Một cách hay hơn để doanh nghiệp chia tiền thưởng cuối năm
Bài này giới thiệu một cách dùng tiền thưởng cuối năm cho có lợi.
Những vấn đề
Vấn đề của người lao động
- Số người được lãnh lương hưu ít
- Lương hưu rất thấp so với thu nhập khi đi làm
- Rất nhiều người lao động nhận được một khoản thưởng Tết xấp xỉ 10% thu nhập cả năm hoặc hơn nữa, nhưng hầu như những khoản thưởng Tết từ vài chục triệu đồng trở xuống đều bị nhanh chóng tiêu hết vào những khoản không quan trọng như ăn Tết, mua sắm xe, ti-vi, điện thoại…
Vấn đề của doanh nghiệp
- Trong khi đó nhiều doanh nghiệp gặp một áp lực chi tiền mặt rất lớn khi sắp đến Tết, gần như phải chi hai tháng lương cùng lúc.
- Một số nhân viên chọn thời điểm sau Tết để đổi chỗ làm, doanh nghiệp lại tốn thêm chi phí tuyển và đào tạo nhân viên mới.
Nguyên nhân
- Đa số dân chúng không quan tâm đến cuộc sống khi về già, vẫn còn ỷ lại vào truyền thống Trẻ cậy cha, già cậy con, nên không chú ý chuẩn bị quỹ hưu trí.
- Những người có hợp đồng lao động, được đóng bảo hiểm xã hội đều đặn cũng ít để ý xem mình đang được đóng bảo hiểm xã hội ở mức nào, cứ yên tâm rằng sau này chắc chắn có lương hưu mà không biết lương hưu cao hay thấp.
- Đa số người lao động không được đóng bảo hiểm xã hội theo thu nhập thật mà chỉ được đóng theo hệ số lương nhân với lương tối thiểu theo quy định của nhà nước, số đó thấp hơn nhiều so với thu nhập thật, cho nên lương hưu càng thấp hơn nữa.
- Những người may mắn đang được đóng bảo hiểm xã hội theo mức thu nhập thật cũng không có được lương hưu dồi dào như trước khi về hưu. Theo quy định của Luật Bảo hiểm Xã hội thì lương hưu được nhận khoảng 45%-75% mức lương bình quân đã đóng BHXH trong suốt thời gian đóng. Với tốc độ tăng lương hàng năm (do lạm phát cộng với sự thăng tiến nghề nghiệp), thì mức lương bình quân đó rất thấp so với thu nhập trước khi về hưu.
Giả sử lương tăng đều 10% mỗi năm thì số trung bình của mức lương trong 35 năm chỉ bằng 30% mức lương năm cuối, như vậy lương hưu chỉ bằng 22,5% lương trước khi về hưu.
Giả sử lương tăng đều 15% mỗi năm thì số trung bình của mức lương trong 35 năm chỉ bằng 21% mức lương năm cuối, như vậy lương hưu chỉ bằng 15,8% lương trước khi về hưu.
Vấn đề này không phải chỉ có ở Việt Nam, các nước đã phát triển cũng có vấn đề tương tự (xem trang sau). - Một yếu tố khác hạ thấp lương hưu của người có thu nhập cao là không được đóng BHXH ở mức lương quá 20 lần mức lương tối thiểu.
- Một số ít người quan tâm đến việc tự để dành cho quỹ hưu trí thì thiếu công cụ thích hợp. Để dành bằng cách gửi tiết kiệm ở ngân hàng thì thiếu dịch vụ tiết kiệm dài hạn, tốn công quản lý sổ tiết kiệm, tiền tiết kiệm dễ bị hao bớt mỗi khi đáo hạn do những chi tiêu không cần thiết, hoặc những quyết định nhất thời. Những công cụ có khả năng sinh lợi tốt trong dài hạn như cổ phiếu, bất động sản thì có ít người tiếp cận được.
- Một vấn đề khác là mỗi người không thể biết được mình đang có bao nhiêu tiền trong quỹ lương hưu bảo hiểm xã hội (cả vốn lẫn lãi). Người lao động chỉ nhìn thấy cuốn sổ bảo hiểm xã hội của chính mình khi chuyển chỗ làm, và trong sổ bảo hiểm xã hội chỉ ghi số tiền đã đóng trong từng năm, chấm hết. Hoạt động của tổ chức quản lý quỹ bảo hiểm xã hội không bị cạnh tranh nên hiệu quả sinh lợi kém, quỹ lương hưu chung của toàn xã hội dễ bị thiếu hụt. Bảo hiểm xã hội trở thành một dạng chính sách trợ cấp để duy trì mức sống tối thiểu hơn là quỹ lương hưu theo nhu cầu riêng của mỗi cá nhân. Những người đóng bảo hiểm xã hội quá thấp vẫn được nhận lương hưu không ít hơn lương tối thiểu do nhà nước quy định hàng năm càng làm cho quỹ bảo hiểm xã hội dễ bị thiếu hụt.
Giải pháp
Giải pháp không tốn kém sau đây sẽ đem lại nhiều lợi ích cùng lúc cho doanh nghiệp và người lao động.
Mỗi người chắc chắn có một khoản lương hưu của riêng mình ngoài lương hưu từ BHXH. Mỗi người tự kiểm soát quỹ lương hưu của riêng mình.
Để tập cho người lao động quen với việc tự chuẩn bị lương hưu cho mình, doanh nghiệp bắt đầu tạo cho mỗi người lao động một tài khoản hưu trí tự nguyện nhỏ và khuyến khích người lao động tự để dành thêm vào tài khoản bằng hình thức thưởng. Tất cả chi phí cho việc này chỉ chiếm một phần ngân sách khen thưởng của doanh nghiệp.
Tiền doanh nghiệp thưởng cho nhân viên hàng năm được chia làm ba phần:
- phần cơ bản đóng vào quỹ hưu trí tự nguyện hàng tháng hoặc hàng năm
- phần thưởng tiền mặt trước Tết
- phần thưởng vào quỹ hưu trí tự nguyện tỉ lệ với mức tiết kiệm của mỗi nhân viên
Một ví dụ của việc tạo tài khoản hưu trí
Mỗi năm doanh nghiệp đóng vào tài khoản hưu trí tự nguyện cho mỗi người lao động có thâm niên từ ba năm trở lên một số tiền cơ bản, tỉ lệ với mức lương (từ 700 ngàn đồng / người / năm trở lên là được), hàng tháng người lao động tự đóng thêm vào tài khoản hưu trí tự nguyện một số tiền theo khả năng tiết kiệm, cuối năm doanh nghiệp sẽ thưởng thêm cho những người đã tự đóng thêm trong năm theo công thức:
Ngoài khoản tiền thưởng vào tài khoản hưu trí tự nguyện đó, mỗi người lao động đều nhận được một khoản thưởng Tết bằng tiền mặt trị giá bằng Hệ-số-thưởng * Lương-tháng.
Hệ-số-tương-lai do doanh nghiệp tự định ra hàng năm, ý nghĩa của hệ số này là số tiền thưởng vào quỹ lương hưu gấp bao nhiêu lần so với thưởng tiền mặt. Hệ-số-thưởng được tính sao cho tổng tiền thưởng vừa với ngân sách thưởng của năm, hệ số thưởng được tính sau khi biết ngân sách thưởng và tổng tiền tự đóng trong năm của tất cả nhân viên.
Ví dụ doanh nghiệp có 10 nhân viên, quỹ lương hàng tháng 50 triệu, ngân sách thưởng cuối năm là 50 triệu, chọn hệ số tương lai là 4, thì hệ số thưởng tính được là 0,1853, và tiền thưởng của từng nhân viên như bảng dưới đây.
Tên | Lương tháng | Tổng tiền tự đóng trong năm | Thưởng tiền mặt | Thưởng hưu trí | Tổng tiền để dành | Tổng tiền thưởng | Tỉ lệ để dành |
---|---|---|---|---|---|---|---|
A | ₫4.000.000 | ₫5.000.000 | ₫926.500 | ₫4.632.500 | ₫9.632.500 | ₫5.559.000 | 10,42% |
B | ₫5.000.000 | ₫5.000.000 | ₫926.500 | ₫3.706.000 | ₫8.706.000 | ₫4.632.500 | 8,33% |
C | ₫4.500.000 | ₫4.000.000 | ₫741.200 | ₫2.635.378 | ₫6.635.378 | ₫3.376.578 | 7,41% |
D | ₫5.000.000 | ₫4.000.000 | ₫741.200 | ₫2.371.840 | ₫6.371.840 | ₫3.113.040 | 6,67% |
E | ₫4.000.000 | ₫4.000.000 | ₫741.200 | ₫2.964.800 | ₫6.964.800 | ₫3.706.000 | 8,33% |
G | ₫5.000.000 | ₫6.000.000 | ₫1.111.800 | ₫5.336.640 | ₫11.336.640 | ₫6.448.440 | 10,00% |
H | ₫8.000.000 | ₫7.000.000 | ₫1.297.100 | ₫4.539.850 | ₫11.539.850 | ₫5.836.950 | 7,29% |
K | ₫4.000.000 | ₫5.000.000 | ₫926.500 | ₫4.632.500 | ₫9.632.500 | ₫5.559.000 | 10,42% |
L | ₫5.500.000 | ₫5.000.000 | ₫926.500 | ₫3.369.091 | ₫8.369.091 | ₫4.295.591 | 7,58% |
M | ₫5.000.000 | ₫6.500.000 | ₫1.204.450 | ₫6.263.140 | ₫12.763.140 | ₫7.467.590 | 10,83% |
∑ | ₫50.000.000 | ₫51.500.000 | ₫9.542.950 | ₫40.451.739 | ₫91.951.739 |
Công thức trên khuyến khích người lao động tự chuẩn bị lương hưu cho mình một cách công bằng: người cố gắng tiết kiệm nhiều được thưởng nhiều, trong khi khoản thưởng Tết vẫn tỉ lệ với mức lương. Giả sử mỗi người đều tự đóng vào quỹ hưu trí tự nguyện một khoản bằng lương tháng thì tổng khoản thưởng vào tài khoản hưu trí và khoản thưởng Tết nhận ngay của mỗi người đều là Hệ-số-thưởng * (1 + Hệ-số-tương-lai) * Lương-tháng.
Người nào có tỉ lệ Tổng-tiền-tự-đóng-trong-năm chia cho Lương-tháng cao hơn thì sẽ nhận vào tài khoản hưu trí nhiều hơn. Trong bảng ví dụ trên chị A lương bốn triệu đồng mỗi tháng, trong suốt năm tự đóng thêm năm triệu đồng, chị D lương năm triệu đồng mỗi tháng, trong suốt năm tự đóng thêm bốn triệu đồng, Hệ-số-thưởng cuối năm là 0,1853, Hệ-số-tương-lai là 4 thì chị A được thưởng 4,6325 triệu đồng vào tài khoản hưu trí, chị D được thưởng 2,3718 triệu đồng vào tài khoản hưu trí.
Để khuyến khích nhân viên làm việc lâu với doanh nghiệp thì khoản cơ bản mỗi năm có thể tăng dần theo thâm niên, mỗi năm thâm niên được thêm 2% Lương-tháng.
Điều đặc biệt là doanh nghiệp có thể thoả thuận với nhân viên về thời điểm trao quyền sở hữu những khoản doanh nghiệp đóng và thưởng vào tài khoản hưu trí. Ví dụ sau mỗi năm chỉ trao quyền sở hữu 10% số tiền, đến cuối năm thứ năm sẽ trao hết số tiền đã đóng và thưởng, từ năm thứ sáu trở đi mọi khoản doanh nghiệp đưa vào tài khoản đều thuộc về nhân viên ngay. Người lao động rời doanh nghiệp trước khi hết thời gian thoả thuận sẽ không nhận được những khoản chưa được trao quyền sở hữu, khoản đó trả lại cho doanh nghiệp.
Tiền trong tài khoản hưu trí tự nguyện sẽ sinh lợi và lãi nhập gốc hàng tháng. Nhân viên chỉ được rút tiền ra khi đến tuổi về hưu hoặc trong những trường hợp đặc biệt như tử vong, mất sức lao động. Do quỹ hưu trí tự nguyện chuyên đầu tư dài hạn và phí quản lý quỹ thấp nên lợi nhuận của quỹ hưu trí tự nguyện tốt hơn lãi tiết kiệm ở một số ngân hàng thương mại lớn.
Lợi ích
- Giảm tỉ lệ bỏ việc của người lao động giúp doanh nghiệp giảm chi phí đào tạo người lao động.
- Giảm áp lực tiền mặt của doanh nghiệp vào thời điểm thưởng cuối năm: khoản đóng đều mỗi năm có thể chia ra đóng hàng tháng, hàng quý hay nửa năm một lần, khoản thưởng khuyến khích tiết kiệm có thể chia ra đóng vào bất kỳ thời điểm nào thuận tiện trong năm. Giảm áp lực tiền mặt giúp giảm chi phí tài chính của doanh nghiệp.
- Số tiền doanh nghiệp đóng hàng năm cho mỗi người lao động bắt đầu từ mức rất thấp, không có mức tối thiểu, 700 ngàn đồng / người / năm cũng được. Tác dụng của món tiền nhỏ này là gieo ý niệm tự tích luỹ lương hưu cho người lao động. Người lao động chủ động được việc quản lý tài chính sẽ ít bị các vấn đề thiếu hụt tiền ảnh hưởng đến tinh thần làm việc.
- Khoản tiền doanh nghiệp chuyển vào tài khoản hưu trí của người lao động được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp so với việc thưởng Tết là khoản tiền đã đóng thuế thu nhập doanh nghiệp. Khi người lao động rút tiền ra thì sẽ nộp 10% thuế thu nhập cá nhân trên phần được doanh nghiệp cho (cả gốc và lãi). Hệ-số-tương-lai càng lớn thì khoản miễn thuế thu nhập doanh nghiệp càng nhiều.
- Khoản tiền người lao động tự đóng vào tài khoản hưu trí dưới 12 triệu đồng mỗi năm được miễn thuế thu nhập cá nhân. Như vậy, với cùng một ngân sách khen thưởng của doanh nghiệp, người lao động nhận được nhiều hơn, và chắc chắn sẽ có nhiều hơn khi về hưu.
- Bớt chi tiêu lúc đang làm ra tiền để có tiền lúc nghỉ làm. Người xưa có câu Miếng khi đói bằng gói khi no, thực hiện hưu trí tự nguyện sẽ tránh được cảnh khi về già thiếu hụt và nhớ lại lúc còn trẻ đã tiêu hết tiền như thế nào. Với hưu trí tự nguyện, chỉ cần để dành từng miếng khi no để có thật nhiều gói khi đói. Trong bảng ví dụ trên, nhân viên M chỉ cần để dành mỗi tháng hơn 500 ngàn đồng, được doanh nghiệp thưởng thêm, mỗi năm tăng số tiền để dành thêm 5% so với năm trước thì sau 30 năm sẽ có 2,4 tỉ đồng, gấp 480 tháng lương lúc mới bắt đầu. Giả sử mức trượt giá cũng là 5%/năm thì 2,4 tỉ đồng lúc về hưu cũng có giá trị bằng 110 tháng lương.
- Người lao động nhận được một khoản trợ cấp lên đến 200 triệu đồng khi mất sức lao động hoặc 230 triệu đồng khi tử vong.
- Người lao động chủ động trong việc tạo lương hưu, có thể biết chính xác số tiền trong quỹ lương hưu bất kỳ lúc nào bằng cách hỏi web server của công ty quản lý quỹ.
- Tiền để trong quỹ hưu trí tự nguyện chắc chắn nhận lại được khi về hưu, chắc chắn hơn mọi cách giữ tiền khác (ngân hàng, bất động sản, cổ phiếu)
- Việc lập quỹ hưu trí tự nguyện giúp người lao động biết điều tiết chi tiêu và hoàn toàn không ảnh hưởng xấu đến đời sống của người lao động. Người lao động vẫn nhận được một khoản tiền thưởng để chi tiêu trong dịp Tết và sẽ chi tiêu cẩn thận hơn. Đối với những người đã biết tự để dành tiền thì quỹ này cũng là một nơi để tiền an toàn và sinh lợi ổn định bên cạnh những nơi để tiền khác, một cách chia trứng ra nhiều giỏ.
- Doanh nghiệp thực hiện hưu trí tự nguyện có thể tự hào rằng người lao động được doanh nghiệp chăm sóc trong cả hiện tại và tương lai. Tránh được dư luận rằng bán sức lao động cho doanh nghiệp mấy chục năm trời, khi về già vẫn phải sống nhờ con cháu.
- Có thể mở rộng phạm vi áp dụng: chuyển một phần hoặc toàn bộ các khoản thưởng khác trong năm vào tài khoản hưu trí tự nguyện.
So sánh hưu trí tự nguyện với bảo hiểm xã hội bắt buộc
Điểm giống nhau
Tiền gửi vào chỉ được nhận lại khi về hưu
Điểm khác nhau
Tự nguyện | Bắt buộc |
---|---|
Mỗi người có tài khoản riêng | Không có tài khoản riêng |
Khi về hưu nhận lại tiền trong tài khoản, khi chết thì nhận hết phần còn lại của tài khoản | Khi về hưu nhận số tiền theo luật định đến chết |
Được chọn công ty quản lý quỹ từ các công ty tài chính hàng đầu thế giới để giao tiền, hiệu quả cao. Lãi suất cạnh tranh như gửi ngân hàng kỳ hạn dài, cam kết có lãi trong mọi thời điểm. Tài khoản có số dư từ 50 triệu đồng trở lên được thưởng. | Chỉ có một nơi quản lý tiền, không có cạnh tranh |
Người lao động tự quyết định mức lương hưu và mức đóng định kỳ | Người sử dụng lao động quyết định mức đóng bảo hiểm, người lao động muốn đóng nhiều hơn cũng không được |
Ngưng đóng thì tiền đã đóng vẫn sinh lời, đến tuổi hưu vẫn nhận được. | Phải đóng đủ 20 năm mới được lương hưu. Nếu chưa đóng đủ 20 năm thì chỉ được trợ cấp một lần. |
Có trợ cấp tử vong, mất sức lao động | Có trợ cấp tử vong, mất sức lao động, trợ cấp thai sản, nghỉ ốm. Khi về hưu được BHYT miễn phí. |
Tử vong trước khi về hưu thì gia đình nhận lại tiền trong tài khoản và/hoặc số tiền bảo hiểm | Tử vong trước khi về hưu thì chỉ có trợ cấp tử vong, số tiền đã đóng BHXH để cho xã hội hưởng |
Chương trình hưu trí tự nguyện này tương tự như chương trình 401(k) ở Mỹ. Rất nhiều người làm công ở Mỹ để dành được hơn một triệu đô-la bằng chương trình 401(k). Người Việt Nam cũng có thể để dành được hơn một trăm tháng lương theo cách tương tự.
Tham khảo:
Thông tư 115/2013/TT-BTC
Nghị định 122/2011/NĐ-CP
* Lương hưu ở các nước giàu
* Thống kê về hưu trí tự nguyện ở Mỹ
Mọi ý kiến thảo luận xin ghi vào các trang: Twitter hoặc Facebook