Giới-thiệu

Thân-thế
Thành-tích
Privacy Policy

Hữu-ích

Lập-kế-hoạch-tài-chính gia-đình

Đầu-tư-cổ-phiếu

Các loại bảo-hiểm

Câu-chuyện

Kinh-nghiệm

Máy-tính

Chữ-Việt

Linh tinh

Ý kiến

Danh mục

Download
Mục lục





Phân-biệt những cách đầu-tư

Viết lần đầu trong Tháng Sáu, 2013.
Sửa lần cuối trong Tháng Giêng, 2024.

Đầu tư là một cách gia tăng tài sản. Mọi người đều phải biết đầu tư. Người giàu có dư tiền thì đầu tư để duy trì sự giàu có. Người chưa giàu cần phải tiết kiệm để có tiền đầu tư sao cho có đủ tiền dùng cho những kế hoạch tương lai. Tuy nhiên chữ đầu tư được dùng trong rất nhiều cách, có những cách dùng sai gây hiểu lầm, làm cho nhiều người sợ đầu tư. Hãy cùng tìm hiểu các cách đó: đầu tư, đầu cơ, lừa đảo.

Đầu tư

Đầu tư trực tiếp
người có tiền đứng ra lập doanh nghiệp sản xuất/dịch vụ/thương mại, điều hành doanh nghiệp đó để đồng tiền được sinh sôi ra. Quy mô doanh nghiệp có thể từ nhỏ đến rất lớn. Hoạt động của doanh nghiệp có thể là sản xuất hàng hoá, cung cấp dịch vụ, thương mại (bán sỉ, bán lẻ), xây dựng, cho thuê.
Để đầu tư trực tiếp thành công cần có những kỹ năng điều hành doanh nghiệp, nhìn thấy cơ hội… Chỉ có 5% dân số thế giới là chủ doanh nghiệp thành công. Nếu không có đủ kỹ năng để đầu tư trực tiếp thì cũng có thể tăng thu nhập bằng những cách đầu tư gián tiếp sau đây. Và những chủ doanh nghiệp thành công chắc chắn cũng đầu tư gián tiếp, do đó mọi người đều cần có đầu tư gián tiếp. Nếu bạn đang là chủ của một hoặc vài doanh-nghiệp, bạn hãy đa-dạng-hoá tài-sản bằng cách làm chủ nhỏ của vài chục doanh-nghiệp lớn nữa qua quỹ-đầu-tư.
Đầu tư gián tiếp
hùn vốn vào một doanh nghiệp đang hoạt động. Nếu doanh nghiệp đó là công ty cổ phần thì vốn được quy ra thành các cổ phiếu. Nếu cổ phiếu đó được niêm yết trên thị trường chứng khoán thì người đầu tư có thể chọn mua cổ phiếu và bán cổ phiếu dễ dàng.
Uỷ thác đầu tư
nhiều người muốn đầu tư gián tiếp nhưng không biết nên đầu tư vào doanh nghiệp nào thì có thể nhờ các tổ chức tài chính. Hợp đồng uỷ thác đầu tư thường có kỳ hạn một vài năm, bên có tiền sẽ nhận được lợi nhuận cao hơn hoặc bằng lãi suất tiết kiệm ở ngân hàng, ngoài lợi nhuận cam kết đó, nếu việc đầu tư sinh lợi nhiều thì khoản lợi hơn dự kiến đó sẽ được chia giữa bên có tiền và tổ chức thực hiện đầu tư. Lợi nhuận được trả hàng năm, không thể chấm dứt hợp đồng rút vốn trước hạn.
Quỹ đầu tư
Những tổ chức tài chính có vốn và biết đầu tư nhưng muốn tăng số vốn lên nhiều lần để có cơ hội đầu tư tốt hơn sẽ lập quỹ đầu tư. Tiền góp vào quỹ đầu tư được quy thành các đơn vị quỹ giống như cổ phiếu. Những người muốn đầu tư gián tiếp nhưng không biết nên đầu tư vào doanh nghiệp nào và không muốn bị ràng buộc thời hạn uỷ thác đầu tư thì có thể mua đơn vị quỹ. Quỹ đầu tư không chia lãi như uỷ thác đầu tư, lợi nhuận của quỹ đầu tư thể hiện qua sự tăng giá của đơn vị quỹ. Người sở hữu đơn vị quỹ có thể bán đơn vị quỹ để lấy tiền bất kỳ lúc nào. Đầu-tư qua quỹ-đầu-tư là làm chủ nhỏ của vài chục doanh-nghiệp hàng đầu trong nền kinh-tế. Các quỹ-đầu-tư ở Mỹ sở-hữu phần-lớn cổ-phần của các doanh-nghiệp niêm-yết trên thị-trường-chứng-khoán.
Có thể so sánh một cách gần đúng các cách để có tiền với các cách để có nấm rơm:
  • Một số người phải ra đồng hái nấm để có nấm rơm, cũng tương đương như cách người ta đi làm để được trả tiền công.
  • Một số người trồng nấm rơm; việc này tương đương như đem tiền đi đầu tư trực tiếp.
  • Một số người gửi rơm cho trại nấm, đến khi có nấm thì chia số nấm đó với chủ trại nấm; việc này tương đương như đem tiền đi đầu tư gián tiếp.
Ban đầu mọi người đều phải đi làm để có tiền. Khi để dành được một số tiền thì có người đầu tư trực tiếp, có người đầu tư gián tiếp để đến một lúc nào đó không cần phải đi làm nữa. Tuỳ theo khả năng mà người ta nên đầu tư trực tiếp hay đầu tư gián tiếp. Nếu mát tay trồng nấm thì tự trồng, ngược lại thì đem rơm đi gửi. Chắc chắn một điều là người nào cũng sẽ đến tuổi không thể tự đi hái nấm hay trồng nấm, phải ăn nấm do người khác làm ra, do đó ai cũng cần phải có rơm đi gửi.

Phần lớn những người tôi đã tiếp xúc đều chỉ nghĩ đến một loại đầu tư là đầu tư trực tiếp và luôn luôn lo ngại đưa tiền cho một tổ chức khác sinh lợi (trừ ngân hàng). Đó là một quan niệm khá cũ, không còn thích hợp với xã hội hiện đại. Thật ra mọi người đều có thể bắt đầu đầu tư gián tiếp một cách dễ dàng như được giải thích trong bài Đừng sợ chữ đầu tư.
Trước khi đưa tiền cho tổ chức nào đó thì nên tìm hiểu về mức độ ổn định tài chính của tổ chức đó. Để biết được mức độ ổn định tài chính của một tổ chức (ngân hàng hay công ty quản lý quỹ) thì phải tìm xem tổ chức đó được đánh giá như thế nào bởi các cơ quan độc lập như là Fitch, Moody's, Standard and Poor. Điều quan trọng nhất không phải là lời cam kết của tổ chức tài chính mà là tổ chức tài chính đó có thực hiện được lời cam kết đó hay không.
Trong bốn cách đầu tư trên thì cần phải có một số vốn đáng kể để làm theo cách thứ nhất và cách thứ ba, để làm theo cách thứ hai và cách thứ tư thì chỉ cần tiết kiệm mỗi ngày từ 33.000 đồng trở lên. Các bạn thử dùng Google để tìm những hình về đầu tư sẽ thấy phần lớn các hình đều chỉ có tiền lẻ.

Đầu cơ

Ngoài các cách trên thì chữ đầu tư còn được dùng trong những trường hợp khác:

đầu tư lướt sóng
mua những cổ phiếu hay nhà đất có cơ hội lên giá trong thời gian ngắn, rồi bán ra ngay khi giá lên
đầu tư ngoại tệ
mua một loại ngoại tệ có cơ hội lên giá trong thời gian ngắn, rồi bán ra ngay khi giá lên; hoặc ngược lại bán ngoại tệ khi thấy có cơ hội giá giảm, rồi mua lại ngay khi giá giảm
đầu tư giao dịch hàng hoá
mua vàng hay bạc khi nó có cơ hội lên giá trong thời gian ngắn, rồi bán ra ngay khi giá lên; hoặc ngược lại bán vàng hay bạc khi thấy có cơ hội giá giảm, rồi mua lại ngay khi giá giảm

Thực ra ba trường hợp trên là những hoạt động đầu cơ chứ không phải đầu tư. Đầu cơ là kiếm lời nhanh chóng nhờ lợi dụng sự biến động của thị trường.
Cái hại của đầu cơ là nó thường được dùng kèm với đòn bẩy để tăng lợi nhuận. Ví dụ: một người đầu cơ vàng có vốn 50 triệu đồng được sàn giao dịch cho vay thêm thành 5000 triệu đồng để mua 100 cây vàng với hy vọng vài giờ sau hay vài ngày sau vàng lên giá 1% để bán đi thu về 5050 triệu đồng, lời 50 triệu đồng từ số vốn thật 50 triệu đồng sau một thời gian rất ngắn. Nhưng nếu vàng không lên giá mà giảm giá 1% thì sàn giao dịch sẽ bán ngay 100 cây vàng để thu hồi khoản cho vay 4950 triệu đồng, người đầu cơ mất vốn.
Ở Việt Nam có nhiều người tham gia đầu cơ trên các sàn giao dịch ngoại hối hay vàng ở nước ngoài qua Internet. Để giảm bớt rủi ro, họ không dùng đòn bẩy quá mạnh, nhưng như vậy thì lợi nhuận cũng không cao. Dù sao cũng chỉ tốn công một lần, tại sao không giao dịch với lượng nhiều hơn nữa. Thế là họ nhận uỷ thác, nghĩa là vay tiền người khác để đầu cơ, với hứa hẹn trả lãi cao gấp mấy lần lãi suất huy động vốn của ngân hàng. Nhiều người không biết được việc đầu cơ này rủi ro như thế nào, đã đưa tiền cho người đầu cơ, nhận lãi hàng tháng vài phần trăm, đến một ngày nào đó không liên lạc được với người nhận uỷ thác nữa thì mới vỡ lẽ ra. Cũng có người biết rằng việc này là rủi ro nhưng vẫn đưa tiền cho vay với hy vọng rủi ro không xảy ra với mình. Việc đoán trước sự tăng giá hay giảm giá của ngoại tệ và vàng rất khó, không ai có thể đoán đúng mãi, chỉ một lần đoán sai cũng đủ làm mất sạch vốn.
Lại có những tổ chức làm đại lý cho các sàn giao dịch ở nước ngoài để mời những người đầu cơ trong nước tham gia, tổ chức đó sẽ được thu phí cho mỗi lần mua bán của người đầu cơ.
Đầu cơ vàng và ngoại tệ chỉ là một kiểu cá cược: một số người đoán rằng giá sẽ tăng, một số người đoán ngược lại, ai đoán trúng sẽ được tiền. Hoạt động đó chẳng giúp gì cho nền kinh tế cả. Trong hoạt động đầu cơ, luôn luôn có người thắng và người thua, còn hoạt động đầu tư thì có cơ hội thắng cho tất cả mọi người.

Cũng là đầu cơ vàng và ngoại tệ nhưng các ngân hàng lớn như ANZ, HSBC, Sacombank có cách làm khác, rất thận trọng, gọi là đầu tư có cấu trúc: khi ký hợp đồng và nhận tiền từ khách hàng, ngân hàng chỉ lấy ít hơn x% số tiền đó đem giao dịch vàng hay ngoại tệ, phần còn lại đem cho vay với lãi suất khoảng x%/năm. Như vậy sau một năm thì phần cho vay đã thu hồi lại được bằng số vốn ban đầu, còn phần đem kinh doanh lỡ có mất sạch thì cũng không ảnh hưởng đến vốn của khách hàng. Các ngân hàng lớn chuyên hoạt động tài chính mà còn phải thận trọng như vậy thì làm sao tin được độ tin cậy của mức lời vài % mỗi tháng của những cá nhân, doanh nghiệp nhỏ.

Đầu cơ cổ phiếu ở Việt Nam thì không được cho vay ngay một số tiền lớn như đầu cơ ngoại hối và vàng đã ghi ở trên, nhưng người đầu cơ có cách vay tiền khác. Vài năm trước, người đầu cơ vay tiền từ ngân hàng có thế chấp bằng chính số cổ phiếu đang có.
Ví dụ anh A có 100 triệu đồng, A đem tiền mua cổ phiếu hết, A đoán rằng cổ phiếu này sẽ lên giá trong một thời gian ngắn và lên nhiều hơn lãi vay ngân hàng, A đem số cổ phiếu đó thế chấp ở ngân hàng để lấy ra 80 triệu, rồi lại đem 80 triệu mua cổ phiếu, rồi đem cổ phiếu thế chấp, cứ như vậy thì A đứng tên sở hữu khá nhiều cổ phiếu đồng thời cũng nợ ngân hàng khá nhiều tiền.
Nếu giá cổ phiếu đó lên đúng như A đoán thì A bán đi lấy tiền trả nợ xong còn dư tiền lời, lời nhiều hơn là chỉ mua bán với 100 triệu đồng.
Nếu giá cổ phiếu xuống, giá trị cổ phiếu thế chấp không còn đủ an toàn cho số tiền A nợ, các ngân hàng sẽ đòi A trả bớt nợ, nhưng A đâu còn tiền để trả, buộc các ngân hàng phải đem bán bớt cổ phiếu của A để lấy tiền giảm nợ, hàng loạt các ngân hàng cùng đem bán một loại cổ phiếu sẽ làm giá của cổ phiếu đó giảm thêm, vậy là ngân hàng phải bán thêm… như một vòng xoáy làm cho số cổ phiếu của A cứ giảm dần và giá cổ phiếu cũng giảm đến mức lỗ vốn nặng.
Có trường hợp còn liều lĩnh đem nhà đi cầm cố để vay nặng lãi, khi cổ phiếu xuống giá không thể bán (dù bán lỗ cũng không ai mua) sẽ có đám tới lấy nhà xiết nợ.
Nếu không dùng đòn bẩy thì đầu tư cổ phiếu đúng cách không bao giờ mất vốn, đôi lúc giá cổ phiếu có giảm rồi sẽ lên lại, về dài hạn sẽ lời.

Thông tin mới năm 2018, rất nhiều tổ chức trong nước làm đại lý cho nước ngoài dụ người Việt Nam đầu cơ chứng khoán phái sinh ở Mỹ. Đầu cơ chứng khoán phái sinh là một dạng cá cược, dự đoán giá cổ phiếu sắp lên hay sắp xuống để kiếm lời. Công cụ chứng khoán phái sinh được thiết kế để những người đầu cơ chứng khoán giảm bớt rủi ro bằng cách bắt cá hai tay.
Những người bị dụ sẽ gặp rủi ro về mặt pháp lý đó là vi phạm quy định quản lý ngoại tệ của nhà nước khi giao tiền cho đại lý (qua kênh chuyển tiền điện tử Ngân Lượng) và để đại lý chuyển tiền ra nước ngoài một cách bất hợp pháp. Khi đại lý bị xử lý về mặt pháp luật thì tiền của người tham gia sẽ mất hết. Các đại lý rất khéo léo khi dùng Ngân Lượng để nhận tiền vì họ thiết kế một trang web riêng giả bộ như là của nước ngoài, người tham gia không ngờ rằng tiền của mình chuyển đến đại lý trong nước.

Lừa đảo

Chữ đầu tư còn được dùng để lừa những người thiếu thông tin như trường hợp đầu tư đa cấp. Người ta bị dụ đưa tiền cho một tổ chức nào đó để được trả lãi cao, và được khuyến khích mời thêm nhiều người nữa tham gia. Thực chất tiền vốn của người tham gia sau được lấy làm tiền lãi trả cho người tham gia trước. Đến một lúc nào đó, không còn người mới tham gia nữa thì hệ thống sụp đổ, những người tham gia sau cùng sẽ mất tiền. Hoặc nó thêm một kiểu khác tinh vi hơn là tạo cổ phiếu ảo để người ta tranh mua đẩy giá lên. Cổ phiếu ảo là cổ phiếu của những công ty không có thật ở một nước xa xôi nào đó, người mua chỉ biết tên công ty qua Internet, chưa hề thấy sản phẩm của công ty. Cũng có người biết rằng việc này là rủi ro nhưng vẫn đưa tiền vào với hy vọng hệ thống không sụp đổ trước khi mình thu đủ vốn.
Trường hợp này là kiếm tiền bằng cách lừa gạt người khác chứ không phải từ sự biến động của thị trường. Hai ví dụ cho loại lừa đảo này ở Việt Nam là Colony InvestUInvest

Để tránh rủi ro thì phải tìm hiểu kỹ xem tiền của mình sẽ đi đến đâu trước khi đưa tiền cho ai đó.


Trang-web này được áp-dụng Creative Commons Attribution-NonCommercial-NoDerivatives 4.0 International License. Bạn được phép chép lại trang-web này, với điều-kiện không được thay-đổi nội-dung và không dùng cho mục-đích thu-lợi và ghi rõ nguồn-gốc https://LeHBoi.github.io. Điều kiện trên cũng áp dụng với domain name trước đây của website này là LHBOI.NAME.VN.