Ví-điện-tử
Các cách-thanh-toán không dùng tiền-mặt
Xã-hội càng phát-triển người ta càng có nhiều cách-thanh-toán không dùng tiền-mặt.
- Từ thời cổ-xưa, khi bắt-đầu có hình-thức ngân-hàng đầu-tiên ở xứ Ba-Tư, các ngân-hàng đã phát-hành những bức-thư có-thể đổi được ra tiền gọi là čak. Ngày-nay những thư đó gọi là séc (cheque, check).
- Khi các phương-tiện truyền-tin trở-nên phổ-biến thì séc dần được thay bằng điện-chuyển-tiền hay lệnh-chuyển-khoản. Cùng với sự-phát-triển của hệ-thống liên-lạc và hệ-thống máy-tính của các ngân-hàng, thời-gian xử-lý lệnh-chuyển-khoản ngày càng rút ngắn. Hiện-nay người ta có-thể chuyển-tiền giữa các ngân-hàng trong nước từ Lạng-Sơn tới Cà-Mau trong vòng một phút.
- Tiền được chuyển bằng lệnh-chuyển-khoản đến nơi-nhận trong vòng một phút nhưng người-chuyển phải tốn nhiều thời-gian hơn để ra lệnh: phải viết hoặc gõ vào máy một cách cẩn-thận tên và số tài-khoản của người-nhận, chỉ cần sai một chữ hay một chữ-số là không chuyển tiền được hoặc mất tiền. Vì vậy lệnh-chuyển-khoản không thích-hợp để trả-tiền người bán-lẻ hàng ngày. Trong bán-lẻ, người ta thường dùng thẻ-thanh-toán (thẻ-ngân-hàng, thẻ-tín-dụng).
- Đến thời-đại Internet di-động, có những công-ty không phải ngân-hàng cũng cung-cấp phương-tiện thanh-toán không dùng tiền-mặt là những ví-điện-tử. Ví-điện-tử giữ một ít tiền để người ta đem theo bên mình giống như ví-tiền bình-thường, nhưng tiền trong ví không phải là tiền-giấy hay tiền-kim-loại mà là tiền trong tài-khoản.
Séc có một điểm khác so với lệnh-chuyển-khoản là bên-trả-tiền không cần tốn thời-gian giao-dịch với ngân-hàng, chỉ cần viết vài chữ lên tờ séc in-sẵn rồi đưa cho bên-nhận-tiền. Bên-nhận-tiền sẽ tốn công đem tờ séc đó đến ngân-hàng để nhận tiền-mặt, phải trả phí, có khi không nhận được ngay. Cuối năm 1995, trong thời-gian hơn ba tháng sang làm việc ở Canada, tôi có mua một vài thứ thuộc nhóm hàng-miễn-thuế cho người-ngoại-quốc. Thủ-tục nhận lại số thuế trong số tiền đã mua hàng là phải ra khỏi Canada, điền vào mẫu-đơn in-sẵn rồi gửi đơn kèm với các hoá-đơn mua hàng đến cơ-quan thuế Canada. Hơn một tháng sau cơ-quan thuế Canada gửi cho tôi một tờ séc để trả số thuế được miễn. Tôi đem tờ séc đến Vietcombank hỏi thủ-tục nhận-tiền, Vietcombank báo số phí phải trả gần bằng số tiền ghi trên tờ séc (vì số tiền thuế được miễn quá ít và phí giao-dịch giữa Việt-Nam và ngoại-quốc cao) nên tôi không làm thủ-tục nhận-tiền.
Tình-hình ví-điện-tử ở Việt-Nam
Ở Việt-Nam hiện-nay có khoảng 20 hệ-thống-ví-điện-tử. Mỗi ví-điện-tử gắn liền với một số-điện-thoại-di-động. Một số-điện-thoại-di-động có-thể dùng với nhiều hệ-thống-ví.
Những công-dụng mà hầu-như ví nào cũng có là:
- nạp-tiền vào ví từ tài-khoản-ngân-hàng,
- rút-tiền từ ví về tài-khoản-ngân-hàng,
- nạp-tiền điện-thoại,
- trả-tiền điện/nước/điện-thoại,
- chuyển-tiền giữa các ví cùng hệ-thống,
- các hệ-thống-ví còn liên-kết với những nơi-bán-lẻ trực-tiếp hoặc qua Internet để người-mang-ví có-thể trả-tiền khi mua-sắm.
Một vài hệ-thống-ví có hệ-thống điểm-giao-dịch để nộp tiền-mặt vào ví nên không cần tài-khoản-ngân-hàng. Và người-sở-hữu cũng có-thể rút tiền từ trong ví ra thành tiền-mặt tại các điểm-giao-dịch. Phần nhiều các hệ-thống-ví khác chưa có nơi giao-dịch để nộp tiền-mặt vào ví, do đó người-dùng phải có tài-khoản-ngân-hàng để chuyển tiền từ tài-khoản-ngân-hàng của chính mình vào ví, hoặc nhờ người có ví cùng hệ-thống chuyển-tiền giúp.
Nhờ có ví, người-dùng có-thể giao-dịch không tiền-mặt một cách dễ-dàng mà không cần ngân-hàng. Ví-dụ hiện nay Công-ty Điện-lực tpHCM không còn thu tiền-mặt nữa, hàng tháng những người có ví chỉ cần nộp sẵn một khoản tiền vừa đủ để thanh-toán điện/nước trong vài giây.
Một vài hệ-thống-ví cho chuyển tiền từ ví đến tài-khoản ngân-hàng của người khác. Nhưng tiện nhất là chuyển tiền từ ví sang ví, người-chuyển chỉ cần nhớ số điện-thoại của người-nhận (hoặc chọn từ sổ-điện-thoại trong smartphone). Việc này cũng rất tiện cho việc thanh-toán tiền giữa cá-nhân với nhau. Nếu người-nhận chưa dùng ví thì sẽ có SMS nhắc người đó cài app để nhận tiền, sau hai ngày mà người-nhận vẫn chưa cài app thì tiền sẽ quay về ví người-gửi.
Một trở-ngại cho việc dùng ví-điện-tử ở Việt-Nam hiện nay là các hệ-thống-ví chưa nối được với nhau, chưa thể chuyển tiền từ ví trong hệ-thống này sang ví trong hệ-thống khác. Trở ngại này gần giống như hệ-thống ATM và POS ở Việt-Nam khoảng 20 năm trước: máy ATM của ngân-hàng nào chỉ cho thẻ của ngân-hàng đó rút tiền.
Các tổ-chức có liên-quan cần cố-gắng xoá-bỏ trở-ngại này để mỗi người chỉ cần có một ví-điện-tử thanh-toán được mọi khoản tiêu-vặt như vá bánh xe, mua đồ ăn sáng… Những người-bán-lẻ cũng nên dùng ví-điện-tử để nhận-tiền, không sợ rơi mất tiền, không sợ tiền giả, không sợ đếm sai, không sợ thiếu tiền lẻ để thối lại. Mỗi người-bán-lẻ in sẵn các QR-code của ví của mình với các mức giá, treo các QR-code đó ở nơi thuận-tiện để khách-hàng scan khi trả-tiền. Thợ-sửa-xe thì in sẵn các QR-code bơm-bánh-xe 1.999 ₫, vá-bánh-xe 14.999 ₫… Hàng-xôi thì in sẵn các QR-code xôi-đậu-xanh 9.999 ₫, xôi-gà 11.999 ₫… Giữa năm 2019 đã có một người-đánh-giày ở thành-phố Tuyên-Quang nhận-tiền qua ví-điện-tử.
Ví-điện-tử dùng để trả các khoản tiêu-vặt. Các khoản tiêu lớn hơn một chút như đi siêu-thị hàng tuần, mua tour đi du-lịch… thì chúng-ta thanh-toán bằng thẻ. Những món thanh-toán lớn hơn hạn-mức của thẻ thì ta dùng lệnh-chuyển-khoản. Tất cả các phương-tiện đó giúp chúng-ta không cần đến tiền-mặt.
Tôi đã thử bốn ví-điện-tử MoMo, ZaloPay, ViettelPay, GrabPay-by-Moca. Sau đây là những đặc-tính riêng của mỗi ví:
ZaloPay
- liên-kết với thẻ-quốc-tế và thẻ-nội-địa của 19 ngân-hàng ở Việt-Nam,
- không thu phí-chuyển-tiền từ tài-khoản-ngân-hàng hoặc thẻ-debit-quốc-tế sang ví,
- không thu phí-chuyển-tiền từ ví ZaloPay đến 42 ngân-hàng ở Việt-Nam và thẻ-debit-quốc-tế,
- không thu phí-chuyển-tiền từ ví sang ví,
- không thu phí-giao-dịch thẻ-quốc-tế.
ViettelPay
- liên kết với thẻ-quốc-tế và thẻ-nội-địa của 32 ngân-hàng ở Việt-Nam (tuy nhiên không dùng được thẻ-quốc-tế sau khi liên kết),
- ngoài những đặc tính của ví-điện-tử, ViettelPay còn là một tài-khoản ở Ngân-hàng-Quân-Đội, có-thể nhận chuyển-khoản vào như một tài-khoản-ngân-hàng, có một thẻ-ATM (dạng điện-tử chỉ có số thẻ, không có thẻ nhựa) để nhận tiền từ các ngân-hàng và có-thể yêu-cầu cấp thẻ nhựa để rút-tiền tại ATM hoặc thanh-toán tại cửa-hàng,
- cho tạo một thẻ MasterCard prepaid điện-tử (có thu phí 22.000 ₫) để mua hàng online an-toàn hơn,
- miễn phí chuyển-khoản đến 40 ngân-hàng ở Việt-Nam,
- nộp tiền-mặt vào ví và rút tiền tại các cửa-hàng giao-dịch Viettel.
GrabPay by Moca
- ví-điện-tử của Moca được tích hợp vào app của Grab,
- được chấp-nhận ở nhiều cửa-hàng,
- liên-kết với thẻ-quốc-tế và thẻ-nội-địa của 12 ngân-hàng ở Việt-Nam,
- không thu phí-chuyển-tiền từ thẻ-nội-địa sang ví,
- không thu phí-chuyển-tiền từ ví trở về tài-khoản-ngân-hàng,
- không thu phí-chuyển-tiền từ ví sang ví,
- trả-tiền dịch-vụ Grab được thưởng gấp ba số điểm so với dùng tiền-mặt.
MoMo
- liên-kết với thẻ-quốc-tế và thẻ-nội-địa của 35 ngân-hàng ở Việt-Nam,
- được chấp-nhận ở nhiều cửa-hàng, siêu-thị nhất,
- có nhiều nơi để nộp tiền-mặt vào ví và rút tiền-mặt từ ví,
- thu phí khi dùng thẻ-quốc-tế,
- thu phí khi rút tiền-mặt,
- có nhiều chương-trình khuyến-mại, thưởng khi giới-thiệu người mới.
P.S. Sau một thời-gian miễn tất-cả phí-rút-tiền và phí-giao-dịch thẻ-quốc-tế thì các ví-điện-tử chỉ cho miễn vài giao-dịch trong mỗi tháng.
Dùng ví-điện-tử như thế nào?
Tạo ví
Bạn cần có smartphone có cài app ví-điện-tử và nối Internet, và một số-điện-thoại-di-động để đăng-ký ví (không nhất-thiết phải gắn SIM-điện-thoại trong cùng máy cài app ví-điện-tử). Sau khi đăng-ký bằng số-điện-thoại-di-động, ví của bạn được dùng ở mức-độ cơ-bản với số tiền hạn-chế (khoảng năm triệu đồng mỗi ngày). Để nâng số tiền hạn-chế lên mức thông-thường (khoảng vài trăm triệu đồng mỗi ngày) bạn phải được duyệt bằng cách dùng app ví-điện-tử chụp hình thẻ chứng minh nhân dân và mặt bạn.
P.S. Theo quy-định mới của Ngân-hàng-Nhà-nước thì ví-điện-tử chỉ được duyệt khi liên-kết với một tài-khoản-ngân-hàng.
Cho tiền vào ví
Nếu hệ-thống-ví của bạn có các cửa-hàng-nạp-tiền thì app ví-điện-tử sẽ chỉ cho bạn vị-trí cửa-hàng gần nhất, bạn đến đó yêu-cầu nạp-tiền vào ví-điện-tử có số-điện-thoại của bạn và đưa tiền-mặt cho nhân-viên cửa-hàng.
Nếu bạn có tài-khoản-ngân-hàng thì cũng nên liên-kết thẻ ATM của tài-khoản đó với ví. Nếu bạn có thẻ-quốc-tế thì cũng nên liên-kết thẻ với ví. Bạn có-thể nạp-tiền vào ví từ tài-khoản-ngân-hàng đã liên-kết với ví.
Khi tiêu tiền, bạn sẽ được hỏi lấy tiền từ ví hay từ các thẻ liên-kết. Lấy tiền từ ví là nhanh nhất.
Khi tiêu tiền từ thẻ, app sẽ mở web của ngân-hàng, chờ bạn gõ OTP gửi từ ngân-hàng để xác-định có đúng chủ-thẻ tiêu tiền không, việc này làm cho việc dùng ví-điện-tử tốn thời-gian.
Trả-tiền điện, nước và các dịch-vụ tích hợp trong ví
Mỗi hệ-thống-ví đều có tích hợp một số dịch-vụ thanh-toán giùm như trả-tiền điện nước, vé xe, học phí… Bạn hãy bấm vào icon của dịch vụ rồi nhập thông tin liên quan như số hợp đồng, app sẽ tra thông tin và báo số tiền cần trả, bạn chọn nguồn tiền là ví hoặc thẻ liên kết.
Với tiền điện và nước, ví sẽ nhớ luôn số hợp đồng của bạn và hàng tháng nhắc bạn số tiền đến hạn phải trả. Thật tiện lợi!
Nạp-tiền điện-thoại
Nạp-tiền điện thoại cũng là một dịch vụ tích hợp. Mỗi khi có đợt khuyến mãi của các công-ty-điện-thoại-di-động thì ví sẽ nhắc bạn nạp-tiền. Bạn cũng có-thể nạp-tiền trong những ngày không có khuyến mãi.
Mua hàng online
Một số trang web bán hàng nhận thanh-toán bằng ví-điện-tử. Khi bạn chọn thanh-toán bằng ví-điện-tử thì trang web sẽ hiện lên QR-code của món tiền cần phải trả, bạn dùng app ví-điện-tử scan QR-code đó để trả-tiền. Xong!
Mua hàng ở siêu-thị, cửa-hàng, quán-ăn
Một vài siêu-thị, cửa-hàng, quán-ăn, cây-xăng nhận thanh-toán bằng ví-điện-tử. Có hai cách thanh-toán.
- Người-bán scan QR-code của bạn, hoặc
- Bạn scan QR-code của người-bán.
QR-code có-thể cố-định hoặc thay-đổi theo số tiền cần thanh-toán hoặc thay-đổi theo thời-gian (chỉ có giá-trị sử-dụng trong vài phút). Nếu QR-code cố-định thì sau khi scan phải gõ số tiền vào app.
Bạn nên để sẵn trong ví một ít tiền đủ để trả khi mua-sắm trực-tiếp ở siêu-thị, cửa-hàng, quán-ăn… để khỏi phải mất thời-gian nhập OTP từ ngân-hàng khi thanh-toán.
Hiện-nay, trả-tiền xăng bằng ví-điện-tử hoặc thẻ mất khá nhiều thời-giờ vì phải đi vào văn-phòng trạm-xăng nên không tiện đối với số tiền nhỏ khi đổ-xăng xe-gắn-máy.
Chuyển tiền cho người khác
Bạn có-thể chuyển tiền từ ví đến tài-khoản-ngân-hàng của bạn hoặc của người khác. Nếu người-nhận cũng dùng chung hệ-thống-ví thì bạn chỉ cần chuyển tiền đến số điện thoại đăng-ký ví, dễ nhớ hơn số-tài-khoản nhiều.
Chú-ý: rất dễ chuyển tiền đến sai chỗ, và rất khó đòi lại số tiền đã chuyển không đúng chỗ.
Ví-dụ người-nhận đã đổi số-điện-thoại mà người-gửi không biết, người-gửi gửi tiền theo số-điện-thoại cũ. Khi đó, nếu số-điện-thoại nhận tiền không có ai dùng hoặc người-dùng không biết dùng ví-điện-tử thì không có ai giúp bạn lấy lại số tiền đã gửi sai chỗ. Công-ty quản-lý hệ-thống-ví không can-thiệp vào việc này, ngay cả khi họ biết rằng không còn ai dùng ví với số-điện-thoại đó.
Việc chuyển-tiền giữa hai người đang gặp mặt nhau thì càng đơn-giản hơn nữa: người-nhận mở hình QR-code của ví mình và người-trả dùng ví quét QR-code đó qua camera và gõ số tiền cần trả vào, thế là xong, không cần biết đến số điện thoại luôn. Các hình QR-code của các ví của tôi có ở bên trên, các bạn có-thể thử scan và chuyển cho tôi một ngàn VND 😏.
Tiến tới một xã-hội không dùng tiền-mặt, các bạn hãy mừng đám-cưới/sinh-nhật/thôi-nôi/lì-xì bằng ví-điện-tử.
Độ an-toàn của ví-điện-tử so với ví thường
Giống như ví thường, ta chỉ nên để trong ví-điện-tử một số tiền vừa đủ cho những khoản tiêu-vặt trong vài ngày, khi tiêu hết hoặc khi quyết định mua một món gì cần nhiều tiền hơn thì ta lại cho thêm tiền vào.
Khi bạn bị mất ví thường thì xác-suất của việc bạn mất hết tiền trong ví và phải mua cái ví mới là gần 100%. Chỉ có rất ít trường hợp ví của bạn được người tốt bụng tìm thấy và trong ví có một mẩu giấy ghi tên và số điện thoại của bạn (danh-thiếp) để người tốt bụng gọi cho bạn.
Ví-điện-tử nằm trong một smartphone, khi smartphone bị mất thì xác-suất của việc mua smartphone mới là gần 100% nhưng xác-suất của việc bạn bị mất tiền trong ví-điện-tử là gần 0%. Tiền trong ví-điện-tử được bảo-vệ bằng mật-khẩu do bạn đặt, nếu smartphone có khả năng đọc dấu-vân-tay thì ví-điện-tử cũng được bảo-vệ bằng dấu-vân-tay của bạn. Khi không có mật-khẩu và dấu-vân-tay của bạn thì không ai lấy được tiền trong ví-điện-tử. Bạn chỉ cần cài app ví-điện-tử trên một smartphone khác và login vào với số-điện-thoại đã dùng cho ví thì số tiền sẽ hiện ra y như trước.
Về mặt kỹ-thuật thì tiền trong ví-điện-tử khó bị mất, nhưng bạn cần phải sáng-suốt tránh bị lừa mất tiền. Kẻ-gian luôn-luôn tìm cách lừa người khác để lấy tiền, dù cho tiền đó là tiền-mặt, tiền trong ngân-hàng, vàng trong tủ hay tiền trong ví-điện-tử. Mật-khẩu của ví-điện-tử hay tài-khoản giao-dịch ngân-hàng điện-tử tương-đương với chìa-khoá của tủ-tiền, hộp-tiền của bạn. Đừng bao giờ đưa mật-khẩu cho bất kỳ người nào, kể cả người của ngân-hàng hay công ty ví-điện-tử. Bạn nên đọc thêm bài viết về những cách bảo-vệ tài-sản kỹ-thuật-số.
Ví-điện-tử làm lộ số-điện-thoại
Ngân-hàng Nhà-nước Việt-Nam quy-định rằng ví-điện-tử của mỗi người phải được liên-kết với tài-khoản thanh-toán của người đó ở ngân-hàng. Đó là biện-pháp KYC—xác-thực danh-tính của người-dùng—để chống rửa-tiền. Ngân-hàng Nhà-nước cho rằng các ngân-hàng đã KYC người chủ tài-khoản rồi, nhà-cung-cấp dịch-vụ ví-điện-tử không cần KYC. Để liên-kết với tài-khoản thanh-toán thì ví-điện-tử phải dùng chung số-điện-thoại với tài-khoản thanh-toán. Đây chính là điều tôi lo-ngại. Tôi muốn giữ số-điện-thoại của tài-khoản thanh-toán bí-mật với người lạ để tránh rủi-ro bị chiếm mất số-điện-thoại đó, kéo theo mất tiền trong tài-khoản. Nếu dùng ví-điện-tử thì số-điện-thoại không còn bí-mật nữa. Tôi đã chấm-dứt sử-dụng ví-điện-tử vì nó không còn cần-thiết đối-với tôi.
Ví-điện-tử PayPal
PayPal là một dịch-vụ-thanh-toán qua Internet đã có từ năm 1998. Mặc dù cũng có một số đặc-tính của ví-điện-tử, cũng có app trên smartphone nhưng PayPal hoạt-động chủ-yếu trên web.
Các dịch-vụ của PayPal gồm có thanh-toán online và chuyển tiền online. PayPal đang hoạt-động ở 200 nước trên thế-giới, giao-dịch với 100 loại tiền, khách-hàng có-thể giữ 25 loại tiền trong ví và có-thể rút tiền từ ví về tài-khoản-ngân-hàng ở 56 nước. Phí-chuyển-tiền qua PayPal khá cao, nhất là khi chuyển không vì mục đích thương mại.
Để chuyển tiền đến một ví PayPal của ai đó, bạn chỉ cần biết địa chỉ dạng web của ví đó. Ví dụ ví PayPal của tôi là https://www.paypal.me/LHBoi.
Khi tiền được chuyển vào ví PayPal, người chủ ví nhận được một email thông-báo từ PayPal.
Có những kẻ-gian dàn-dựng những kịch bản lừa đảo người-giao-dịch qua ví PayPal bằng cách gửi email giả-mạo từ PayPal thông-báo "tiền đã vào ví, hãy thực-hiện giao-dịch".
Trong Tháng-Năm 2020, PayPal đã mở tính-năng thanh-toán qua QR-code ở 28 nước (không có Việt-Nam).
QR-Payment
Bên cạnh các hệ-thống-ví-điện-tử, còn có một dạng thanh-toán qua máy-điện-thoại-di-động khác là QR-Payment. Trong QR-Payment thì người-dùng phải có tài-khoản-ngân-hàng và trả-tiền thẳng từ số tiền trong tài-khoản-ngân-hàng, không có một ví-tiền bên cạnh tài-khoản.
Hệ-thống-thanh-toán QR phổ biến nhất ở Việt-Nam là của VNPAY.
Các app của các ngân-hàng thường có chức-năng QR Payment. QR Payment tương đương như một cái thẻ debit liên kết với tài-khoản-ngân-hàng. Một số ngân-hàng (MSB, Vietcombank, TPBank, VPBank) tạo QR-code của tài-khoản-ngân-hàng trong app để người khác scan và gửi tiền vào tài-khoản-ngân-hàng đó nhanh chóng và tiện lợi như các ví-điện-tử ở trên. QR-code được tạo từ app ngân hàng có thể nhận tiền từ cùng ngân hàng hoặc từ ngân hàng khác qua hệ thống thanh toán VIETQR của NAPAS.
Nếu app không tạo ra QR-code thì người dùng QR Payment không thể nhận tiền như ví-điện-tử.
Mobile Money
Mobile Money là một loại ví-điện-tử không cần Internet mà hoạt động trên dịch vụ SMS hoặc USSD của mạng điện thoại di động. Do không cần Internet nên Mobile Money có thể được dùng trên những máy điện thoại đơn giản. Những kiểu điện thoại 2.5G/3G có thể dùng Mobile Money qua Java application hoặc WAP (Wireless Application Protocol, một kiểu web nhỏ cho các máy điện thoại di động). Với sự ra đời của smartphone thì Mobile Money được dùng như một mobile app, tiện-lợi hơn trước nhiều. Mobile Money đã rất phổ biến ở các nước châu Phi và Ấn-Độ do hệ thống ngân hàng kém phổ biến.
Người dùng Mobile Money không cần có tài khoản ở ngân hàng, nộp tiền mặt vào tài khoản Mobile Money và rút tiền từ tài khoản ra tại những phòng giao dịch của công ty.
Tháng 11/2021, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép ba công ty dịch vụ thông tin di động lớn của Việt Nam được cung cấp dịch vụ Mobile Money trong vòng hai năm. Ưu điểm đầu tiên của Mobile Money là chuyển tiền đi xa không cần tài khoản ngân hàng và không tốn phí, rất lợi cho người lao động đi xa nhà gửi tiền về nhà. Nhược-điểm của Mobile Money là quy-định giới-hạn số tiền được chuyển vào và rút ra khỏi ví mỗi tháng không quá mười triệu đồng và không chuyển tiền từ tài-khoản ngân-hàng đến ví của người khác được. Nhược-điểm đó làm cho người làm công không thể nhận lương vào ví, và người bán hàng không thể nhận tiền vào ví quá mười triệu đồng mỗi tháng, và người nhận tiền vào ví không thể để dành nhiều tiền rồi rút ra một lần hơn mười triệu đồng. (Viettel Money đã cho phép nhận tiền từ tài-khoản ngân-hàng bất-kỳ chuyển đến vì mỗi ví Viettel Money có một số tài-khoản ở Ngân-hàng Quân-đội)
Pi Network
Dự án Pi Network đang phát triển với mục tiêu trở thành một ví điện tử dựa trên blockchain với hàng tỷ người sử dụng trên khắp thế giới. Mục tiêu của Pi là trở thành ví điện tử thông dụng như MoMo, ZaloPay, AliPay, WeChat Pay để mua bán mọi thứ hàng-hoá và dịch-vụ trong đời sống hàng ngày cả mua-bán trực-tiếp lẫn mua-bán qua Internet.
* Những kinh nghiệm khác