Giới-thiệu

Thân-thế
Thành-tích
Privacy Policy

Hữu-ích

Lập-kế-hoạch-tài-chính gia-đình

Đầu-tư-cổ-phiếu

Các loại bảo-hiểm

Câu-chuyện

Kinh-nghiệm

Máy-tính

Chữ-Việt

Linh tinh

Ý kiến

Danh mục

Download
Mục lục





Tích-luỹ tài-sản cho tuổi già

Viết lần đầu trong Tháng Mười Một, 2012
Hình từ dreamstime.com

Xã hội Việt Nam có truyền thống "Trẻ cậy cha, già cậy con". Khi còn nhỏ thì được cha mẹ nuôi nấng, chu cấp cho ăn học; đến khi trưởng thành thì chu cấp trở lại cho cha mẹ già.

Truyền thống đó đang bị thay đổi. Có nhiều nguyên nhân của sự thay đổi đó; mỗi người có thể nghĩ ra vài nguyên nhân, không biết nguyên nhân nào là đúng nhất. Nhưng hậu quả của sự thay đổi đó thì rất rõ ràng: 70% số người cao tuổi ở Việt Nam vẫn phải làm việc để kiếm sống. Một số ít người già còn may mắn nhờ cậy được con thì cũng có thể mang mặc cảm lệ thuộc, trở thành gánh nặng của con. Một số trường hợp thật sự là gánh nặng: một cặp vợ chồng trẻ kiếm tiền để nuôi tám miệng ăn: cha mẹ + hai con + tứ thân phụ mẫu.
Làm sao để không phải "già cậy con" nữa? Chỉ có một cách là tự tích luỹ cho tuổi già của chính mình.

Bài này bàn về vấn đề tích luỹ tài sản của mỗi người. Nói dễ hiểu tích luỹ là kiếm được mười đồng, chỉ ăn bảy đồng, để dành lại ba đồng sau này dùng. Việc tích luỹ tài sản bao gồm hai việc là:

Các câu hỏi dưới đây sẽ lần lượt được trả lời trong bài này:

  1. Tại sao cần phải tích luỹ?
  2. Tích luỹ bao nhiêu?
  3. Khi nào thì bắt đầu tích luỹ?
  4. Tích luỹ dưới dạng gì?
  5. Làm sao tích luỹ được?

Tại sao mỗi người cần phải tích luỹ?

Trong xã hội ngày nay, muốn sống được thì phải có tiền. Tiền dùng để:

Vì vậy mọi người đều phải đi làm kiếm tiền mỗi ngày.
Khi tuổi già đến, không còn sức đi làm thì sao?
Có lương hưu không?
Lương hưu có đủ sống không?
Con cháu có nuôi mình không?
Hay là mình phải đi bán vé số, đi rửa chén để kiếm chút cháo sống qua ngày; hay là mua một gói thuốc chuột uống để khỏi kéo dài những ngày sống thiếu thốn. Tôi đã mua vé số từ những cụ già 80 tuổi, chắc chắn cuộc sống của các cụ chẳng dễ dàng gì.

Bạn thử tưởng tượng một buổi sáng nào đó bạn đi ra đường mà quên đem theo tiền (và các thứ thẻ rút tiền), bạn sẽ thấy lúng túng như thế nào. Định ghé vào tiệm phở ăn sáng, sờ đến túi không thấy tiền nên thôi, muốn mua xôi ăn sáng cũng không được. Khát nước muốn ghé mua chai nước, cũng không có tiền. Muốn ghé vào tiệm sách đọc ké cho quên cơn đói, cũng không có tiền gửi xe… Chỉ một buổi sáng thiếu tiền mà bạn đã bối rối rồi, nếu thiếu tiền trong 15-20 năm thì bạn sẽ như thế nào? Muốn mua gói mì để ăn sáng, cũng phải hỏi xin con cho tiền.

Để không bị thiếu thốn khi tuổi già đến, mỗi người đều phải tích luỹ một số tiền lớn cho tuổi già của chính mình. Chúng ta còn chưa bàn đến việc tích luỹ tài sản để mua nhà hay để lại cho con cháu!

Tích luỹ bao nhiêu tiền?

Chỉ cần làm phép nhân đơn giản, lấy số tiền bạn đang tiêu mỗi tháng nhân cho 12 là được số tiền tiêu mỗi năm, nhân tiếp cho 20 hay 30 là số tiền bạn cần có khi về hưu.
Chưa đủ đâu! Còn phải tính trượt giá nữa. Chỉ cần trượt giá 7% mỗi năm thì sau 10 năm vật giá sẽ đắt gấp đôi, sau 20 năm đắt gấp bốn, sau 30 năm đắt gấp tám lần bây giờ. Như vậy số tiền ở trên phải nhân lên 8-10 lần nữa. Đó là chưa kể khi về già, tiền thuốc chữa bệnh còn tốn hơn nữa.
Giả sử bạn đang tiêu mỗi tháng năm triệu đồng. Với mức trượt giá khoảng 7%/ năm, 35 năm sau, bạn phải có 12-16 tỉ đồng khi về hưu để đủ sống đến cuối đời mà không phải xin con, không phải đi bán vé số. Có sẵn số tiền đó khi về già, bạn có thể đi tập thể dục buổi sáng ở công viên, đánh cờ tướng với bạn già, đi chụp hình, đi bơi…
Làm sao để dành được số tiền quá lớn đó? Bạn sẽ có số tiền lớn đó nếu bạn tích luỹ sớm, liên tục và sinh lợi an toàn.

Khi nào thì bắt đầu tích luỹ?

Hãy tích luỹ ngay khi bắt đầu làm ra tiền. Tích luỹ càng sớm tiền càng đẻ ra nhiều tiền theo thời gian.
Bảng dưới đây cho kết quả tính mức độ tiết kiệm tối thiểu trên thu nhập để có đủ tiền sống khi về già. Bảng này tính cho nhiều trường hợp khác nhau: mức trượt giá, lợi nhuận đầu tư, tuổi bắt đầu tích luỹ. Kết quả cho thấy tại sao cần phải tích luỹ sớm: bắt đầu tích luỹ sớm thì tỉ lệ tiết kiệm trên thu nhập thấp hơn bắt đầu tích luỹ trễ.

Giả sử
trượt giá (/năm) 0% 8% 8% 8%
lãi suất đầu tư/tiết kiệm (/năm) 1,4% 10% 15% 20%
tuổi về hưu 60
tuổi thọ 75
trượt giá khi hưu (/năm) 0% 4% 4% 4%
lãi suất tiết kiệm khi hưu (/năm) 1,4% 5,4% 7% 8%
Kết quả tính toán
Bắt đầu tiết kiệm ở tuổi Tỉ lệ tiết kiệm/thu nhập
23 25,4% 26,0% 10,5% 3,5%
30 30,7% 31,7% 16,2% 7,2%
35 35,5% 37,0% 22,1% 11,9%
40 41,6% 43,5% 30,1% 19,5%
45 49,7% 51,8% 40,8% 31,2%
50 60,5% 62,9% 55,3% 48,3%

Bảng trên đây tính cho trường hợp bắt đầu tiết kiệm với tài sản tích luỹ bằng không. Nếu đã có tích luỹ được một phần, hoặc có nhiều kế hoạch tích luỹ thì phải tính chi tiết hơn bằng bảng tính KHTC.
Trong tính toán trên:

Thực tế thì thu nhập thường tăng từ từ theo thời gian, đôi khi có thể giảm đột ngột; còn chi tiêu thì cũng tăng từ từ theo thời gian nhưng đôi khi lại tăng đột ngột. Khi lập gia đình, có con thì chi tiêu sẽ tăng đáng kể trong một khoảng thời gian dài hơn 20 năm.
Do đó kết quả tính toán đơn giản trên đây chưa đủ an toàn, cần phải tiết kiệm nhiều hơn mới đủ an toàn.
Trong các tính toán trên, phải kể luôn các khoản thu nhập dạng trợ cấp mà bạn tiêu hết ngay ví dụ như ở chung nhà với người thân thì bạn được giảm bớt tiền nhà và tiền ăn. Cũng nên nhớ rằng không được tính các khoản lợi nhuận từ tài sản tiết kiệm vào thu nhập.

Cột thứ hai là kết quả tính cho trường hợp giả định không bao giờ có trong thực tế: trượt giá 0%. Ngay cả khi không trượt giá, bạn vẫn phải tiết kiệm từ một phần tư tới một nửa thu nhập để làm quỹ hưu trí cho chính mình.

Bạn có biết rằng những người đi làm có hợp đồng lao động hợp pháp ở Việt Nam đang đều đặn gửi 26% lương vào hệ thống Bảo hiểm Xã hội của nhà nước để khi về hưu sẽ được lãnh lương hưu. Trong 26% đó, người trả lương cho bạn đóng 18%, còn 8% trừ vào lương của bạn.
Bạn thấy đó, 26% đóng vào Bảo hiểm Xã hội chỉ tương đương kết quả tính toán khi không có trượt giá trong bảng trên thì lương hưu BHXH làm sao đủ sống khi có trượt giá? Chưa kể một sự thật còn đáng ngại hơn nữa là phần nhiều người lao động ở Việt Nam chỉ gửi 26% của chừng một phần tư tới một phần ba thu nhập thật, tức là lương hưu càng trở nên ít ỏi. Nhà nước cũng thấy vấn đề này nên đang bàn với các công ty bảo hiểm nhân thọ đưa ra các kế hoạch hưu trí tự nguyện. Trong khi chưa có kế hoạch đó thì mỗi người phải tự thực hiện kế hoạch của riêng mình.

Cột thứ ba là kết quả tính cho trường hợp gần giống thực tế hiện nay: trượt giá 8%/năm và lãi suất tiết kiệm 10%/năm. Trong trường hợp này bạn cần phải tiết kiệm nhiều hơn trường hợp không trượt giá. Nếu bạn bắt đầu tích luỹ ở tuổi 23, bạn cần để dành ít nhất 26% thu nhập của mình cho quỹ hưu trí. Nếu bạn đợi đến khi nuôi con xong, 50 tuổi mới bắt đầu tích luỹ thì bạn chỉ được tiêu 37% thu nhập của mình, để 63% cho 10 năm sau.

Phần nhiều thanh niên đều nghĩ rằng đến khi lập gia đình rồi mới bắt đầu tiết kiệm. Bạn thử nghĩ xem không có quyết tâm tiết kiệm 26% thu nhập khi còn độc thân năm 23 tuổi, thì làm cách gì mà tiết kiệm được 31,7% thu nhập khi 30 tuổi và đang nuôi con.
Để dành tới 26% thu nhập thì nhiều quá! Rất may là có cách để giảm tỉ lệ tiết kiệm trên thu nhập xuống một chút để bạn có thể chi tiêu rộng rãi hơn một chút. Đó là tìm cách cho tiền tiết kiệm sinh lợi nhiều hơn. Cột thứ tư và cột thứ năm cho thấy rằng nếu tiền tiết kiệm có lãi suất càng cao thì càng ít phải để dành hơn.

Thu nhập thụ động

Khi bạn bắt đầu tích luỹ 10,5% thu nhập vào năm 23 tuổi, khoản lợi nhuận sinh ra từ khoản tích luỹ đó (gọi là thu nhập thụ động) trong tháng đầu tiên chỉ bằng 1,575% (15% x 10,5%) thu nhập chủ động hàng tháng. Nếu bạn cứ tích luỹ đều đặn như vậy thì thu nhập thụ động sẽ:

Có tiền để dành cũng giống như bạn mở một doanh nghiệp, thuê người làm ra tiền cho bạn, bạn chỉ ngồi đếm tiền.

Biểu đồ bên phải minh hoạ một mô hình tích luỹ thành công. Thu nhập và chi tiêu hàng năm, tăng dần theo thời gian, nhưng không tăng nhanh như tài sản tích luỹ. Đường màu xanh lá là tỉ lệ tài sản so với chi tiêu hàng tháng. Thời gian đầu tài sản chỉ bằng vài tháng chi tiêu, thời gian cuối tài sản phải hơn hai trăm tháng chi tiêu, mặc dù mức chi tiêu đã tăng lên mười mấy lần do trượt giá. Đường màu đỏ là mức độ tăng tài sản mỗi năm; thời gian đầu tỉ lệ tăng cao do tài sản còn ít, mức tăng chủ yếu là từ tiền tiết kiệm; thời gian sau tỉ lệ tăng thấp nhưng số tiền rất lớn, chủ yếu là từ lợi nhuận đầu tư.

Khi mới lập gia đình, chi tiêu tăng nên tỉ lệ tài sản so với chi tiêu hơi giảm, sau đó tiếp tục tăng cao.

Bạn hãy dùng phần mềm quản lý tài sản GnuCash để theo dõi việc tích luỹ của mình. Hãy cố gắng sao cho báo cáo tài sản của bạn giống như đồ thị này.

Tích luỹ cách nào để được lợi nhuận cao?

Một số người dùng số tiền tiết kiệm làm vốn tự kinh doanh quy mô nhỏ, có thể sinh lời nhiều hơn lãi suất tiết kiệm ngân hàng đến vài lần, rất tốt! Tuy nhiên việc buôn bán nhỏ không thể phát triển mãi đến quy mô vài chục tỉ đồng mà vẫn giữ nguyên lợi nhuận cao. Do đó luôn luôn cần đến các cách tích luỹ sinh lợi khác. Và một điều cần phải luôn luôn nhớ là không bao giờ để hết trứng trong một giỏ. Để hết vốn liếng vào một chỗ, đến khi thị trường không thuận lợi thì rất nguy. Nên chia tài sản ra nhiều chỗ: chỗ lợi nhuận thấp và rủi ro thấp, chỗ lợi nhuận cao và rủi ro cao.

Có hai cách để có lợi nhuận cao hơn gửi tiết kiệm ở ngân hàng, đó là đầu tư bất động sản và đầu tư cổ phiếu. Để đầu tư bất động sản thì cần có vốn lớn và nhanh nhạy với thông tin. Đầu tư vào cổ phiếu không đòi hỏi vốn lớn nhưng cũng cần có kiến thức và thông tin, tuy nhiên có cách để đầu tư cổ phiếu dễ dàng hơn, được trình bày ở đây. Xem bài này phân tích kỹ hơn về các công cụ tích luỹ dài hạn.

Dù cho bạn dùng những cách tích luỹ nào, hãy luôn luôn theo dõi tài sản của mình, giá trị tài sản phải tăng nhanh hơn mức trượt giá.

Làm sao tích luỹ được khi tôi thường tiêu hết thu nhập của mình?

Để tiết kiệm được, cần phải có quyết tâm, cần phải nghĩ đến tương lai của chính mình. Ngày nay mình có iPhone, iPad, AirBlade, TV LED 3D thật thích nhưng 35 năm sau mình có mười mấy tỉ đồng để sống không? Nếu không có hàng chục tỉ đồng thì mình có dám mua gói thuốc chuột uống không? Khi về hưu mỗi ngày mình đi tập thể dục, đánh cờ, chụp hình phong cảnh hay là mình đi bán vé số từ sáng đến tối?

Khi đã có quyết tâm tích luỹ cho tương lai chính mình rồi, hãy lập một kế hoạch tài chính khả thi. Để lập kế hoạch tài chính thì bạn phải biết tiền của bạn đang đi đâu hết. Bạn phải:

  1. ghi chép mọi khoản thu-chi của mình,
  2. phân loại các khoản chi,
  3. sắp xếp mức độ ưu tiên của các khoản chi,
  4. giảm bớt những khoản chi ít cần thiết như thời trang, nhậu, du lịch…
  5. thay đổi thói quen tiêu dùng, dùng những thứ bền rẻ
  6. tránh bị mất tiền vào tay cướp đêm cũng như cướp ngày (bạn có nhớ cướp đêm là giặc, cướp ngày là gì không?)
  7. mua bảo hiểm y tế và bảo hiểm tai nạn

Rất khó để đạt được ngay lập tức tỉ lệ tiết kiệm như bảng tính kế hoạch tài chính tính cho bạn. Tuy nhiên bạn đừng nản lòng. Việc tập thói quen tiết kiệm cũng giống như cai thuốc lá hay là giảm cân, cần có thời gian để làm quen với nó. Hãy cố gắng bắt đầu với mức tiết kiệm 10% thu nhập, ba tháng hoặc nửa năm sau tăng lên 15%, tăng từ từ đến khi đạt mức yêu cầu. Đừng bao giờ nản lòng.
Nếu bạn thấy khó giảm 10% chi tiêu hàng tháng, bạn hãy thử tưởng tượng lương bạn đột ngột bị giảm 10% hoặc lạm phát 10% mà lương chưa tăng (chuyện này rất dễ xảy ra trong thực tế). Khi đó bạn có tiếp tục sống không? Chắc chắn là vẫn sống, đâu có ai nhảy cầu tự tử vì bị mất 10% thu nhập. Vậy thì bạn hãy tự bớt chi tiêu của mình để khi về già không phải nghĩ đến chuyện nhảy cầu tự tử vì bị giảm đến 90% thu nhập.

Sau khi lập kế hoạch, bạn sẽ biết mỗi tháng mình tiết kiệm được bao nhiêu. Ngay khi có tiền vào túi, bạn hãy cách ly số tiền tiết kiệm bằng cách gửi vào những nơi sinh lợi an toàn như ngân hàng, quỹ đầu tư và đừng lấy nó ra dùng.

Những sai lầm khi tích luỹ

1. Tưởng lầm rằng sở hữu tài sản đắt tiền cũng là tích luỹ cho tương lai

Nhiều người nghĩ rằng dùng những thứ đắt tiền như smartphone, camera, TV LED 3D, xe hơi… đến khi cần tiền đem bán được, vậy cũng là tích luỹ cho tương lai. Họ quên rằng tích luỹ là phải làm cho đồng tiền tiết kiệm sinh lợi nhanh hơn mức trượt giá.

2. Cận thị

Người bị cận thị chỉ nhìn rõ được trong khoảng cách gần, những thứ ở xa chỉ thấy mờ, thậm chí không thấy. Tích luỹ tiền theo kiểu cận thị thì chỉ thấy những cách sinh lợi ngắn hạn như gửi ngân hàng, hụi, không nghĩ đến những công cụ đầu tư dài hạn.

3. Thiếu kiên nhẫn

Mỗi tháng dư được hai triệu đồng, để suốt năm chưa được 30 triệu đồng, vài trăm năm nữa mới có được 20 tỉ. Thôi, không tiết kiệm nữa!
Không cần vài trăm năm đâu! Bảng tính kế hoạch tài chính cho thấy bạn sẽ có số tiền đó trước khi về hưu. Nếu bạn nghi ngờ kết quả tính toán thì hãy nhờ các thầy dạy Toán tính lại.

4. Thiếu kiểm soát

Bạn có tiết kiệm nhưng quên so sánh kết quả tích luỹ với kế hoạch đã đặt ra.
Hãy thường xuyên dùng phần mềm quản lý tài sản, thu chi và cập nhật tình trạng tài sản của gia đình vào bảng kế hoạch tài chính để biết các kế hoạch có theo kịp tiến độ không.
Bạn sẽ cần đến phần mềm quản lý tài sản khi bạn có hơn chục tài khoản tiết kiệm có kỳ hạn, vài tài khoản đầu tư, vài bất động sản.

5. Ăn mừng quá sớm

Bạn bắt đầu ăn mừng và lơi lỏng việc tiết kiệm khi tài sản tích luỹ được hơn vài chục tháng thu nhập.
Bạn cần xem lại kế hoạch tài chính trước khi cho phép mình giảm mức độ tiết kiệm.

Lương hưu ở các nước

Pháp

Ở Pháp có năm loại lương hưu, một người già ở Pháp có thể nhận từ một tới năm khoản lương hưu hàng tháng (Pensions in France):
  1. Trợ cấp tối thiểu: trợ cấp cho những người già không có tiền đủ sống (những người này không bắt buộc đã tham gia quỹ hưu trí trước đây)
  2. Lương hưu nhà nước: thu 6,65% lương từ người lãnh lương và 8,3% từ người trả lương để trả cho người về hưu. Mức lương hưu nhận được không quá 50% lương cao nhất trước khi về hưu và không quá 35.000 €/năm.
  3. Lương hưu bổ sung: người lãnh lương và người trả lương đóng thêm để khi về hưu được nhận thêm một khoản cộng với khoản hai ở trên để có được 70-80% thu nhập trước khi về hưu.
  4. Lương hưu tự nguyện tập thể: người lãnh lương và người trả lương góp tiền vào quỹ đầu tư để sinh lợi đến khi về hưu lấy ra dùng, tiền để trong quỹ không phải trả thuế thu nhập
  5. Lương hưu tự nguyện cá nhân: cá nhân gửi tiền vào quỹ đầu tư, tiền để trong quỹ không phải trả thuế thu nhập

Mỹ

Người già ở Mỹ được hưởng tiền trợ cấp tuổi già từ quỹ Social Security. Đối với người đã từng đi làm, mức tiền trợ cấp tuổi già được tính từ số năm đi làm và mức lương trong những năm đó, tương tự như bảo hiểm xã hội ở Việt Nam. Người lãnh lương sẽ trích lại 6,2% lương và người trả lương góp thêm 6,2% lương nữa để nộp vào quỹ Social Security. (Payroll tax)
Nhiều người Mỹ tự lập kế hoạch hưu trí cho mình qua kế hoạch 401(k) vì không thể hoàn toàn dựa vào quỹ Social Security (Why You Need a 401(k) Right Away). Theo kế hoạch 401(k), mỗi người tự quyết định sẽ trích bao nhiêu phần trăm lương của mình để gửi vào tài khoản hưu trí. Tài khoản hưu trí đó sẽ được giao cho các công ty quản lý quỹ hoặc công ty bảo hiểm nhân thọ quản lý, sinh lợi. Công ty quản lý quỹ thường tạo ra vài quỹ đầu tư khác nhau về mức lợi nhuận và rủi ro để người chủ tài khoản chọn theo ý riêng. Số tiền trích vào quỹ hưu trí sẽ không chịu thuế thu nhập cho tới khi được rút ra dùng. Một số người sử dụng lao động còn thưởng thêm một phần vào quỹ hưu trí của người làm công với điều kiện người làm công không rời công ty sớm hơn 3-4 năm. Người lãnh lương ở Mỹ được tư vấn lập kế hoạch 401(k) sớm, ngay khi bắt đầu lãnh lương. Có những bài viết hướng người ta đến mục tiêu có một triệu đô-la trong tài khoản 401(k) khi về hưu.

Nhật

Mỗi người thường trú ở Nhật đóng vào quỹ hưu trí cho nhà nước quản lý hàng tháng một số tiền bằng nhau. Ví dụ trong năm tài chính 2010, mức đóng là 15.000 ¥/tháng. Nếu vì lý do thu nhập thấp, không thể đóng đủ số tiền trên thì phải đăng ký miễn/giảm với chính quyền địa phương. Từ tuổi 65 trở đi, người đã tham gia hệ thống hưu trí từ 25 năm trở lên sẽ được nhận lương hưu, mức lương hưu nhận được tuỳ theo số năm tham gia hệ thống. Ví dụ trong năm tài chính 2010, người đã tham gia 40 năm sẽ nhận được 792.100 ¥/năm. National Pension (Japan)
Có thể thấy mức lương hưu ở Nhật thấp so với GDP trên mỗi đầu người 45.870 USD Economy of Japan. Người Nhật phải tự tích luỹ quỹ hưu trí riêng, và họ thường để tiền trong các tài khoản tiết kiệm ngân hàng hay bưu điện hơn là để trong quỹ đầu tư Savings flow out of Japan mutual funds

Úc

Chính sách trợ cấp tuổi già ở Úc hơi khác các nước trên. Người già được nhận trợ cấp từ ngân sách công, không phân biệt đã đi làm bao lâu, miễn là thường trú ở Úc hợp pháp trên mười năm. Tuy nhiên mức trợ cấp sẽ bị giảm xuống nếu người già có nhiều tài sản và có thu nhập thường xuyên; mức trợ cấp có thể giảm xuống đến zero khi người già có thu nhập cao và tài sản lớn.
Một trong các khoản thu nhập thường xuyên của người Úc già là tiền hưu, ở Úc gọi là superannuation. Superannuation là khoản tiền được tích luỹ lại trong thời gian đi làm. Luật Úc quy định người trả lương phải đóng 10% lương vào quỹ supperannuation của người nhận lương. Người nhận lương có thể đóng thêm vào quỹ superannuation nhưng không bắt buộc. Quỹ superannuation của mỗi người được quản lý bởi các công ty quản lý quỹ tư nhân. Chính phủ Úc không quản lý tiền hưu của người Úc, đây cũng là điều khác các nước trên.

Việt Nam

Có thể thấy hệ thống lương hưu qua Bảo hiểm Xã hội ở Việt Nam cũng tương tự như ở các nước đã phát triển. Những nước có nền kinh tế hàng đầu thế giới, xã hội công nghiệp hoá lâu đời như Nhật và Mỹ mà vẫn không bảo đảm một khoản lương hưu khá cho mọi người, vẫn để cho người dân tự lo cho tương lai mình thì người Việt chúng ta càng cần phải lo cho tương lai mình kỹ hơn. Việt Nam cũng đang đi theo cách các nước đó: các công ty bảo hiểm nhân thọ đã lập các quỹ hưu trí tự nguyện để bù thêm vào lương hưu từ bảo hiểm xã hội. Mỗi người đều phải tự lo cho tương lai của mình.

Một nguyên nhân làm cho lương hưu ở VN thấp mặc dù tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội lên đến 26% lương là quỹ bảo hiểm xã hội sinh lời quá thấp. Năm 2020, quỹ BHXH chỉ sinh lời 5,02%, trừ lạm phát thì chỉ còn 1,79%. Quỹ đó dồn 86,8% vào trái phiếu chính phủ nên không thể lời cao. Cần phải nới lỏng quy định để quỹ đầu tư vào cổ phiếu để lời cao hơn, lương hưu sẽ cao hơn và bớt tỷ lệ đóng BHXH xuống. Tiền trong quỹ BHXH rất lý tưởng để đầu tư dài hạn vào cổ phiếu, có thể đem lại mức lợi nhuận đến 15%/năm trong dài hạn.

Truyện vui

Người ta thường mất vài năm mới có tiền nhiều gấp đôi. Có một mẹo nhỏ để nhanh chóng có nhiều tiền GẤP ĐÔI, đó là: mỗi khi bạn rút tiền ra khỏi bóp để mua món gì đó thì hãy GẤP ĐÔI tờ tiền và cất trở vào bóp rồi đi về.
Mẹo này không có tác dụng nếu bạn tiêu tiền từ ví điện tử.


Trang-web này được áp-dụng Creative Commons Attribution-NonCommercial-NoDerivatives 4.0 International License. Bạn được phép chép lại trang-web này, với điều-kiện không được thay-đổi nội-dung và không dùng cho mục-đích thu-lợi và ghi rõ nguồn-gốc https://LeHBoi.github.io. Điều kiện trên cũng áp dụng với domain name trước đây của website này là LHBOI.NAME.VN.