Lập kế hoạch tài chính gia đình
(Đây là phiên bản cũ. Mời bạn xem phiên bản 2.0.)
Tại sao cần lập kế hoạch tài chính?
Rất nhiều người chưa hề nghĩ đến việc tiết kiệm đều đặn; có bao nhiêu tiền dùng hết bấy nhiêu; thậm chí dùng nhiều hơn số tiền có trong túi nên thường xuyên túng thiếu trước ngày lãnh lương.
Một số ít người có khá hơn: có tháng dư tiền, có tháng hết tiền; số tiền dư đó không biết để làm gì nên thỉnh thoảng đổi điện thoại, đổi xe cho hết tiền. Sống như vậy tuy trước mắt không túng thiếu như trên nhưng sẽ gặp khó khăn khi về già sau 25-30 năm.
Rất ít người có kế hoạch để dành tiền ngắn hạn, ví dụ như năm nay phải để dành được 50 triệu, hoặc năm năm nữa có 300 triệu để đặt tiền mua nhà trả góp…
Rất rất ít người có kế hoạch để dành tiền dài hạn như là để một tỉ đồng sau 15 năm cho con du học, để 10 tỉ đồng sau 30 năm để về già sống thảnh thơi. Người ta thường bối rối trước những kế hoạch dài hạn như vậy vì thời gian quá dài, lạm phát, lãi suất thay đổi…
Trang web này giúp mọi người giải quyết những khó khăn đó, tính ra một kế hoạch để biến những món tiền nhỏ mỗi ngày thành những món tiền rất lớn.
Trong cuộc đời mỗi người, mỗi gia đình đều có những lúc dùng đến một món tiền lớn. Những món tiền cần có đó lớn đến mức bất ngờ nhưng ít người để ý đến nó, như là tiền cho con học đại học tốt để bước vững chắc vào đời, tiền để sống khi về già… Nếu không có kế hoạch chuẩn bị những món tiền đó, gia đình sẽ lâm vào cảnh thiếu hụt, cuộc sống không ổn định.
Lập kế hoạch tài chính từ sớm để chắc chắn có đủ tiền sống đến hết đời.
Trang này hướng dẫn cách dùng bảng tính KHTC để lập kế hoạch thu-chi trong suốt cuộc đời. Bấm vào đây rồi chọn menu Tệp→Tạo một bản sao hoặc File→Make a copy để chép về Google Drive của bạn, chú ý: dùng menu dưới chữ KHTC trong cửa sổ chương trình duyệt web, đừng dùng menu của chương trình duyệt web, đừng download về dùng với Excel vì trong KHTC có một số hàm tôi tự viết, Excel không thể chạy những hàm đó. Nếu bạn mở KHTC bằng Google Sheet app trên smartphone thì bạn dùng menu ⋮→Share & export để Make a copy.
Lập kế hoạch tài chính trọn đời trở nên rất dễ với bảng tính này. Bảng tính này được dùng để:
- Lập kế hoạch chi tiêu - tiết kiệm cho gia đình
- Tính số tiền cần để dành hàng tháng, để dành bao lâu thì dùng, để vào nơi nào thì sinh lợi tốt nhất
- Tính số tiền phải trả nợ góp hàng tháng
- Quyết định mua nhà hay thuê nhà
- Biết khi nào có thể nghỉ kiếm tiền
- Dự báo mức sống trong tương lai so với hiện nay
- Ước tính gia tài để lại cho con cháu
- …
Khi đã có đủ tiền sống an nhàn suốt cuộc đời còn lại thì gọi là Tự do tài chính. Để sớm đạt đến Tự do tài chính thì phải lập kế hoạch và thực hành tiết kiệm từ sớm, ngay khi bắt đầu kiếm ra tiền, xem thêm trang web Tích luỹ tài sản.
-
Tôi đang có thu nhập cao, tôi có cần phải tính đến kế hoạch tiết kiệm cho tương lai không?
Thu nhập cao thường kèm theo thói quen chi tiêu nhiều, bạn hãy thử dùng bảng tính KHTC để xem tài sản bạn đang có sẽ đủ để duy trì mức sống cao ở tuổi về hưu không. - Tôi đang được đóng bảo hiểm xã hội đều đặn, sẽ có lương hưu khi về già, tôi có cần phải lo không?
Bạn hãy xem trang này để biết lương hưu có đủ sống không. - Thu nhập của tôi thấp, tiết kiệm ít quá có được gì không?
Bạn có thể trở thành tỉ phú VND trước khi về hưu nếu bạn tiết kiệm 33.000 đồng mỗi ngày từ năm 23 tuổi.
Nếu bạn thường xuyên tiêu hết tiền tức là bạn đã tiêu mất tiền trong tương lai của bạn. Bạn sẽ chọn ai để lo cho bạn khi về già? Con, cháu? - Tôi sợ rằng vài tỉ đồng vào lúc đó không đủ dùng do lạm phát?
Không đủ dùng vẫn tốt hơn không có gì hết. - Tôi vẫn đang tiết kiệm, tôi có cần KHTC?
Chúc mừng bạn! Bạn hãy dùng bảng tính KHTC để đánh giá kết quả tiết kiệm của mình đã đạt hay vượt mức cần thiết.
Hãy lập kế hoạch theo ba bước
- Liệt kê các khoản thu-chi trong trang Thu-chi
- Tính tiền sống hưu trí trong trang Hưu-trí
- Lập các kế hoạch cho tương lai
Bảng tính này được soạn với đơn vị tiền là VND. Bạn cũng có thể dùng bảng tính này để tính với ngoại tệ, chỉ cần gõ đúng lãi suất đầu tư của loại tiền đó vào các ô lãi suất là sẽ có kết quả cần tìm. Nếu bạn sống ở Việt Nam thì đừng tích luỹ tiền tiết kiệm dài hạn bằng ngoại tệ, lý do được trình bày ở trang này.
Ưu điểm của KHTC là giúp bạn lập một kế hoạch tích luỹ song hành với mức tăng thu nhập của bạn, thu nhập thấp - để dành ít, thu nhập cao - để dành nhiều, giúp bạn chống lại lạm phát lối sống.
Bảng tính này chỉ dùng để lập kế hoạch; để theo dõi việc thực hiện kế hoạch hàng ngày bạn nên dùng phần mềm gnucash và file spreadsheet ĐTDH.
Plan-Do-Check-Act
Các tính toán trong bảng tính này có chứa các yếu tố sẽ thay đổi theo thời gian như là lãi suất, lạm phát, thu nhập và chi tiêu của gia đình bạn. Do đó bạn nên điều chỉnh kế hoạch của mình mỗi khi có thay đổi. Nhớ chép bảng tính ra một bản để lưu trước khi thay đổi, ví dụ: ngày 1.1.2012, chép file KHTC20110601 thành file KHTC20120101 và sửa file KHTC20120101.
Các phép tính tài chính căn bản
Trong bảng tính có một số trang chứa các số phép tính đơn giản mà cần thiết để chủ động trong quản lý tài chính gia đình.
- Tính số tiền tiết kiệm được, tính thời gian để dành để có số tiền đủ mua nhà, xe…
- Tính số tiền cần phải tiết kiệm hàng tháng để có một số tiền lớn vào đúng lúc cần thiết
- Tính thời gian để trả hết một món nợ
- Tính số tiền phải trả nợ hàng tháng
Dùng các trang tính trên để tính xem nên tiết kiệm đến khi đủ tiền rồi mua hay là mua trả góp.
Đối với những thứ mà giá giảm theo thời gian thì bạn sẽ bỏ ra nhiều tiền hơn khi mua trả góp. Nếu bạn tiết kiệm cho đủ tiền mới mua thì bạn sẽ có hai điều lợi: bỏ ra ít tiền hơn và giá món hàng cũng giảm.
Ví dụ bạn có 100 triệu, để mua xe 500 triệu, bạn có thể để dành năm triệu mỗi tháng trong bốn năm hoặc vay nợ rồi trả góp bảy triệu mỗi tháng trong 10 năm. Nếu khi có chiếc xe, bạn giảm bớt được bảy triệu đồng chi phí nào đó (đi xe ngoài…) thì việc mua xe trả góp là hợp lý. Nếu việc có chiếc xe làm cho chi tiêu của bạn không giảm đi mà tăng lên (xăng, giữ xe, rửa xe…) thì việc mua xe là không hợp lý. Nếu việc sở hữu xe làm tăng thu nhập của bạn thì đó là bài toán đầu tư kinh doanh.Đối với những thứ mà giá tăng theo thời gian, như nhà-đất, thì có thể cân nhắc việc mua trả góp. Điều kiện cần xét đến là khả năng trả nợ trong thời gian và lãi suất thoả thuận và cơ hội tăng giá của tài sản đó trong thời gian trả nợ.
* Nên mua nhà hay tích luỹ tài sản khác?
* Tích luỹ tiền để đủ sống trọn đời
* So sánh các cách tích luỹ tài sản dài hạn
* Trở thành tỉ phú dễ dàng
* Phần mềm quản lý tài sản
Mọi ý kiến thảo luận xin ghi vào các trang: Twitter hoặc Facebook