Chuẩn bị vào đại học và vào đời
Bài này dịch từ Preparing for college (and life). Để cho con vào đại học thì mỗi gia đình phải chuẩn bị những gì? Cha mẹ cần chuẩn bị tiền, con thì chuẩn bị những thứ khác: kiến thức, kỹ năng, tâm lý, kinh nghiệm… Các tú tài sống ở các thành phố lớn ở Việt Nam ít khi phải đi trọ học xa nhà nên không cần có ngay tất cả những điều này, nhưng nên chuẩn bị sẵn để vào đời.
Khoảng một tháng sau khi tốt nghiệp trung học, tôi dọn ra khỏi nhà cha mẹ lần đầu tiên trong đời. Tự do! Không bị quản lý giờ giấc! Không có nội quy! Tôi đã chờ ngày này nhiều năm rồi. “Khi tôi tốt nghiệp trung học, tôi sẽ thoát khỏi nơi này!”
Tuy nhiên, không lâu sau khi dọn ra, tôi nhận ra rằng tôi chưa được chuẩn bị kỹ như mình đã tưởng. Một trong những người bạn cũng chưa được chuẩn bị tương tự như tôi đã kể về một vụ va chạm xe hơi với một người lái xe khác. Bạn ấy không biết phải xử trí thế nào, ví dụ như trao đổi thông tin về bảo hiểm xe và có nên gọi cảnh sát hay không. Sếp của bạn ấy đã chỉ cho bạn ấy, và việc này làm cho tôi nhận ra rằng tôi cũng không biết phải làm gì trong trường hợp như vậy.
Và tôi còn nhận ra rằng tôi không biết gì về nhiều việc khác nữa. Tôi đã cảm thấy hơi lo sợ.
Ngày nay, hầu hết học sinh tốt nghiệp trung học đều bước tiếp ngay vào con đường trở thành người trưởng thành. Ở ngay cái dốc cao của đường đời đó, họ có thể chưa được chuẩn bị đủ cho những điều sẽ gặp. Thật sự nếu tôi biết trước những thử thách chờ đón trong cuộc sống bình thường, thì tôi đã cuộn người trong chăn và khoá chặt cửa không ra ngoài.
Một cách lý tưởng thì những người mới lớn nên được trao trách nhiệm tăng dần để không hoàn toàn phụ thuộc vào cha mẹ trong hiện tại và tương lai. Vậy bạn chuẩn bị cho việc tốt nghiệp trường đời như thế nào để đối diện thế giới?
1. Tài chính. Họ đã có các tài khoản ngân hàng chưa? Họ có hiểu những tài khoản đó hoạt động như thế nào không? Bây giờ, không còn nhiều người viết séc nữa, nhưng một trong các cô giáo của tôi biết một số người nghĩ lầm rằng cô có tiền trong tài khoản khi cô còn viết séc. Dù đúng hay sai thì chuyện này cũng có ích.
Khi mới trưởng thành, tôi chủ yếu dùng tiền mặt. Tôi có một thẻ tín dụng, nhưng hạn mức của nó quá nhỏ, tôi không thể dùng thẻ nhiều. Tôi không có dư nhiều tiền, các bạn tôi cũng vậy. Nhu cầu của chúng tôi rất nhỏ, và mong muốn còn nhỏ hơn nữa. Để học dùng tín dụng một cách có trách nhiệm, bạn nên bắt đầu với thẻ tín dụng có ký quỹ.
2. Nấu ăn và mua thực phẩm. Tôi đã có một vài kỹ năng nấu ăn khi tôi ra ở riêng, nhưng đó chủ yếu là những món ăn đơn giản trong gia đình với thịt và khoai tây. Khoai tây thì rẻ nhưng thịt thì không rẻ. Khi còn ở nhà, tôi không đi mua thực phẩm nên không biết rằng thịt đắt như vậy. Tôi tiết kiệm tiền mua thực phẩm bằng cách mua ở những tiệm thuộc chuỗi cửa hàng tiết kiệm như Aldi hoặc tìm mua từ những rổ hàng giảm giá trong siêu thị, nhưng chỉ khi làm theo những sách dạy nấu bữa ăn 4$ cho cả ngày thì mới thật tiết kiệm. Hãy in sẵn một bản để dùng.
3. Những bất trắc nho nhỏ. Để hợp với ngân sách của tôi, tôi dùng chiếc xe hơi không tốt lắm. Nó chết vài lần, và tôi phải gọi cha tôi. Bây giờ tôi không còn ở cùng thành phố với cha nữa. Và mỗi khi tôi cần gặp bác sĩ, tôi cũng phải tự lo. Bây giờ thì những việc trên đã trở nên quá dễ, nhưng khi mới trưởng thành thì thật là quá sức. Nên nghĩ trước đến những tình huống có thể gặp và chuẩn bị sẵn các kịch bản đối phó và các số điện thoại gọi giúp đỡ. Ví dụ:
- Nếu bạn bị thủng bánh xe trên xa lộ, gọi ai?
- Nếu xe không đề được thì làm gì?
- Bị đụng xe nhẹ, làm gì?
- Trong căn hộ có chỗ hỏng, sửa như thế nào?
4. Một mối quan hệ. Hy vọng là người trưởng thành như bạn cố gắng chăm sóc các mối quan hệ để khi có người mới trưởng thành bị quá sức và cần những lời khuyên thì họ biết họ có thể gọi bạn. Họ có thể thất bại, như chúng ta, có khi nhiều hơn một chút, chuyện đó bình thường. Để làm người lớn, phải thực hành và không phải lúc nào cũng hoàn hảo. Có người nói “Mọi người đều xứng đáng nhận được sự tin cậy của một ai đó.” Nếu họ biết bạn tin họ, họ sẽ có trách nhiệm.
Khuyến khích nhưng luôn luôn thực tế.
Thay vì nói “Bạn có thể trở nên bất cứ người nào bạn muốn.” hãy cố gắng giải thích rằng bạn có thể trở nên bất cứ người nào bạn muốn nhưng với một giá rất lớn (mệt mỏi, thiếu thời gian cho gia đình và bạn bè…)
Hãy đặt mục tiêu vừa phải, và cố gắng hết sức có thể. Khoảng cách giữa kỳ vọng và thực tế là sự thất vọng. Tôi không bao giờ thất vọng khi đạt được nhiều hơn kỳ vọng, nhưng tôi tôi thất vọng khi đạt được ít hơn.
Gần đây tôi có hẹn với bác sĩ và ông ta nói những điều mà tôi hy vọng là sẽ không bao giờ quên. Khi tôi nói con sơ sinh của tôi ngủ rất ngoan vào ban đêm, là một đứa trẻ ngoan, và tôi cảm thấy tuyệt vời, ông ấy nói “Cuộc sống đầy những gập ghềnh, nhưng giữa những gập ghềnh có những khoảng bằng phẳng. Khi bạn đang ở đoạn bằng phẳng thì hãy tận hưởng, vì nó không kéo dài mãi. Và khi bạn đang ở chỗ gập ghềnh thì hãy kiên trì vì nó cũng không kéo dài mãi.”
Tôi sẽ cám ơn nếu người từng trải bảo tôi rằng có sai lầm thì cũng bình thường, mọi người đều sai lầm. Kinh nghiệm và sự khôn ngoan cần có thời gian, khi bạn 18 tuổi bạn không thể có những suy nghĩ như khi 40 tuổi. Chúng ta không là người hoàn hảo, hãy vui bước về phía trước.
* Lập kế hoạch ổn định tài chính suốt đời thật đơn giản
* Phần mềm quản lý tài sản
* Dùng thẻ tín dụng một cách khôn ngoan
* Tránh mang nợ, nhất là nợ thẻ tín dụng