Giới-thiệu

Thân-thế
Thành-tích
Privacy Policy

Hữu-ích

Lập-kế-hoạch-tài-chính gia-đình

Đầu-tư-cổ-phiếu

Các loại bảo-hiểm

Câu-chuyện

Kinh-nghiệm

Máy-tính

Chữ-Việt

Linh tinh

Ý kiến

Danh mục

Download
Mục lục





Các loại bảo hiểm

Có lẽ bạn đã từng nghe nói về các loại bảo hiểm sau:

BH y tế
Chương trình chăm sóc sức khoẻ toàn dân, bao gồm BHYT bắt buộc (đối với người có hợp đồng lao động, học sinh, sinh viên) và BHYT tự nguyện.
BH xã hội
Chương trình tạo nguồn thu nhập thay thế khi người lao động không thể lao động (về hưu, mất sức lao động, nghỉ thai sản), bao gồm BHXH bắt buộc (đối với người có hợp đồng lao động) và BHXH tự nguyện
BH thất nghiệp
Chương trình tạo quỹ trợ cấp khi người lao động mất việc làm
BH tai nạn
Tạo quỹ trợ cấp cho người bị tai nạn
BH nhân thọ
Các kế hoạch tích luỹ và bảo vệ tiền để dùng trong các trường hợp khác nhau. Người tham gia bảo hiểm nhận được tiền khi có rủi ro và khi hết hạn hợp đồng.
BH phi nhân thọ
Các loại bảo hiểm không có tích luỹ. Gồm cả bảo hiểm rủi ro xảy ra cho người và tài sản. Một số sản phẩm bảo hiểm thường gặp trong nhóm này là bảo hiểm chăm sóc sức khoẻ, bảo hiểm nhà cửa, bảo hiểm trách nhiệm, bảo hiểm xe, bảo hiểm hàng hoá…

Và còn nhiều loại bảo hiểm khác nữa. Mục đích chung của mọi loại bảo hiểm đều là đối phó với rủi ro.

Rủi ro

"Rủi ro là sự không chắc chắn có thể đo lường được."
'Không chắc chắn' nghĩa là không thể biết trước việc đó xảy ra khi nào và ở đâu.
'Có thể đo lường được' nghĩa là biết được tần suất việc đó xảy ra, khi việc đó xảy ra thì thiệt hại bao nhiêu.
Nếu một việc gì đó có hại mà người ta biết tất cả mọi nguyên nhân thì người ta có thể tránh việc đó một cách chắc chắn bằng cách triệt tiêu hết các nguyên nhân đó. Khi còn những nguyên nhân chưa biết thì nó vẫn còn là rủi ro.

Có bốn biện pháp để đối phó với rủi ro:

  1. Né tránh rủi ro, ví dụ: không đi ra đường để tránh tai nạn giao thông
  2. Đương đầu rủi ro, sẵn sàng để khắc phục thiệt hại, ví dụ: để dành sẵn tài sản để bán đi khi mắc bệnh nghiêm trọng
  3. Chuyển giao rủi ro, ví dụ: mua bảo hiểm để có tiền khắc phục thiệt hại
  4. Giảm thiểu rủi ro, bảo hiểm cũng có tác dụng giảm thiểu thiệt hại khi rủi ro xảy ra

Có thể kể thêm hai thái độ khác đối với rủi ro là:

Ý nghĩa của bảo hiểm

Về hình thức thì bảo hiểm là một thứ phí giống như phí giữ xe vậy. Ai sợ mất xe thì phải trả phí giữ xe. Ai sợ mất tiền thì trả phí bảo hiểm. Khi bị mất xe thì ta chỉ nhận được bồi thường ít hơn hoặc bằng giá trị chiếc xe, còn bảo hiểm có thể đền số tiền ta đang có và cả số tiền ta chưa có (tức là số tiền sẽ làm ra trong tương lai).

Khi tham gia bảo hiểm thì mình đóng một khoản phí để khi có rủi ro sẽ nhận được số tiền bảo hiểm. Khoản phí đó dùng để chia sẻ rủi ro giữa những người cùng tham gia bảo hiểm: người gặp rủi ro nhận tiền của những người chưa gặp rủi ro. Mua bảo hiểm mà không gặp rủi ro cũng giống như đem tiền đi làm từ thiện: giúp những người không may.
Tiền đóng bảo hiểm cũng giống tiền mua vé số ở chỗ tiền của nhiều người góp lại đưa cho một số ít người. Nhưng bảo hiểm và xổ số khác nhau ở chỗ: người mua vé số muốn được nhận tiền thưởng, người tham gia bảo hiểm không mong nhận tiền bồi thường.
Khi xem bảo hiểm là phí thì mình phải tính sao cho tốn ít phí nhất mà vẫn đạt mục đích bảo hiểm.

Bảo hiểm sẽ giúp ta đỡ thiệt hại về tài chính khi có rủi ro xảy ra, chứ bảo hiểm không ngăn ngừa rủi ro.
Bảo hiểm cần cho cuộc sống giống như phao cứu sinh cần cho hành khách trên sông biển. Không phải thuyền nào cũng sẽ chìm, nhưng khi chìm mà không có phao thì nguy. Không phải ai cũng sẽ gặp rủi ro, nhưng khi gặp rủi ro mà không có đủ tiền thì mạt.
Bảo hiểm chỉ nhận giúp ta khi rủi ro chưa xảy ra và chưa có dấu hiệu của rủi ro; do đó ta chỉ mua bảo hiểm khi còn mạnh khoẻ, khi không còn khoẻ thì khó mua được bảo hiểm. Thuyền phải trang bị phao trước khi rời bến, chứ không nên đợi đến khi nước tràn vào mới tìm mua phao.
Mọi người đều có nguy cơ gặp rủi ro nhưng nguy cơ đó không bằng nhau ở mọi người. Ví dụ:

Tất nhiên là các công ty bảo hiểm sẽ không bán bảo hiểm cho khách hàng có nguy cơ gặp rủi ro cao, cũng giống như các công ty xổ số không bán vé số đã biết kết quả. Do đó, khi đã có một kế hoạch tài chính cho gia đình thì hãy bảo vệ nó bằng bảo hiểm ngay; tham gia bảo hiểm càng sớm càng tốn ít tiền; đừng đợi đến khi cảm thấy có rủi ro đe doạ rồi mới tìm đến bảo hiểm, có thể lúc đó bạn sẽ sốc vì công ty bảo hiểm từ chối nhận tiền của bạn. Tôi đã thấy nhiều người quen bị công ty bảo hiểm từ chối nhận tiền.

Bảo hiểm cho người

Những rủi ro liên quan đến thân thể con người mà làm thiệt hại tài chính gia đình là:

(Còn những rủi ro liên quan đến tài sản như nhà, xe thì cũng làm thiệt hại tài chính, lại cần loại bảo hiểm khác.)
Trong ba loại rủi ro trên thì chết sớm gây thiệt hại tài chính không nhiều bằng trường hợp bệnh tật hay tai nạn gây mất khả năng lao động.

Một cách phân loại các sản phẩm bảo hiểm nữa là:

Những người đang làm ra tiền để nuôi người khác cần có quyền lợi bảo hiểm khi tử vong, những người chưa làm ra tiền không cần quyền lợi bảo hiểm này. Tất cả mọi người đều nên có quyền lợi bảo hiểm khi còn sống.

Liên quan đến con người thì có hai dạng bảo hiểm chính là bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm nhân thọ.
Bảo hiểm phi nhân thọ có các loại như bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm tử vong. Bảo hiểm phi nhân thọ thường có thời hạn một năm, không có giá trị hoàn lại (nghĩa là công ty bảo hiểm không trả lại tiền khi hết hạn hợp đồng). Bảo hiểm phi nhân thọ thường được bán theo từng gói với số tiền bảo hiểm đã định trước, muốn mua số tiền khác cũng không được (trừ trường hợp mua tập thể thì có thể thương lượng gói riêng).
Bảo hiểm nhân thọ là một kế hoạch để dành tiền kết hợp với bảo vệ số tiền sắp có. Bảo hiểm nhân thọ bảo vệ số tiền trước các vấn đề tử vong, tai nạn, bệnh tật. Bảo hiểm nhân thọ thường có thời hạn dài, có giá trị hoàn lại. Giá trị hoàn lại của bảo hiểm nhân thọ là khoản tiền khách hàng nhận được khi không có rủi ro, là kết quả của việc tiết kiệm, tích luỹ khi đóng phí bảo hiểm. Một phần tiền từ khách hàng đóng vào hợp đồng bảo hiểm nhân thọ sẽ được tích luỹ như khoản tiết kiệm dài hạn. Lợi nhuận của việc tiết kiệm bằng bảo hiểm này tương đương lợi nhuận gửi ngân hàng kỳ hạn 12 tháng.
Tiền đóng vào bảo hiểm còn phải trích một phần cho mục đích chia sẻ rủi ro nữa, nên lợi nhuận chung hơi thấp hơn ngân hàng. Do đó người mua bảo hiểm mà so mức lợi nhuận giữa bảo hiểm và ngân hàng, và quên mục đích bảo hiểm, sẽ hết muốn mua nữa. Người ta quên rằng bảo hiểm và tiết kiệm là hai dịch vụ khác nhau, khó so sánh được. Mua bảo hiểm nhân thọ là dùng hai dịch vụ cùng một lúc.
Đối với những người khó giữ tiền, tuy tiết kiệm bằng bảo hiểm nhân thọ thì lợi nhuận thấp hơn ngân hàng nhưng lại cho kết quả tốt hơn ngân hàng vì tiết kiệm bằng bảo hiểm là việc tiết kiệm có kỷ luật: cứ đúng hạn là có người nhắc nộp tiền, không tiện rút ra trước hạn. Tiền ở trong bảo hiểm không định kỳ quay lại tay người chủ như sổ tiết kiệm nên ít bị chi tiêu bất chợt. Nhờ tính kỷ luật đó mà người tham gia bảo hiểm tránh được các cám dỗ tiêu dùng, đỡ quên nộp tiền vào ngân hàng, đỡ rút tiền khi bị khuyến mãi dụ dỗ. Nếu thu nhập của bạn đủ sống mà tài sản của bạn không tăng lên như đồ thị trong trang Tích luỹ tài sản thì bạn thuộc nhóm người khó giữ tiền, nhóm đó chiếm hơn 90% dân số Việt Nam.
Tóm lại, bảo hiểm nhân thọ là một cách tích luỹ tiền có kết quả chắc chắn, vượt qua những thất thoát kiểm soát được (cám dỗ tiêu dùng) cũng như không kiểm soát được (rủi ro).

Các loại bảo hiểm linh hoạt

Những sản phẩm bảo hiểm nhân thọ thiết kế theo kiểu truyền thống (kiểu cũ) thì giá trị hoàn lại gần bằng số tiền bảo hiểm làm cho người tham gia bảo hiểm bị buộc phải tiết kiệm tương đương với số tiền bảo hiểm rủi ro. Sản phẩm kiểu cũ cũng cố định về thời hạn hợp đồng, thời hạn đóng phí.
Về sau có những sản phẩm bảo hiểm nhân thọ liên kết chung: linh hoạt giữa hai mục đích bảo hiểm và tích luỹ, người tham gia bảo hiểm tự chọn số tiền bảo hiểm và giá trị hoàn lại khác nhau, tự quyết định thời hạn bảo hiểm, thời hạn đóng phí. Khách hàng có thể chọn số tiền bảo hiểm cao và giá trị hoàn lại thấp để đóng phí thấp, phần tiền tiết kiệm còn lại đem gửi vào chỗ nào có lãi suất cao và an toàn. Tất nhiên muốn được tối ưu như vậy thì khách hàng hoặc tư vấn viên tài chính phải thật hiểu về kế hoạch tài chính để chọn đúng kế hoạch tích luỹ và kế hoạch bảo hiểm sao cho dù có rủi ro hay không thì gia đình vẫn có đủ số tiền vào lúc cần dùng đến. Nghĩa là phải thực hiện song song hai kế hoạch để có cùng một kết quả như sản phẩm bảo hiểm truyền thống ở trên với số tiền bỏ ra ít hơn.
Với mục tiêu để dành tiền dài hạn thì bảo hiểm liên kết chung cho kết quả tốt hơn gửi ngân hàng.
Lại có loại sản phẩm bảo hiểm liên kết với việc đầu tư, cho người tham gia bảo hiểm cơ hội đầu tư một cách chuyên nghiệp và an toàn trên thị trường chứng khoán với lợi nhuận cao hơn lãi tiết kiệm ngân hàng.

Mua bảo hiểm có lời không?

Trừ loại bảo hiểm liên kết đầu tư có thể đem lại lợi nhuận cao, các loại bảo hiểm nhân thọ đều có lãi tương đương gửi tiết kiệm ở ngân hàng, người mua bảo hiểm chỉ có lời nhiều khi gặp rủi ro. Khi gặp rủi ro thì người mua bảo hiểm nhận được một số tiền lớn hơn số phí bảo hiểm đã nộp cho công ty bảo hiểm, gặp rủi ro càng sớm thì càng lời nhiều.
Chắc chắn là không ai muốn lời theo cách này, nhưng mọi người đều cần có bảo hiểm. Nhiều người vẫn chưa phân biệt được cái mình muốn và cái mình cần, người ta chỉ cố để có cái mình muốn chứ không cố kiếm cái mình cần. Ví dụ: người ta cần một cái điện thoại di động nhưng lại muốn có iPhone, cần có bảo hiểm nhưng không muốn mua.
Mua bảo hiểm cũng giống như bắt cá hai tay.
Mặc dù lãi suất tương đương nhưng gửi tiền vào bảo hiểm liên kết chung một cách đều đặn liên tục sẽ cho kết quả tốt hơn gửi ngân hàng.

Mỗi người nên mua bảo hiểm nào?

Phần trên là tóm tắt về những sản phẩm bảo hiểm trên thị trường. Có nhiều sản phẩm như vậy thì nên mua thứ nào? Câu trả lời là không có một sản phẩm nào đáp ứng được hết mọi nhu cầu bảo hiểm của một người, phải lựa chọn các sản phẩm bổ sung cho nhau để có phạm vi bảo vệ nhiều nhất.
Việc chọn sản phẩm bảo hiểm bắt đầu từ kế hoạch tài chính của gia đình:

Khi đã có kế hoạch tài chính rồi, sẽ tính đến việc bảo vệ kế hoạch đó trước những rủi ro bằng những loại bảo hiểm.

Chi phí chữa bệnh, tai nạn

Người xưa đã đúc kết quy luật của cuộc đời của đa số người là Sinh-Lão-Bệnh-Tử. Tử là điều xảy ra sau cùng nhưng không phải là điều đáng sợ nhất, điều đáng sợ nhất là Bệnh! Chữ Bệnh ở đây nói đến những bệnh tật và tai nạn nghiêm trọng. Bệnh mà không có tiền để chạy chữa thì đáng sợ hơn nữa, bệnh nhẹ không được chữa sớm sẽ trở thành bệnh nặng. Biết trước quy luật trên thì mỗi người đều phải để dành cho chính mình một khoản tiền để đối phó với Bệnh. Nếu để dành đều đặn thì đến khi Lão cũng đã có một số tiền lớn. Nhưng rất nhiều người chưa kịp Lão, chưa kịp để dành xong thì Bệnh đã đến, lúc đó có một số tiền bảo hiểm lớn thì tốt biết mấy!
Về bệnh tật và tai nạn thì người làm công đã có bảo hiểm y tế bắt buộc, người làm nghề tự do có thể mua bảo hiểm y tế tự nguyện. Tuy nhiên bảo hiểm y tế của nhà nước không chi trả đủ cho mọi thiệt hại. Những thiệt hại không được chi trả như giảm sút thu nhập trong và sau khi điều trị thì người bệnh và gia đình vẫn phải tự chịu, chưa kể BHYT không chi trả 100% chi phí điều trị (phần lớn người tham gia BHYT nhà nước chỉ được trả 80% chi phí và mỗi lần không quá 40 tháng lương tối thiểu), hoặc thiệt hại nghiêm trọng hơn là qua đời hoặc mất khả năng lao động do bệnh tật, tai nạn.
Để bổ sung cho BHYT nhà nước thì có thể mua thêm:

Mất nguồn thu nhập

Nếu Tử đến sau Lão thì chẳng có gì đáng lo, lúc đó người ta đã làm xong những việc cần thiết nhất của cuộc đời như là mua nhà, nuôi con học thành tài. Đáng lo là những người gặp Tử khi chưa kịp làm xong những việc đó, không thể thanh thản ra đi vì không biết con mình sẽ ra sao.
Mỗi gia đình Nên có BH tử vong với số tiền bằng tổng các khoản cần chi trong kế hoạch tài chính cộng với ít nhất năm năm thu nhập của người làm ra tiền, nên mua BH tai nạn lớn hơn số tiền BH tử vong (vì tai nạn mà không tử vong thì thiệt hại có thể còn lớn hơn tử vong).
Các công ty BH nhân thọ có bán BH tử vong và BH tai nạn dưới dạng sản phẩm bổ trợ với mức phí rất thấp, ví dụ BH tai nạn 100 triệu đồng chỉ cần đóng 200-400 ngàn đồng/năm tuỳ theo nghề nghiệp có nguy cơ thấp hay cao, BH tử vong 100 triệu đồng chỉ cần đóng 250 ngàn đồng/năm trở lên tuỳ theo tuổi. Gọi là sản phẩm bổ trợ là vì không có giá trị hoàn lại và phải mua kèm với một sản phẩm chính có số tiền bảo hiểm ít nhất bằng 20 hay 25% số tiền bảo hiểm của sản phẩm bổ trợ. Ví dụ: để có BH tai nạn một tỉ đồng thì mua kèm với sản phẩm chính 250 triệu đồng.

Bảo hiểm tốn bao nhiêu?

Ví dụ: bạn muốn mua nhà sau năm năm nữa, với lãi suất tiết kiệm 12%/năm thì bạn đang để dành mỗi tháng 12,25 triệu đồng để có một tỉ đồng vào lúc đó. Để bảo vệ kế hoạch đó trước rủi ro mất sớm hay tai nạn thì bạn cần có một số tiền bảo hiểm tử vong 550 triệu đồng và bảo hiểm tai nạn hơn 1,2 tỉ đồng với mức phí khoảng 3,7 triệu đồng/năm, khoảng 2% số tiền bạn tiết kiệm. Chỉ tốn thêm 2% để kế hoạch của bạn chắc chắn hơn trước những rủi ro. Bất kỳ lúc nào trong suốt năm năm đó, nếu bạn không còn thì số tiền bảo hiểm nhận được đủ cho gia đình bạn có nhà đúng vào năm thứ năm.
Nếu bạn đang trả nợ góp thì cũng dùng bảo hiểm để bảo vệ kế hoạch trả nợ của bạn, thêm vài phần trăm để bảo đảm rằng món nợ được trả dù cho có chuyện gì xảy ra; đừng để người thân của bạn rơi vào tình trạng vừa mất đi thân nhân vừa gồng mình trả nợ.
Tương tự như vậy, nếu bạn dự định để dành 2,5 tỉ đồng cho con du học sau 15 năm nữa, mỗi tháng bạn để dành năm triệu đồng. Để chắc chắn có số tiền 2,5 tỉ đồng đó đúng lúc dù cho lúc đó bạn không còn bên cạnh con mình, bạn cần số tiền bảo hiểm tử vong khoảng 470 triệu đồng và bảo hiểm tai nạn hơn 500 triệu đồng với mức phí khoảng 2,1 triệu đồng / năm, khoảng 3,5% số tiền bạn tiết kiệm.
Nếu có khả năng thì mua thêm bảo hiểm bệnh nghiêm trọng để bù đắp thiệt hại còn lại sau khi được BH y tế chi trả trong trường hợp mắc những bệnh tốn nhiều tiền.
Sau khi đã chọn những thứ bảo hiểm cần có rồi, bước tiếp theo là sắp xếp độ ưu tiên để chọn mua những thứ hợp với ngân sách gia đình, nếu ngân sách cho phép thì mua hết.

Thử so sánh phí bảo hiểm với phí gửi xe. Để gửi một chiếc xe gắn máy trị giá 30 triệu đồng người ta tốn ít nhất ba ngàn đồng một ngày, hơn 1 triệu đồng mỗi năm. Tính ra chi phí cả năm là 3,65% giá trị chiếc xe. Tốn phí như vậy nhưng khi chiếc xe bị mất đi, người chủ xe không đòi được đủ số tiền 30 triệu đồng một cách dễ dàng, sẽ bị bớt vì xe đã cũ… Trong khi đó, với số tiền tương đương tiền giữ xe đó người ta được bảo hiểm sinh mạng 300 triệu đồng, không bị bớt đi chút nào khi bồi thường.
Sự khác nhau giữa tỉ lệ phí trong hai trường hợp trên nằm ở chỗ xác suất để rủi ro xảy ra. Xác suất của rủi ro mất xe cao hơn rủi ro mất mạng.
Nhiều người vẫn nghĩ rằng xác suất để rủi ro xảy ra thấp thì không cần bảo hiểm, hoặc không cần số tiền bảo hiểm lớn. Ví dụ: tỉ suất chết ở Việt Nam trong năm 2010 là 6,8‰, và cứ 100.000 dân thì có 29,3 người mắc ung thư gan, tỉ lệ quá nhỏ, có đáng lo không?

Theo tôi thì xác suất và thống kê chỉ để tính thiệt hại trên một số đông người, còn đối với một người cụ thể, tôi hoặc bạn, thì chỉ có thể nhận 100% thiệt hại hoặc là 0%. Nói cụ thể hơn, việc tôi còn sống mạnh khoẻ nuôi con đến khi chúng học xong chỉ có hai tình huống là có hoặc không. Nếu ngày mai tôi không còn nữa thì các con tôi không có một tỉ đồng để ăn học đến khi có nghề để sống, chứ không phải là gia đình tôi mất 6,8‰ của một tỉ đồng. Hoặc tuần sau tôi đi khám sức khoẻ có phát hiện ra ung thư gan hay không, câu trả lời chỉ là có hoặc không. Nếu có thì tôi tốn 300 triệu đồng để chữa chứ không phải 300.000.000*29,3/100.000 = 87.900 đồng.

Vậy mỗi ngày tôi để ra 10.000 đồng để khi tôi không còn thì các con tôi có một tỉ đồng ăn học. Nếu tôi vẫn mạnh khoẻ đến 20 năm sau thì tôi hạnh phúc khi biết rằng 10.000 đồng của tôi đã góp thành hàng tỉ đồng cho những gia đình không may khác. Số tiền mua bảo hiểm có hai tác dụng: bảo vệ tương lai gia đình và giúp đỡ người khác. Người mua bảo hiểm thường xuyên đóng góp cho quỹ từ thiện, không cần đợi đến đợt vận động, không cần xem báo để tìm những hoàn cảnh khó khăn.

Tôi nghĩ rằng số tiền để dành mỗi ngày để đóng bảo hiểm giống như tiền mời bạn bè uống cafe. Một người bạn tốt hiếm có, khi gia đình tôi gặp vấn đề khó khăn như là tai nạn, bệnh tật… bạn đem đến vài trăm triệu đồng giúp ngay. Không những vậy, khi tôi về già, bạn lại đem hết số tiền cafe trong mấy chục năm đến trả cho tôi.

Lời kết

Xin trích lời bài hát Nếu như anh không về để nhắc lại hình ảnh còn lại sau khi một người ra đi.

Người rời xa để lại nỗi đau

Nếu như anh không về, ngày mai em phải làm sao

Nếu như anh không về, đời em mây đen phủ kín

Lời bài hát tả hoàn cảnh đầy xúc động của một người sau khi đã mất một người thân yêu. Nhưng nếu ngoài sự mất mát đó, người ở lại còn phải gánh luôn trách nhiệm nuôi dạy con cái, trang trải các khoản nợ để lại nữa thì nỗi đau càng lớn hơn nữa.
Bạn có muốn rơi vào hoàn cảnh mình thì nằm bất động, người thân đứng bên cạnh đưa tay nhận những món nợ ân tình từ người khác để lo cho mình? Chắc chắn là không.
Bạn có muốn để lại nỗi đau cho người thân yêu của mình không? Chắc chắn là không.
Bạn có thể chắc chắn tránh được việc ra đi bất ngờ không? Chưa chắc.
Bạn hãy chuẩn bị tốt để có thể sẵn sàng ra đi mà để lại ít đau đớn nhất cho những người thân yêu của mình.

Trang-web này được áp-dụng Creative Commons Attribution-NonCommercial-NoDerivatives 4.0 International License. Bạn được phép chép lại trang-web này, với điều-kiện không được thay-đổi nội-dung và không dùng cho mục-đích thu-lợi và ghi rõ nguồn-gốc https://LeHBoi.github.io. Điều kiện trên cũng áp dụng với domain name trước đây của website này là LHBOI.NAME.VN.