Giới-thiệu

Thân-thế
Thành-tích
Privacy Policy

Hữu-ích

Lập-kế-hoạch-tài-chính gia-đình

Đầu-tư-cổ-phiếu

Các loại bảo-hiểm

Câu-chuyện

Kinh-nghiệm

Máy-tính

Chữ-Việt

Linh tinh

Ý kiến

Danh mục

Download
Mục lục





Cân đối các kế hoạch

Cân đối thu chi

Đây là phần quan trọng nhất trong việc lập kế hoạch tài chính gia đình. Bạn sẽ dùng phần dưới trang tính Thu-chi để tính sao cho có đủ tiền chi tiêu trong lúc này và cả trong tương lai. Các khoản chi trong tương lai gồm có hưu trí, cho con học đại học, mua nhà, mở doanh nghiệp…

Chọn nơi học cho con và dùng trang tính Con-đầu hay Con-út để tính số tiền cần để dành mỗi tháng đến khi con đi học đại học (hai trang này chứa các công thức giống như trang TK-T-cố-định). Ô số tiền hiện có B4 chỉ gồm các khoản tiền tiết kiệm sinh lãi đều đặn. Những tài sản (nhà đất, vàng…) và số tiền bảo hiểm giáo dục mà bạn đang tham gia cho con không ghi ở đây vì sẽ được đưa vào tính trong ô B9. Số tiền bảo hiểm đó chưa có trong tay bạn hôm nay nhưng con bạn chắc chắn có số tiền đó khi bắt đầu học đại học dù cho bạn có bị rủi ro. Để chắc chắn có được số tiền đó, bạn đã chi một khoản vào ô F30/G30 trang Thu-chi.

Trang tính TK-T-cố-định đã được chép sẵn ra các trang Con-đầu, Con-út, Mua-nhà, mỗi trang cho một khoản chi trong tương lai, ví dụ cho con đầu, cho con út, cho dự định mua nhà. Bạn có thể chép thêm trang cho dự định lập doanh nghiệp riêng.

Bằng các trang tính Hưu-trí và Con-đầu, Con-út, Mua-nhà (TK-T-cố-định), bạn đã biết số tiền cần để dành mỗi tháng để thực hiện những kế hoạch cho tương lai của gia đình như là cho con học đại học, hưu trí… Các số tính được từ các trang đó đã được điền vào các ô E47:E49, F47:F49 và H47:H49 của trang Thu-chi, tổng số tiền cần tiết kiệm hàng tháng sẽ được tính trong ô H54 và tổng số tiền cần tiết kiệm mỗi năm được tính trong ô I54.

Nếu I54 <= 0, bạn không cần phải tiết kiệm thêm, bạn hãy san sẻ số tiền hiện có giữa các kế hoạch (B6 trong Hưu-trí và B4 trong Con-đầu/Con-út) sao cho tất cả các ô H47:H49 đều <= 0. Tiếp theo, bạn giảm dần tuổi về hưu trong trang Hưu-trí xem đến tuổi nào mà I54 bắt đầu > 0, đó là năm làm việc cuối cùng của bạn trước khi về hưu. Tự do tài chính! Thật tuyệt vời!

Nếu tổng số cần phải tiết kiệm I54 lớn hơn số tiền dư hàng năm trong ô G44 nghĩa là kế hoạch của bạn khó thực hiện. Hãy điều chỉnh kế hoạch để cho I54 nhỏ hơn G44.

Có thể phối hợp ba cách sau đây để điều chỉnh kế hoạch:

  1. Giảm chi tiêu. Để giảm các khoản chi, bạn hãy thực hành theo các lời khuyên trong loạt bài Kiến thức tài chính đăng trên báo Sài Gòn Tiếp thị và được sao lại ở Download
  2. Tăng lợi nhuận của tiền tiết kiệm. Tăng lợi nhuận của tiền tiết kiệm làm cho số tiền để dành nở ra nhanh hơn. Hãy tìm chỗ cho tiền tiết kiệm sinh lời nhanh hơn.
  3. Kiếm thêm thu nhập. Việc tăng thu nhập từ tiền lương cần có thời gian để đổi việc hoặc để được tăng lương. Việc này khó làm hơn hai việc trên.

Việc giảm các khoản chi sẽ có tác động kép đến việc thu hẹp khoảng cách I54 và G44.

  1. Giảm chi tiêu sẽ làm tăng số tiền dư ra hàng năm G44
  2. Giảm chi tiêu sẽ làm giảm số tiền cần có khi về hưu, do đó sẽ giảm khoản phải để dành cho quỹ hưu trí tức là giảm tổng số I54.

Khi đã đạt đến kết quả I54 < G44, bạn hãy ghi nhớ các tỉ lệ của các khoản chi 1.1-1.5 và thực hiện theo tỉ lệ đó một cách có kỷ luật như hướng dẫn trong Chi tiêu một cách khoa học. Nếu bạn dùng chương trình gnucash để quản lý thu-chi thì mỗi khi nhận khoản thu nhập từ tiền công, bạn hãy phân bổ khoản đó vào các tài khoản con theo tỉ lệ đã tính được ở đây. Nếu có thể được thì bạn nên cố gắng tiết kiệm nhiều hơn tỉ lệ đã tính được để dự phòng những lúc thu nhập không tốt. Nếu tiết kiệm nhiều hơn và thu nhập tăng ổn định thì bạn có khả năng về hưu sớm.

Hãy cố gắng để có một kế hoạch tài chính tốt đẹp cho tương lai và thực hiện kế hoạch càng sớm càng tốt vì bạn đã thấy trong trang tính TK-T-cố-định rằng số tiền tiết kiệm sớm sẽ đem lại nhiều hơn số tiền tiết kiệm trễ.

Nếu đã giảm chi tiêu hết mức mà bạn vẫn chưa có một kế hoạch khả thi thì bạn hãy tạm thời hạ các mục tiêu của các kế hoạch xuống đến khi thu nhập của bạn cao hơn, ví dụ như chọn trường đại học ít tiền hơn, sống hưu trí tiết kiệm hơn… Ngoài ra bạn cũng nên nghĩ đến phương án tăng thu nhập (đổi chỗ làm hoặc làm thêm).

Điều cần chú ý trong khi lập kế hoạch là phải có những kế hoạch riêng cho mỗi khoản chi khác nhau (mua nhà, chi phí cho con học đại học, hưu trí, mở doanh nghiệp…) và đưa khoản tiền tích luỹ hàng tháng, hàng năm vào đúng chỗ của mỗi kế hoạch, làm như vậy để có thể theo dõi việc thực hiện của từng kế hoạch, giảm ảnh hưởng lẫn nhau giữa các kế hoạch. Một điều quan trọng nữa là những khoản tích luỹ đó phải sinh lãi đều đặn cho bạn. Những người kinh doanh nhỏ thường lầm lẫn giữa làm ra tiền và giữ tiền, họ thường đưa hết lợi nhuận của việc kinh doanh trở lại làm vốn và nghĩ rằng như vậy sẽ tốt hơn là gửi tiết kiệm hoặc quỹ đầu tư. Làm như vậy thì tất cả các kế hoạch tương lai gia đình có thể bị sụp đổ khi việc kinh doanh gặp khó khăn. Nếu có thể được thì hãy tách biệt tài chính gia đình với việc kinh doanh bằng cách lập một doanh nghiệp.

Bạn cần phải thực hiện những kế hoạch trung hạn (mua nhà, cho con học đại học) và dài hạn (hưu trí) ngay từ khi bắt đầu có thu nhập (xem thêm bài Những hòn đá). Nếu bạn để trễ hơn bạn sẽ khó hoàn thành các kế hoạch của cuộc đời. Người ta thường nghĩ rằng bắt đầu tiết kiệm sau khi lập gia đình là vừa, nhưng sau khi lập gia đình sẽ có con, sẽ phải nuôi con trong hơn 20 năm với vô số chi phí làm sao tiết kiệm. Khi đã xong trách nhiệm nuôi con thành tài thì đã trên 50 tuổi rồi, còn quá ít thời gian để tích luỹ cho tuổi hưu trí.

Trước đây, tôi chỉ tích luỹ theo cách đơn giản là cất tiền vào một chỗ mà không phân biệt mục đích sử dụng trong tương lai, khi đến lúc cần dùng thì cứ lấy từ một chỗ ra mà dùng. Làm theo cách đó có nguy cơ thâm hụt những món chi sau cùng, nhất là khi có những phát sinh ngoài dự kiến như bệnh tật, thuốc men. Thực hiện các kế hoạch độc lập với nhau sẽ giúp ta đánh giá tình hình tài chính của gia đình rõ ràng hơn. Khi một kế hoạch nào đó được thực hiện nhanh hơn dự định, bạn có thể nâng cao mục tiêu của kế hoạch đó, ví dụ chọn trường đại học tốt hơn, mua nhà lớn hơn…

Nói về việc mua nhà, trong tình hình giá nhà và lãi suất quá cao như hiện nay, trước khi quyết định mua nhà (dù cho bạn có đủ tiền để mua hay bạn cần vay thêm) bạn có thể thử chép bảng tính này thành hai bản, một bản là kế hoạch mua nhà trước, (trả nợ, nếu có) xong rồi mới để dành cho hưu trí, một bản là đem tiền gửi ngân hàng hoặc quỹ đầu tư, lấy lãi đi thuê nhà, tích luỹ cho hưu trí. So sánh hai kế hoạch xem kế hoạch nào mau đạt đến tự do tài chính hơn.

Nếu thị trường cho thuê nhà phát triển tốt, ở nhà thuê còn tiện hơn ở nhà của mình là không phải lo sửa chữa, khi nào nhà cũ thì chuyển sang thuê nhà khác. Tiện nhất là khi thuê nhà có sẵn giường-tủ-bàn-ghế, chỉ cần mang quần-áo-chăn-màn-máy-tính-tv vào ở. Suy cho cùng thì chi phí và điều kiện sống trong nhà quan trọng hơn là quyền sở hữu căn nhà. Khi mình ở trong căn nhà của mình thì mình đã tốn một khoản gọi là chi phí cơ hội trên giá trị căn nhà.

Một việc vô cùng quan trọng nữa là bảo vệ kế hoạch tài chính của bạn.

trở về trang Kế hoạch tài chính
Mọi ý kiến thảo luận xin ghi vào các trang: Twitter hoặc Facebook

Trang-web này được áp-dụng Creative Commons Attribution-NonCommercial-NoDerivatives 4.0 International License. Bạn được phép chép lại trang-web này, với điều-kiện không được thay-đổi nội-dung và không dùng cho mục-đích thu-lợi và ghi rõ nguồn-gốc https://LeHBoi.github.io. Điều kiện trên cũng áp dụng với domain name trước đây của website này là LHBOI.NAME.VN.