ô B7 trong trang TT-chung.
Trong giai-đoạn đầu của cuộc đời, có khá nhiều mục-tiêu gần hơn năm năm nên bạn không thể chọn mức sinh lời cao khi lập kế hoạch, vì vậy tỷ-lệ tích-luỹ sẽ tăng lên, chi-tiêu sẽ giảm xuống trong giai-đoạn đó. Khi giai-đoạn có nhiều mục-tiêu gần như vậy đã qua, bạn điều chỉnh kế-hoạch với mức sinh lời cao thì tỷ-lệ tích-luỹ sẽ giảm xuống. Để tỷ-lệ tích-luỹ bớt chênh-lệch giữa hai giai-đoạn, bạn có thể lập kế hoạch ban-đầu với tuổi về-hưu cao hơn dự-định; sau khi đã qua giai-đoạn đầu, bạn điều-chỉnh kế-hoạch với mức sinh lời cao và tuổi về-hưu thấp hơn.

Xem và điều chỉnh lộ trình

Tính lộ trình từ thông tin đã nhập

Sau khi đã nhập hết tất cả các dự định tài chính trong tương lai vào các trang trên, bạn đến trang Lộ-trình và chọn frm1 trong ô F1 để tính và xem lộ trình tài chính suốt đời. Sau khi tính xong, ô F1 sẽ được xoá trắng.
Trang Lộ-trình gồm một bảng sáu cột: năm, tổng tài sản đầu tư vào cuối năm, mức chi tiêu trung bình hàng tháng trong năm, số tiền trả góp (và đóng bảo hiểm) trung bình hàng tháng trong năm, số tiền đầu tư thêm vào tài sản hàng tháng, thu nhập hàng tháng. Tài sản đầu tư là tài sản sinh lời theo thời gian. Số liệu được tính cụ thể từng năm từ năm bắt đầu kế hoạch đến năm tuổi thọ dự kiến của bạn.
Dòng chữ in đậm trên đầu trang cho biết tỷ lệ chi tiêu (cột C) trên thu nhập (cột F) của bạn khi thực hiện lộ trình này. Tỷ lệ đó ổn định trong suốt lộ trình, bạn có thể duy trì cách sống ổn định, không khi nào phải thắt lưng buộc bụng hơn mức bình thường. Đó là lợi ích của việc lập kế hoạch tài chính cho tương lai.

Tiếp theo trang Lộ-trình là trang Biểu-đồ gồm hai đường: tổng tài sản đầu tư màu xanh và số tiền đầu tư thêm mỗi tháng màu đỏ.
Đường tổng tài sản sẽ tăng dần cho đến năm bắt đầu về hưu, sau đó tăng tiếp một thời gian rồi bắt đầu giảm. Trong giai đoạn trước năm về hưu, có những năm tổng tài sản đầu tư giảm, đó là những năm lấy tiền ra thực hiện các mục tiêu trong trang Mục-tiêu. Chú-ý rằng tổng tài-sản giảm một khoản rất lớn ngay đúng năm về hưu, đó là khoản tiền để được chăm-sóc cuối đời, bạn không tiêu ngay khi về hưu mà tiếp tục đầu-tư khoản tiền đó trong một tài-khoản riêng. Nếu tổng tài sản đầu tư giảm xuống dưới 0, kế hoạch này không khả thi. Lý do là tiền tổng tài sản đầu tư không đủ cho các mục tiêu dùng tiền quá gần nhau, bạn cần phải giãn các mục tiêu ra hoặc giảm các mục tiêu xuống thấp hơn.
Điểm cuối cùng bên phải của đường màu xanh là số tiền bạn dự định để lại lúc cuối đời (ô B15 của trang Quỹ-hưu). Bạn có thể thử tăng/giảm số tiền đó, việc tăng/giảm đó ảnh hưởng rất ít đến kế hoạch tích luỹ vì thời gian để tích luỹ số tiền đó rất dài.
Đường đầu tư thêm cũng tăng dần cho đến năm về hưu do thu nhập tăng theo thâm niên và theo lạm phát, và trở về zero trong những năm về hưu. Đường đầu tư thêm cũng có những điểm gãy, đó là những năm bắt đầu một khoản trả góp. Có vài năm số tiền đầu tư thêm giảm xuống dưới zero do khoản trả góp lớn. Số tiền đầu tư thêm âm có nghĩa là bạn lấy tiền từ tài sản đầu tư ra để trả góp, việc này là chấp nhận được nếu tổng tài sản đầu tư vẫn còn lớn hơn zero.

Điều chỉnh lộ trình

Dòng số ba trong trang Lộ-trình cho biết số cụ thể thu nhập và chi tiêu trong năm đầu tiên của lộ trình. Số chi tiêu chính là số bạn đã nhập vào trong trang TT-chung.
Nếu thu nhập trung bình hàng tháng trong năm đầu tiên của bạn thấp hơn số trong ô F3, bạn chưa thể thực hiện lộ trình này. Bạn cần phải: giảm chi tiêu, giảm hoặc dời các khoản trả góp lại trễ hơn, giảm các mục tiêu để số F3 hợp với thực tế. Khi nào thu nhập tăng lên, bạn lại điều chỉnh các mục tiêu của mình cho phù hợp. Khi bạn giảm chi tiêu, số tiền tích luỹ trong hiện tại tăng lên, đồng thời quỹ hưu cần có trong tương lai giảm xuống, lộ trình của bạn được cải thiện từ hai phía nên sẽ tốt hơn.
Khi bạn dời khoản trả góp lại trễ hơn, tiền đầu tư sẽ được sinh lợi nhiều hơn, và hy vọng rằng khoản trả góp có thể rẻ hơn. Nếu khoản trả góp là mua nhà thì việc dời lại trễ hơn có thể làm nó rẻ hơn hoặc đắt hơn tuỳ theo biến động của thị trường bất động sản.

Nếu thu nhập trung bình hàng tháng trong năm đầu tiên của bạn cao hơn số trong ô F3, chúc mừng bạn! Bạn có thể chọn trong ba hướng sau: chi tiêu nhiều hơn, tăng các mục tiêu lên cao hơn, về hưu sớm hơn. Bạn hãy điều chỉnh các số trong ba hướng đó và xem lại lộ trình mới.

Trường hợp thu nhập trung bình hàng tháng trong năm đầu tiên của bạn cao hơn số trong ô F3 nhưng biểu đồ tổng tài sản đầu tư có những lúc xuống dưới zero và bạn không thể dời các khoản trả góp lại trễ hơn. Trong trường hợp này bạn sẽ không giữ được một tỷ lệ chi tiêu trên thu nhập ổn định suốt đời mà buộc phải giảm chi tiêu trong thời gian đầu (khi có những khoản trả góp không thể dời lại trễ hơn). Để thể hiện việc giảm chi tiêu trong thời gian đầu, bạn hãy giảm Mức tăng khoản đầu tư thêm hàng năm trong ô B8 của trang TT-chung, giảm dần số đó xuống và tính lại lộ trình cho đến khi ô F3 trong trang Lộ-trình gần sát thu nhập thực tế.

Để giảm chi tiêu, bạn cần liệt kê các khoản chi của mình và chọn giảm khoản nào ít cần thiết nhất. Bạn có thể dùng mẫu trong trang Thu-chi để liệt kê chi tiêu.

Sau khi điều chỉnh vào các trang, bạn làm lại bước Tính lộ trình ngay trên đây. Bạn lặp đi lặp lại việc này nhiều lần cho đến khi bạn có một lộ trình khả thi.

Bảng tính này chỉ dùng để lập kế hoạch; khi đã có kế hoạch khả thi nhất, để theo dõi việc thực hiện kế hoạch hàng ngày bạn nên dùng phần mềm gnucash và file spreadsheet ĐTDH.

Plan-Do-Check-Act

Các tính toán trong bảng tính này dựa trên các yếu tố sẽ thay đổi theo thời gian như là lãi suất, lạm phát, thu nhập và chi tiêu của gia đình bạn. Do đó bạn cần điều chỉnh kế hoạch của mình mỗi khi có thay đổi.
Hãy nhớ chép bảng tính ra một bản để lưu trước khi thay đổi, ví dụ: ngày 1.1.2020, chép file KHTC201906 thành file KHTC202001 và sửa file KHTC202001. Việc cập nhật kế hoạch nên làm ít nhất một lần mỗi năm, bắt đầu từ trang TT-chung rồi đến các trang Trả-góp, Mục-tiêu, Bảo-hiểm.

Bạn cần phải đánh giá lại lợi nhuận trung bình của tổng tài sản trong thời gian qua để điều chỉnh vào bản kế hoạch mới. Để tính lợi nhuận trung bình thì bạn cần dùng bảng tính trong trang Tính hiệu quả của việc đầu tư.

Nếu không có thêm mục tiêu lớn thì tỷ lệ chi tiêu trên thu nhập không thay đổi nhiều sau mỗi lần cập nhật kế hoạch. Do đó bạn nên liệt kê đủ các mục tiêu từ lần lập kế hoạch đầu tiên.
Bạn nên cố gắng đầu tư thêm hàng tháng cao hơn mức đã tính ra trong lộ trình để dự trữ cho những giai đoạn xấu trong tương lai. Nếu trong tương lai bạn không gặp phải những giai đoạn xấu thì phần dự trữ sẽ giúp bạn có cơ hội về hưu sớm hoặc tăng mức sống lên cao hơn.
Bắt-đầu lập kế-hoạch và tích-luỹ sớm, bạn sẽ có nhiều thời-gian để điều-chỉnh kế-hoạch khi có những yếu-tố thay-đổi như đã viết ở trên, và việc điều-chỉnh cũng không quá khó.

Các mô hình

Đầy đủ các mục tiêu

Bạn muốn thực hiện đầy đủ công thức một vợ/chồng - hai con - ba tầng - bốn bánh. Bạn sẽ giữ tất cả các dòng trong file mẫu, chỉ cần thay đổi chi tiết của mỗi dòng.
Sau khi mua căn nhà đầu tiên, bạn có thể đổi sang căn nhà lớn hơn. Bạn sẽ cập nhật lại file kế hoạch trước và sau mỗi lần đổi nhà.
Thời điểm về hưu của hai vợ chồng theo luật có thể khác nhau, nhưng chúng ta chọn một thời điểm chung để cả hai cùng nghỉ khi tính toán.

Không mua nhà

Bạn muốn ít bị giới hạn về nơi ở, bạn có thể thuê nhà và dễ dàng dọn đi khi cần đổi chỗ làm, chỗ học của con… File kế hoạch của bạn sẽ không có mục tiêu đặt cọc mua nhà và trả góp mua nhà. Bạn cũng không ghi tiền thuê nhà trong trang Trả-góp mà gộp nó vào chi tiêu ghi trong trang TT-chung.

Sau này, bạn có thể đổi ý và muốn mua nhà, lúc đó hãy thêm một mục tiêu vào lộ trình tài chính của bạn. Bạn có thể lập hai lộ trình khác nhau: có mua nhà và không mua nhà, và so sánh xem lộ trình nào dễ thực hiện hơn.
Nếu không mua nhà, bạn có thể đầu tư nhiều hơn để có quỹ hưu trí lớn hơn. Nếu mua nhà, bạn cũng có thể bán nó khi về già.

Độc thân

Bạn còn trẻ, chưa lập gia đình, bạn cũng nên đưa những dòng liên quan đến một con vào file kế hoạch để bắt đầu tích luỹ từ sớm. Khi bạn lập gia đình, cả hai vợ chồng sẽ cùng nhau thực hiện một lộ trình chung của gia đình.

Nếu bạn thích cuộc đời độc thân, file kế hoạch của bạn sẽ bớt đi được nhiều phần liên quan đến con.

Về hưu sớm (bấm vào đây để xem chi tiết)

Khi về hưu sớm bạn chưa nhận được lương hưu BHXH ngay mà còn phải tiếp tục đóng BHXH đến khi đúng tuổi nhận lương hưu. Như vậy lộ trình tài chính sẽ có ba giai đoạn:

  1. Làm việc kiếm tiền, đóng BHXH, tích luỹ
  2. Nghỉ làm, đóng BHXH, tiêu tiền
  3. Nhận lương hưu, tiêu tiền

Việc chia làm ba giai đoạn rắc rối ở trên chỉ cần thiết với những người may mắn được đóng BHXH mức cao và sẽ có lương hưu cao. Nếu bạn không được đóng BHXH ở mức cao thì bạn vẫn có thể về hưu sớm và chỉ cần tính lộ trình đơn giản hơn bằng cách tạm cho là không có lương hưu, và không cần làm theo các bước dưới đây.

Để tính ra lộ trình tích luỹ trong giai đoạn một, chúng ta làm nhiều bước: tính số tiền cần có ở đầu giai đoạn ba tức là cuối giai đoạn hai, tính số tiền cần có ở đầu giai đoạn hai tức là số tiền cần tích luỹ trong giai đoạn một. Những bước đó được làm với bốn file như sau.

Tính mức chi tiêu ở đầu giai đoạn hai và đầu giai đoạn ba

Chép bảng tính KHTCp1 thành file KHTC1. Nhập vào:

  • 'Quỹ-hưu'!B4 (tuổi về hưu) tuổi dự định về hưu sớm và
  • 'Quỹ-hưu'!B6 (tuổi cuối kế hoạch) là tuổi được nhận lương hưu theo luật,
  • 'TT-chung'!B10 (chi tiêu hiện nay)

Chú ý các mục tiêu và các khoản trả góp đều hoàn thành trước hoặc cùng năm về hưu sớm.
Trang Quỹ-hưu sẽ tính ra mức chi tiêu ở đầu giai đoạn hai và đầu giai đoạn ba. Chúng ta sẽ dùng hai số đó ở các bước tiếp theo.

Tính số tiền cần có ở đầu giai đoạn ba

Chép bảng KHTCp2 thành file KHTC3. Nhập vào:

  • 'TT-chung'!B3 (năm bắt đầu kế hoạch) là năm về hưu đúng tuổi,
  • 'Quỹ-hưu'!B4 (tuổi cuối kế hoạch) là tuổi thọ dự kiến,
  • 'TT-chung'!B8 (chi tiêu hàng tháng) là kết quả ở ô 'Quỹ-hưu'!B10 trong file KHTC1 ở bước một.

Chọn menu Lộ trình Tài chính→Tính giai đoạn 2 để tính số tiền cần có trong ô 'Quỹ-hưu'!B10.

Tính số tiền cần có ở đầu giai đoạn 2

Chép bảng KHTCp2 thành file KHTC2. Nhập vào:

  • 'TT-chung'!B3 (năm bắt đầu kế hoạch) là năm về hưu sớm,
  • 'Quỹ-hưu'!B4 (tuổi cuối kế hoạch) là tuổi về hưu đúng luật,
  • 'TT-chung'!B8 (chi tiêu hàng tháng) là kết quả ở ô 'Quỹ-hưu'!B9 trong file KHTC1 ở bước một cộng thêm tiền đóng BHXH,
  • 'Quỹ-hưu'!B15 (số tiền để lại khi hết giai đoạn về hưu) là kết quả trong ô 'Quỹ-hưu'!B10 trong file KHTC3 ở bước hai.

Chọn menu Lộ trình Tài chính→Tính giai đoạn 2 để tính số tiền cần có trong ô 'Quỹ-hưu'!B10.

Tính lộ trình trong giai đoạn một

Chép file KHTCp1 thành file KHTC4. Nhập vào:

  • 'TT-chung'!B3 (năm bắt đầu kế hoạch) là năm nay,
  • 'Quỹ-hưu'!B4 (tuổi về hưu) là tuổi về hưu sớm,
  • 'Quỹ-hưu'!B6 (tuổi cuối kế hoạch) là tuổi về hưu sớm cộng 1,
  • 'Quỹ-hưu'!B15 (số tiền để lại khi hết giai đoạn về hưu) là kết quả trong ô 'Quỹ-hưu'!B10 trong file KHTC2 ở bước ba.

Chọn menu Lộ trình Tài chính→Tính giai đoạn 1 để tính lộ trình tích luỹ.

Để đi theo lộ trình về hưu sớm, bạn nên giảm các mục tiêu muốn thực hiện như là mua nhà, sinh nhiều con để có tiền tích luỹ.

trở về trang Kế hoạch tài chính

Trang-web này được áp-dụng Creative Commons Attribution-NonCommercial-NoDerivatives 4.0 International License. Bạn được phép chép lại trang-web này, với điều-kiện không được thay-đổi nội-dung và không dùng cho mục-đích thu-lợi và ghi rõ nguồn-gốc https://LeHBoi.github.io. Điều kiện trên cũng áp dụng với domain name trước đây của website này là LHBOI.NAME.VN.