Chơi với tia hồng ngoại
Máy quay phim Sony có thể thấy và ghi hình được tia hồng ngoại. Nó có một nguồn phát tia hồng ngoại rọi ra phía trước để rọi vào những vật trong bóng tối rồi thu các tia hồng ngoại phản xạ lại. Có thể tắt nguồn phát tia hồng ngoại của máy và thu hình bằng các nguồn phát tia hồng ngoại khác.
Tối qua, tôi thử tắt nguồn tia hồng ngoại của máy quay, đặt nó trong phòng tối. Để bàn tay trước ống kính, tất nhiên là chẳng thu được gì. Hướng một cái điều khiển TV vào bàn tay, cách chừng 10cm, bấm đại nút nào đó trên cái điều khiển TV: một bàn tay trắng toát hiện ra trong máy quay phim.
Hướng cái điều khiển TV vào thẳng ống kính máy quay và bấm: thấy loá y như bị rọi đèn pin vào mặt trong đêm tối.
Nguồn phát tia hồng ngoại của máy quay mạnh hơn của cái điều khiển TV nhiều, dùng nó có thể thu hình những vật ở cách ống kính 4m trong bóng tối. Nhưng hơi lạ một điều là khi bật nguồn phát tia hồng ngoại đó thì lại có một chút ánh sáng đỏ phát ra, trong khi các bộ điều khiển từ xa không phát ra một chút ánh sáng thấy được nào. Có lẽ Sony cố ý gắn thêm 1 LED đỏ để người dùng dễ biết là đã bật nguồn hồng ngoại.
Hồi năm 2004, phóng viên báo Tuổi trẻ dùng máy quay phim hồng ngoại để thu hình cảnh sát giao thông Đồng Nai chặn xe thu tiền mãi lộ trong đêm, và bị đám cảnh sát đó thấy chút ánh sáng đỏ này. Để ghi hình trong đêm tối ở khoảng cách xa như vậy, có lẽ các phóng viên phải dùng thêm đèn hồng ngoại chứ không chỉ dùng nguồn hồng ngoại trong máy quay.
Người bình thường phát ra tia hồng ngoại ở bước sóng 10µm. Máy quay Sony này không thu được tia hồng ngoại ở bước sóng dài như vậy. Các tia hồng ngoại ở bước sóng dài thì bị phản xạ ở bề mặt thủy tinh. LED ở các bộ điều khiển từ xa thường phát ra tia hồng ngoại ở bước sóng 940nm, tia hồng ngoại ở bước sóng này có thể đi xuyên qua thủy tinh. Hình dưới đây chụp hình cái điều khiển từ xa xuyên qua một lớp thủy tinh dầy.
Máy quay còn có thể dùng nguồn đó như một cái điều khiển máy ghi băng video, dùng để sang băng: trước khi máy quay phát băng nó điều khiển máy kia bắt đầu ghi băng.
Không cần chờ đến tối vẫn có thể thu được hình hồng ngoại bằng cách gắn trước ống kính một kính lọc chỉ cho tia hồng ngoại đi qua và ngăn ánh sáng thấy được. Có thể làm một kính lọc như vậy một cách rẻ tiền từ những đoạn đầu cuộn phim chụp hình đã tráng. Đoạn đầu cuộn phim thường có một vài khung không lộ sáng do người dùng cố ý bấm máy mà không mở ống kính để bỏ đoạn đầu. Sau khi tráng, đoạn đầu đó sẽ có màu đen, không cho ánh sáng thấy được đi qua nhưng lại cho tia hồng ngoại đi qua.
* Những kinh nghiệm khác