Dùng GnuCash để quản lý tài sản gia đình
Tôi dùng chương trình GnuCash để quản lý tiền và tài sản của gia đình.
Trong chương trình GnuCash, tôi đã tạo các tài khoản để quản lý các món tiền nằm trong tài khoản thanh toán 312, sổ tiết kiệm ở ngân hàng 314, và tiền mặt trong bóp (ví) 311. Tôi tạo tiếp những tài khoản con có mã tài khoản 11, 12, 13, 15 dưới tài khoản Chi tiêu trong GnuCash để ghi các khoản chi 1, 2, 3, 5 như trong bài Tự do tài chính. Đối với những món tiền để dành lâu năm như khoản 4 và 6 trong bài đó thì cần đánh giá hiệu quả đầu tư nên được ghi vào một file spreadsheet, gọi là Đầu tư dài hạn.
Tiếp theo tôi tạo ngân sách trong GnuCash cho các khoản chi đó, nhập các số tiền theo tỉ lệ đã định vào trong tab Ngân sách: Ngân sách tháng.
Giả sử khi năm triệu đồng tiền lương được chuyển vào tài khoản ở ngân hàng, tôi ghi một dòng vào GnuCash rằng đã thu được năm triệu đồng tiền lương.
Tiếp theo, tôi trích một phần tiền ứng với khoản chi 4 và 6 từ tài khoản thanh toán ở ngân hàng sang khoản chi Đầu tư để gửi bảo hiểm nhân thọ, mua cổ phiếu, quỹ đầu tư, sau đó ghi thêm một dòng vào file Đầu tư dài hạn ứng với việc trích tiền đó. Kết quả: tài khoản thanh toán ở ngân hàng giảm, các tài sản trong Đầu tư dài hạn tăng.
Khi chi tiêu cho các khoản 1, 2, 3, 5, số tiền trong bóp hoặc/và trong tài khoản thanh toán ở ngân hàng giảm xuống.
Thỉnh thoảng, số tiền thực trong bóp lệch một chút so với số trong GnuCash, do các khoản chi vặt không được ghi thì ghi khoản chênh lệch vào tài khoản chi Linh tinh 17.
Đối với khoản chi 4, đây là khoản chi lớn nên tôi phải rút từ tài sản đầu tư để chi. Giả sử tôi rút từ quỹ đầu tư 15 triệu đồng để mua máy chụp hình giá 13 triệu đồng, 2 triệu đồng còn dư cất vào tài khoản thanh toán, tôi sẽ ghi vào trong file Đầu tư dài hạn rằng rút 15 triệu đồng và ghi trong file Giadinh.gnucash chuyển 13 triệu đồng từ tài khoản con Thu nhập.Đầu tư sang tài khoản Chi tiêu lớn 14 và chuyển 2 triệu đồng từ tài khoản Thu nhập.Đầu tư sang tài khoản thanh toán 312.
Với những tài khoản con và ngân sách trong GnuCash như vậy, tôi đã thay thế các hũ hay phong bì chứa các khoản chi theo kế hoạch. Mỗi khi nhìn vào báo cáo tài sản và báo cáo ngân sách của GnuCash tôi có thể thấy ngay mình còn được phép chi bao nhiều cho các khoản 1, 2, 3, 5. Nếu bạn không dùng tài khoản ngân hàng, bạn vẫn có thể dùng GnuCash với những cái hũ hay phong bì của bạn, việc ghi chép GnuCash còn đơn giản hơn nữa, và GnuCash đem lại nhiều lợi ích hơn cho lô hũ/phong bì của bạn, ví dụ như bạn không phải kiểm tiền trong hũ/phong bì mà chỉ cần xem báo cáo của GnuCash.
GnuCash có rất nhiều kiểu báo cáo để tôi biết tiền mình kiếm được từ đâu, dùng hết bao nhiêu, còn lại bao nhiêu…
Giả sử do quá cần gấp mà bạn chi lố kế hoạch thì GnuCash sẽ báo cáo rằng ngân sách đã bị âm. Khi đó bạn hãy cố gắng kiềm chế chi tiêu khoản đó cho đến khi lấp đầy khoản âm đó.
Hãy cố gắng chi tiêu sao cho ngân sách đừng bị âm và cũng đừng quá gần số 0 vì bạn luôn luôn cần phải chi những món bất ngờ. Phải để đủ tiền cho những bất ngờ đó.
Hãy bắt đầu dùng GnuCash!
* Chi tiêu có kế hoạch để tự do tài chính
* Tìm hiểu về quỹ đầu tư
* Ghi sổ các khoản đầu tư dài hạn
* Hướng dẫn bắt đầu dùng GnuCash
* Những kinh nghiệm khác
Mọi ý kiến thảo luận xin ghi vào các trang: Twitter hoặc Facebook