So-sánh công-cụ tích-luỹ dài-hạn
Khi chọn một công cụ giữ tiền dài hạn ta phải cân nhắc những yếu tố: trượt giá, an toàn, thanh khoản.
Trượt giá
Hầu như ai cũng lo ngại vấn đề trượt giá khi để dành tiền. Trượt giá là một điều khách quan ta phải chấp nhận. Dù muốn hay không ta cũng phải chấp nhận vật giá năm sau cao hơn năm trước không nhiều thì ít. Nếu hôm nay một tô phở giá 50.000 đồng, mười năm sau một tô phở có thể lên đến 100.000 đồng. Như vậy ta phải để dành thứ gì đó mà hôm nay đổi được mười tô phở thì 10-30 năm sau phải đổi được ít nhất mười tô phở. Tại sao phải để dành lâu như vậy thì được giải thích ở trang sau.
Vàng
Có một thứ không mất giá mà mọi người đều biết, đó là vàng. Vài năm trở lại đây, do sự bất ổn về kinh tế và chính trị trên thế giới, giá vàng tăng lên rất cao làm cho nhiều người nghĩ rằng giá vàng sẽ tăng nhanh hơn mức trượt giá. Nhưng kết quả nghiên cứu của tác giả Stephen Harmston được Hội đồng Vàng Thế giới xuất bản (Gold as a Store of Value) và được trích dẫn trong bài báo đăng trên VnExpress ngày 27/04/2010 (Bí ẩn vàng) cho thấy giá vàng tính bằng bánh mì hầu như không tăng sau hơn 2500 năm. Áp dụng điều đó ở Việt Nam, giả sử hôm nay một lượng vàng mua được 1.000 tô phở thì 10 hay 30 năm sau nó cũng chỉ mua được 1.000 tô phở. Có lúc vàng tăng giá, có lúc vàng giảm giá rất nhanh (xem giá vàng biến động tại Gold Price History), trong khi phở cứ tăng giá từ từ, cuối cùng thì giá vàng quy ra phở gần như không đổi.
Không mất giá là ưu điểm của vàng để chống trượt giá, nhưng khi đưa vào bài toán tích luỹ dài hạn thì vàng có một khuyết điểm là nó không sinh lợi. Ví dụ sau đây sẽ cho thấy khuyết điểm đó ảnh hưởng như thế nào. Giả sử chị A bắt đầu có thu nhập năm 25 tuổi, về hưu năm 55 tuổi và sống thọ 85 tuổi, chị A có 30 năm kiếm tiền, chi tiêu và để dành vàng, và 30 năm tiêu dần vào số vàng đó. Do vàng không mất giá và cũng không sinh lợi nên số vàng tiêu hết trong 30 năm cuối đời bằng đúng số vàng tiêu trong 30 năm trước đó, nghĩa là mỗi khi chị A kiếm được một chỉ vàng thì được tiêu nửa chỉ và để nửa chỉ lại 30 năm sau mới tiêu. Tỉ lệ tiết kiệm trên thu nhập của chị A phải là 50%. Tỉ lệ đó quá cao, rất ít người có thể làm được như vậy và tất nhiên kế hoạch tích luỹ dài hạn không khả thi. Đó là chưa kể những chi tiêu chăm sóc sức khoẻ sẽ phát sinh ở tuổi già, tỉ lệ tiết kiệm cần tăng lên hơn nữa.
Như vậy tích luỹ vàng không còn hợp trong xã hội hiện đại, khi mà phải cố gắng làm mọi thứ sinh lợi, những thứ bỏ đi mà còn sinh lợi được thì thứ quý như vàng không sinh lợi là rất phí phạm. Vài năm trước, chị A có thể gửi vàng vào ngân hàng để sinh lợi chừng 1%/năm, bây giờ không còn được như vậy nữa. Tích luỹ vàng để sau này dùng cũng giống như con sóc để dành hạt dẻ trong hốc cây, đàn kiến tích trữ thức ăn trong tổ, một hình thức tích luỹ rất sơ khai.
Vậy tại sao có nhiều tổ chức tài chính vẫn giữ vàng?
Các tổ chức tài chính đó giữ vàng để đầu cơ chứ họ không giữ vàng hàng chục năm như chị A. Đầu cơ nghĩa là họ sẽ bán vàng ra khi thị trường khan hiếm vàng và mua vàng vào khi có nhiều người bán. Làm như vậy họ sẽ làm cho vàng sinh lợi. Chị A muốn làm cho vàng sinh lợi cũng phải làm như vậy, nhưng không dễ làm được. Rất nhiều người đã cố đầu cơ vàng nhưng số người thành công không nhiều, đa số không những không lời mà còn lỗ nữa.
Gửi ngân hàng
Tóm lại, vàng vẫn chưa đủ tốt để tích luỹ dài hạn. Thứ gì có thể tốt hơn vàng trong việc tích luỹ dài hạn? Thứ đó phải tăng giá trị nhanh hơn tốc độ trượt giá. Thứ đó chính là thứ rất bình thường: sổ tiết kiệm kỳ hạn dài ở các ngân hàng!
Ngân hàng nhà nước luôn luôn điều chỉnh chính sách sao cho lãi suất huy động tiết kiệm có kỳ hạn 12 tháng trở lên sẽ hơi cao hơn mức trượt giá, khi nhiều khi ít. Khi muốn kiềm chế lạm phát thì lãi suất huy động tiết kiệm sẽ cao hơn nhiều để dân chúng đem tiền gửi vào ngân hàng, tiền mặt trở nên có giá hơn, giảm trượt giá.
Ví dụ hôm nay chị A gửi vào ngân hàng năm triệu đồng (tương đương 500 kg gạo loại 10.000 ₫/kg) sau một năm chị A có được 5,5 triệu đồng, giả sử gạo tăng giá 8% thì chị A vẫn có thể mua được 500 kg gạo và dư ra 100.000 ₫. Số tiền dư ra sau một năm không nhiều nhưng sau 30 năm thì sẽ khác một cách đáng kể. Giả sử trượt giá giữ nguyên 8%/năm và lãi suất huy động giữ nguyên 10%/năm, chị A không cần phải để dành đến 50% thu nhập của mình mua vàng để dùng sau 30 năm mà chỉ cần gửi tiết kiệm 41% thu nhập mỗi tháng.
Lãi suất tiết kiệm cao hơn mức trượt giá có 2% mỗi năm (10% - 8%), số tiền chị A cần phải tiết kiệm đã giảm xuống gần một phần năm (41% so với 50%). Nếu chị A có cách làm cho tiền sinh lợi cao hơn so với trượt giá nhiều hơn nữa thì có thể để dành ít hơn, chi tiêu nhiều hơn trong hiện tại, việc tiết kiệm sẽ dễ dàng hơn.
Tính toán này có vẻ không giống với thực tế là những người gửi tiền tiết kiệm VND cứ thấy số tiền của mình nhỏ dần đi. Nguyên nhân của sự khác nhau giữa tính toán và thực tế là người gửi tiền tiết kiệm VND thường lấy tiền lãi ra dùng vì thấy nó lẻ, số tiền gốc gửi lại đương nhiên sẽ kém giá trị hơn năm ngoái vì đã bị trượt giá!
Cổ phiếu
Cách làm cho tiền sinh lợi cao hơn tiết kiệm ở ngân hàng chính là hùn vốn vào doanh nghiệp. Các doanh nghiệp hoạt động tốt như Vinamilk, Vietcombank hiện có lợi nhuận hàng năm trên 20%, những doanh nghiệp quy mô gia đình còn có mức lợi nhuận cao hơn nữa. Với lợi nhuận 20% thì chị A chỉ cần để dành 12% thu nhập mỗi tháng mà vẫn đủ sống từ năm 55 tuổi đến năm 85 tuổi. Tuy nhiên nếu chọn cách hùn vốn để sinh lợi thì chị A nên hùn vào nhiều doanh nghiệp trong các ngành khác nhau để giảm bớt rủi ro khi một doanh nghiệp gặp khó khăn.
Làm sao chị A có thể hùn vốn vào các doanh nghiệp làm ăn tốt? Để hùn vốn vào các doanh nghiệp gia đình làm ăn tốt thì phải là người thân quen. Để hùn vốn vào Vinamilk, Vietcombank dễ hơn nhiều, chỉ cần mua cổ phiếu.
Chị A không biết gì về cổ phiếu, không có thời gian làm thủ tục mua cổ phiếu, lại còn phải mua nhiều loại cổ phiếu khác nhau nữa, rồi những lúc cổ phiếu xuống giá thì sao?
Không sao cả. Không biết về cổ phiếu thì bỏ chút thời gian tìm hiểu những khái niệm và nguyên tắc chung, trẻ con các nước công nghiệp hoá còn chơi trò chơi đầu tư cổ phiếu được mà không lẽ chị A không hiểu được. Điều quan trọng là tìm hiểu từ những người hiểu biết, đừng nghe những người không biết nói là để tiền vào cổ phiếu chỉ có nước bán nhà, nhảy lầu tự tử. Những người không biết rõ về cổ phiếu mà cũng tham gia thị trường chứng khoán thì rất dễ bán nhà, nhảy lầu. Những người đã từng bán nhà vì cổ phiếu vẫn chưa chắc là đã biết rõ về thị trường chứng khoán. Do đó đừng nghe những người từng bán nhà vì cổ phiếu, và tất nhiên là không thể nghe những người đã nhảy lầu vì cổ phiếu (vì có thể họ không nói được nữa).
Chị A cũng không cần phải làm thủ tục mua cổ phiếu, đã có các tổ chức quỹ đầu tư làm giùm và họ luôn luôn chọn mua những cổ phiếu tốt nhất cho chị A. Hàng tháng, chị A chỉ cần lãnh lương ra và gọi ngay cho quỹ đầu tư bảo “Tháng này tôi có 1.200.000 đồng, hãy đầu tư vào những công ty tốt nhất cho tôi”, quỹ đầu tư cử người đến gặp chị A nhận tiền để đầu tư.
Khi giá cổ phiếu xuống thì sao? Giá cổ phiếu lên xuống là chuyện bình thường, cũng giống như giá vàng. Khi giá vàng xuống thì chị A không có gì phải lo khi biết rằng 30 năm nữa một lượng vàng vẫn đổi được 1.000 tô phở như hôm nay. Giá cổ phiếu xuống rồi sẽ lên lại và giá nó vẫn tăng dần theo thời gian.
Lỡ công ty đó thua lỗ, phá sản thì tiền mua cổ phiếu ra sao? Quỹ đầu tư với nhiều kinh nghiệm và xử lý thông tin chuyên nghiệp sẽ tránh bỏ tiền vào các công ty quản lý kém, và sẽ kịp thời rút tiền ra trước khi công ty thua lỗ, ngoài ra quỹ đầu tư để tiền vào hàng chục công ty thì một công ty tạm thời thua lỗ cũng không làm lỗ nguyên cả quỹ.
Chú ý: quỹ đầu tư không phải là các kiểu đầu cơ vàng và ngoại tệ trên mạng hay rủ rê người ta gửi tiền với lãi suất 3%/tháng, xem thêm bài Những cách đầu tư để phân biệt.
Kết quả từ số liệu thực tế hơn 10 năm qua cho thấy lợi nhuận của quỹ đầu tư cao hơn ngân hàng.
Nhà đất
Ngoài cách hùn vốn như trên, cũng còn một cách giữ tiền khác, đó là đất. Tài nguyên đất thì có hạn trong khi nhu cầu của con người cứ tăng mãi cho nên giá của đất tăng không ngừng. Tuy nhiên không phải ai cũng có thể mua đất để làm của để dành được, nhất là những người mới bắt đầu để dành tiền. Và mua đất cũng không đơn giản như hùn vốn vào quỹ đầu tư, cho nên hãy bắt đầu bằng sổ tiết kiệm, quỹ đầu tư rồi tiếp theo là đất, hoặc là đầu tư vào các quỹ đầu tư chuyên về bất động sản.
Ngoại tệ
Cũng có người tin tưởng vào sức mạnh của đô-la Mỹ nên quyết định tích luỹ dài hạn bằng đô-la Mỹ. Nếu giữ đô-la Mỹ trong tủ thì còn dở hơn giữ vàng vì đô-la Mỹ thật sự có mất giá theo thời gian. Nếu gửi tiết kiệm bằng đô-la Mỹ thì dở hơn gửi tiết kiệm bằng tiền Việt Nam vì ngân hàng nhà nước có chính sách bảo vệ tiền Việt Nam. Tóm lại đô-la Mỹ cũng giống như vàng, chỉ thích hợp để đầu cơ chứ không thích hợp để giữ lâu dài. Ngay cả dân Mỹ cũng không gửi nhiều tiền trong các tài khoản tiết kiệm thì dân Việt Nam càng không nên (theo American Family Financial Statistics trung bình số dư tài khoản tiết kiệm của dân Mỹ chỉ vào khoảng một tháng lương).
Tôi đã dùng số liệu lịch sử tỷ giá USD-VND và giá vàng tính theo USD để tính hiệu quả của việc để dành tiền bằng USD hoặc vàng từ đầu năm 2009 đến nay. Kết quả đúng theo suy luận ở trên: giữ USD và vàng dài hạn không lợi bằng gửi tiết kiệm kỳ hạn một năm. Kết quả được trình bày trong bài Sổ tiết kiệm hay quỹ đầu tư.
An toàn
Trên đây là phần bàn về khả năng chống trượt giá của các công cụ trong mục đích tích luỹ dài hạn. Chúng ta tiếp tục bàn về tính an toàn hay là rủi ro mất trắng hoặc lỗ nặng của các công cụ. Chúng ta không bàn về những nguy cơ lỗ nhẹ do biến động nhất thời như giá vàng giảm, giá cổ phiếu giảm… vì những biến động đó được bù trừ trong dài hạn.
Những rủi ro có thể gây mất trắng hoặc lỗ nặng là: lừa đảo, trộm cướp, cháy nhà, thay đổi chính sách, doanh nghiệp phá sản.
Bị lừa là một rủi ro có tính chất chủ quan, người có tiền có thể chủ động tránh bị lừa bằng cách luôn thận trọng khi quyết định đưa tài sản cho người khác, nếu không có đủ thông tin đánh giá đối tác thì có thể chi 1-2% để thuê người chuyên nghiệp đánh giá.
Nếu để tiền, vàng hay ngoại tệ trong nhà thì có nguy cơ mất trắng vì trộm cướp hoặc cháy nhà. Trộm cướp hay cháy nhà không thể làm mất cổ phiếu, đơn vị quỹ đầu tư, đất.
Doanh nghiệp phá sản có thể làm mất trắng hoặc lỗ nặng một loại cổ phiếu, nếu tài sản gồm nhiều loại cổ phiếu hoặc quỹ đầu tư thì sẽ không bị lỗ nặng.
Chính sách thay đổi có thể ảnh hưởng đến giá trị của tất cả mọi thứ đất, vàng, ngoại tệ, cổ phiếu, đơn vị quỹ.
Xếp thứ tự xác suất xảy ra các rủi ro trên từ cao đến thấp như sau:
- trộm cướp
- cháy nhà
- thay đổi chính sách
- phá sản
Thanh khoản
Bàn về tính thanh khoản hay là khả năng chuyển đổi tài sản tích luỹ thành tiền đúng lúc và đúng số lượng cần thiết thì ta có thể xếp theo thứ tự từ cao đến thấp như sau:
- vàng, ngoại tệ
- đơn vị quỹ mở
- cổ phiếu
- đất
Tính thanh khoản sẽ ảnh hưởng đến tính chất dịch chuyển được của tài sản. Giả sử bạn muốn đi định cư ở nước ngoài, bạn muốn đem tài sản theo thì phải chuyển đổi nó thành ngoại tệ.
Kết luận đơn vị quỹ, cổ phiếu và đất là những công cụ tốt để tích luỹ tài sản lâu dài, vàng và ngoại tệ thích hợp cho những trường hợp khẩn cấp. Nên giữ một phần nhỏ (dưới 10%) tài sản bằng vàng hoặc ngoại tệ, và phần lớn tài sản bằng quỹ đầu tư, cổ phiếu, bất động sản.
Kết luận nào cũng có ngoại lệ, Việt Nam trong những năm 2010-2011 là một ngoại lệ khi tiền gửi tiết kiệm sinh lợi cao hơn những công cụ khác, do đó phải luôn luôn linh hoạt đánh giá các công cụ.
Tôi đã thử qua nhiều công cụ tich luỹ tài sản. Hiệu quả các kiểu tích luỹ của tôi trong hơn 15 năm qua được ghi lại trong trang sau.
* Tích luỹ tiền để đủ sống trọn đời
* Phân biệt những cách đầu tư và đầu cơ
* Trò chơi đầu tư làm giàu
* Phân biệt những cách đầu tư và đầu cơ
* Tìm hiểu về quỹ đầu tư
* Quỹ đầu tư cho lợi nhuận cao hơn gửi ngân hàng
Mọi ý kiến thảo luận xin ghi vào các trang: Twitter hoặc Facebook