Giới-thiệu

Thân-thế
Thành-tích
Privacy Policy

Hữu-ích

Lập-kế-hoạch-tài-chính gia-đình

Đầu-tư-cổ-phiếu

Các loại bảo-hiểm

Câu-chuyện

Kinh-nghiệm

Máy-tính

Chữ-Việt

Linh tinh

Ý kiến

Danh mục

Download
Mục lục





Phải tránh những khoản nợ dù lớn hay nhỏ

Thẻ tín dụng chưa đến mức phổ biến ở Việt Nam, nhưng cũng đã có người giắt vài thẻ tín dụng trong bóp. Các ngân hàng đang ráo riết mời dân chúng dùng thẻ tín dụng với lý do "dùng trước, trả tiền sau" là có lợi "vì được vay tiền không trả lãi đến 45 ngày".
Tính kỹ ra thì không có lợi chút nào. Dùng trước nhưng phải có đủ tiền để trả khi đến kỳ thanh toán, nếu không sẽ bủn rủn vì lãi suất. Như vậy để an toàn thì luôn luôn phải có tiền mới quẹt thẻ, tiền chỉ nằm lại trong tài khoản thêm ít ngày, sinh lãi có bao nhiêu đâu. Giả sử bạn thường chi mỗi tháng 10 triệu đồng qua thẻ tín dụng, như trên đã nói bạn cũng sẽ có 10 triệu đồng trong tài khoản từ kỳ lãnh lương đến ngày thanh toán số nợ thẻ. 10 triệu đồng nằm trong tài khoản không quá 30 ngày, với lãi suất không kỳ hạn thì tiền lãi có được chừng hơn 10 ngàn đồng. Trong khi đó hàng năm bạn phải trả phí thường niên cho thẻ từ 200 ngàn đến 500 ngàn đồng. Các ngân hàng thường có các đợt khuyến mãi miễn phí thường niên năm đầu, năm sau sẽ thu. Nếu bạn lên lịch chính xác thì bạn có thể dùng thẻ tín dụng miễn phí thường niên trong năm đầu và đến tuần cuối cùng đem thẻ đến trả cho ngân hàng để khỏi bị tính phí thường niên của năm thứ hai. Như vậy thẻ sẽ giúp bạn lợi được chừng 100 ngàn đồng một năm, và phải nhớ thanh toán đúng hạn 12 lần (trễ một ngày cũng bị tính lãi và phạt thanh toán trễ), có đáng để dùng không? Đối với tôi thì không.
Nếu bạn chi qua thẻ mỗi tháng nhiều hơn thì khoản tiền lời do trả chậm cũng nhiều hơn, nhưng chi nhiều hơn thì cần phải dùng hạng thẻ vàng, thẻ bạch kim và phí thường niên cũng cao hơn! Cuối cùng vẫn không lợi chút nào.
Thỉnh thoảng các trung tâm thương mại liên kết với ngân hàng thực hiện những đợt bán hàng trả góp qua thẻ tín dụng không lãi suất. Nếu mua hàng đó thì tiền của bạn sẽ nằm trong tài khoản lâu hơn, sinh lời nhiều hơn. Nhưng cái lợi đó cũng không đáng kể so với cái hại là bạn bị kích thích tiêu dùng, có thể bạn sẽ quyết định mua dễ dãi hơn, mua những thứ chưa thật cần thiết.
Tóm lại thẻ tín dụng giúp bạn tiêu tiền nhanh hơn. Khi bạn chưa giàu như Phạm Nhật Vượng thì bạn không cần tiêu tiền nhanh hơn. Ngược lại, bạn cần chi tiêu có tính toán.
Có thể bạn cảm thấy thẻ giúp ích trong việc ứng tiền chi tiêu khi chưa kịp có lương tháng. Bạn có thể tự giúp mình thoát khỏi những đợt túng thiếu định kỳ đó bằng cách luôn luôn chi tiêu ít hơn thu nhập. Mỗi tháng dư ra một ít, từ từ bạn sẽ trở nên giàu có thay vì túng thiếu.
Nếu bạn đã tập được thói quen làm chủ ngân sách, miễn nhiễm trước các sự cám dỗ chi tiêu thì bạn có thể tận dụng các ưu điểm của thẻ tín dụng.
Một phụ nữ Mỹ đã kể lại kinh nghiệm nợ nần và thoát ra như thế nào trong trang web Why paying with cash hurts Tôi dịch lại dưới đây.


Tại sao nên trả hết tiền khi mua hàng

Lúc này ngân sách hàng tháng của gia đình tôi quá êm ả. Bên cạnh những chi tiêu thường xuyên, tôi có món nợ phải trả, thực phẩm phải mua, hoá đơn điện-nước phải trả. Đóng một ít tiền vào kế hoạch tiết kiệm giáo dục cho các con, một ít vào quỹ hưu trí tự nguyện cho tôi, thế là xong ngân sách của tháng. Sau khi thanh toán hết các hoá đơn, điều quan trọng đối với chúng tôi là chuyển ngay khoản còn dư vào các tài khoản tiết kiệm để nó không bị tiêu đi ngoài ý muốn.
Trước kia thì không được êm ả như vậy, hôm nọ tôi đã ôn lại thời điểm khó khăn đó khi tôi lật lại sổ tay cũ của mình. Lối sống trước đó đã làm cho gia đình tôi bầm dập, đến Tháng Tám năm 2010, gia đình tôi mới bắt đầu kiểm soát ngân sách. Bạn có biết trước đây tôi phải trả bao nhiêu hoá đơn một tháng không? Hai mươi bốn hoá đơn.
Trả góp xe hơi, thanh toán chi tiêu qua thẻ tín dụng, trả nợ vay…, ôi trời ơi. Bởi vậy không có gì lạ khi chúng tôi không thể để dành được một chút nào. Thật may mắn là thời kỳ đó đã qua sau khi đã nhận ra được nguyên nhân của tình trạng không may đó. Vấn đề là: Chúng tôi đã mua trả góp mọi thứ, không có thứ gì được trả hết tiền khi mua.

Những món nợ lặt vặt suốt đời

Sự thật là: Bạn có thể có hầu như tất cả những gì bạn muốn.
Tôi cũng vậy. Tất cả chúng ta đều vậy. Mọi thứ: xe hơi, quần áo mới, kim cương, những chuyến du lịch; hầu như tất cả những thứ mà bạn để mắt đến đều có thể trở thành của bạn. Phải, một cách nào đó thì như vậy…
Nếu bạn muốn trả nợ hàng tháng dài dài đến năm năm, mười năm, hay hai mươi năm thì nó trở thành của bạn. Nghe có vẻ hấp dẫn không? Có lẽ không.
Nhưng đó lại là cách mà chúng ta làm. Trong quý tư năm 2013, nợ của các cá nhân toàn nước Mỹ tăng lên đến số khổng lồ 11520 tỉ đô-la Mỹ. Tất nhiên là một phần trong số đó là nợ vay mua nhà, vay để học đại học, hay là vay để mở doanh nghiệp. Một phần nào đó cũng do thất nghiệp, viện phí, những trường hợp khẩn cấp. Nhưng phần còn lại là vay để làm gì? Tôi đoán rằng để mua thuyền, iPad, và giày thời trang. Và đồ nội thất, đi nhà hàng nữa. Bạn có thể đoán thêm gì nữa không?

Hãy ngừng vòng luẩn quẩn

Tất cả chúng ta đều biết đổi xe hơi dễ đến mức nào. Bạn chỉ cần đến một đại lý xe, họ xem xe của bạn, bạn chọn một chiếc đẹp hơn, thế là xong. Bạn sẽ tiếp tục trả góp cho chiếc xe mới với mức bằng như trả góp cho chiếc xe cũ, thậm chí còn ít hơn nữa. Nhưng có phải bạn đã được lợi khi đổi xe mà không có tiền mặt? Có lẽ không.
Tôi cũng đã làm như vậy. Gia đình tôi đã đổi xe không biết bao nhiêu lần mà kể, hầu như chỉ vì ý thích. Bây giờ nghĩ lại, tôi cho rằng chỉ vì chán chiếc xe cũ nên đổi nó. Và thật đáng buồn là chúng tôi đã không nhận ra cái giá thật sự của việc cứ đổi xe liền liền. Chúng tôi chỉ quan tâm đến khoản phải trả góp hàng tháng, không có mục tiêu trả dứt ngay.
Thật may mắn là chúng tôi đã quyết định thay đổi cách sống lúc bắt đầu thực hiện kiểm soát ngân sách. Và ngay khi chúng tôi ngừng sự chi tiêu điên rồ đó, chúng tôi đã tạo ra một cơ hội lớn để mãi mãi chấm dứt vòng luẩn quẩn. Chúng tôi bắt đầu trả hết tiền khi mua tất cả mọi thứ, không chồng thêm vào cột nợ những khoản trả góp mà chúng tôi không thể gánh nổi.

Biến thời điểm khó khăn thành học hỏi kinh nghiệm

Đồng thời, chúng tôi nghiêm túc cố thoát ra khỏi nợ nần. Thật may mắn là không mất nhiều thời gian để trả gần hết các món nợ, trừ hai món lớn nhất là khoản vay mua xe hơi của tôi và khoản vay học đại học của chồng tôi. Tôi vẫn nhớ cái ngày mà chúng tôi trả xong luôn hai món nợ đó. Tổng cộng hơn 10 ngàn đô-la và tôi thật sự thấy đau khi bấm nút ra lệnh chuyển tiền. Tôi cảm thấy đau vì đó là tiền của tôi, tôi làm ra bằng máu, mồ hôi và nước mắt. Tiền đó là sức sống của tôi, vậy mà nó bị hút đi bởi chiếc xe hơi ngu xuẩn mà tôi đã mua khi mới nhìn sơ qua.
Tôi vẫn đang dùng chiếc xe hơi đó. Tại sao à? Bởi vì nó đã được trả xong, cũng như tất cả những thứ khác tôi đang sở hữu. Và bây giờ tôi sẽ lái chiếc xe đó tới khi nào nó rớt bánh hay là động cơ chết hẳn mới thôi, có lẽ khoảng 500 ngàn dặm.
Tôi đã học được vài thứ qua cuộc phiêu lưu trong nợ của chúng tôi và từ món tiền trả nợ 10 ngàn đô-la cuối, và tôi không bao giờ đi lại con đường đó nữa. Chia tay một số tiền lớn như vậy thật sự là rất đau. Nó nóng rát. Nó làm tôi cảm thấy khó ở. Sau nhiều năm rồi mà tôi vẫn nhớ cảm giác như vậy.

Trả hết tiền mua hàng để cảm thấy nóng rát

Từ lúc đó, chúng tôi trả hết tiền khi mua mọi thứ, kể cả chiếc xe cho chồng tôi, đồ nội thất, sửa nhà… Mặc dù rất khó làm, việc ngừng mua trả góp mọi thứ đã thay đổi tương lai tài chính của chúng tôi. Đây là những lý do:

Nếu bạn đang mắc nợ và muốn thoát ra thì hãy làm quả cầu tuyết nợ. Trả dần từng món nợ, không ngừng cho tới khi hoàn toàn hết nợ. Hãy luôn nghĩ rằng nếu bạn không đủ tiền để mua ngay thứ gì đó thì bạn không có khả năng có nó. Như vậy thì mới thoát khỏi những sợi xích nợ nần ràng buộc. Như vậy thì mới có được cảm giác tự do, không nợ ai hết.
Bạn tự buộc mình chỉ được mua hàng khi trả hết tiền. Cắt bỏ hết thẻ tín dụng, mọi thứ đều mua bằng tiền bạn có trong tài khoản chứ không phải bằng tiền của người khác. Như vậy thật không dễ chịu. Dùng tiền mặt làm bạn đau phải không. Đó là cái giá của sự tự do.


Trang-web này được áp-dụng Creative Commons Attribution-NonCommercial-NoDerivatives 4.0 International License. Bạn được phép chép lại trang-web này, với điều-kiện không được thay-đổi nội-dung và không dùng cho mục-đích thu-lợi và ghi rõ nguồn-gốc https://LeHBoi.github.io. Điều kiện trên cũng áp dụng với domain name trước đây của website này là LHBOI.NAME.VN.