Giới-thiệu

Thân-thế
Thành-tích
Privacy Policy

Hữu-ích

Lập-kế-hoạch-tài-chính gia-đình

Đầu-tư-cổ-phiếu

Các loại bảo-hiểm

Câu-chuyện

Kinh-nghiệm

Máy-tính

Chữ-Việt

Linh tinh

Ý kiến

Danh mục

Download
Mục lục





Sổ tiết kiệm hay Quỹ đầu tư?

Giả sử bạn bắt đầu để dành tiền cho tương lai gia đình theo kế hoạch dài hạn được lập bằng KHTC, bạn sẽ giữ tiền bằng cách nào?
Cách chắc chắn nhất để thực hiện kế hoạch hàng tỉ đồng là để dành đều đặn mỗi tháng. Với việc tích luỹ dần như vậy thì bạn có hai phương tiện:

  1. Gửi tiết kiệm ngân hàng
  2. Gửi vào quỹ đầu tư

(Đừng mua vàng hay USD để dành, lý do được giải thích trong phần cuối của bài này.)

Các nhà kinh tế nói rằng đầu tư dài hạn vào quỹ đầu tư sẽ có lợi hơn gửi tiết kiệm ở ngân hàng. Lý thuyết đó có đúng trong thực tế không, và nhất là có đúng với thị trường Việt Nam không?

Kết quả thực tế

Trong bài này, tôi sẽ so sánh kết quả giữa hai phương tiện trên bằng những tính toán trên những số liệu thực tế trong một thời gian dài hơn 13 năm.
Thời điểm bắt đầu tính là đầu năm 2009. Từ ngày đó đến ngày 29/12/2022 là hơn 13 năm.

Giả sử anh A tích luỹ tiền bằng cách gửi tiết kiệm ở ngân hàng. Bắt đầu từ đầu năm 2009, mỗi bốn tuần (mỗi năm 13 lần ứng với 13 tháng lương) anh A gửi một triệu đồng vào một sổ tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng ở Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, khi đáo hạn sổ đó thì nhập lãi vào gốc để gửi tiếp kỳ mới. Số tiền anh A đã gửi vào là 183 triệu đồng. Vào ngày 29/12/2022 tổng giá trị gốc và lãi là 289,606 triệu đồng, tính ra lợi nhuận trung bình của việc tích luỹ này là 6,31%/năm . Mặc dù trong 13 năm qua có những lúc lãi suất tiết kiệm lên đến 14%/năm, nhưng do anh A gửi góp theo thời gian nên những khoản tiền gửi trễ sinh ra ít tiền lãi hơn những khoản tiền gửi sớm. Lợi nhuận trung bình đó đang giảm dần vì lãi suất tiết kiệm đã thấp hơn số trung bình đó từ bảy năm nay. Số liệu tính toán trong bảng tính sau.

Giả sử anh B tích luỹ tiền bằng quĩ đầu tư VF1. Bắt đầu từ đầu năm 2009 mỗi bốn tuần anh B gửi một triệu đồng vào quỹ VF1. Số tiền anh B đã gửi vào cũng là 183 triệu đồng như anh A. Vào ngày 29/12/2022 giá trị tài khoản đầu tư của anh B là 398,217 triệu đồng. Lợi nhuận trung bình của việc tích luỹ này là 10,47%/năm .

Bảng dưới đây cho biết lợi nhuận trung bình của mọi khoản đầu tư đều đặn vào những quỹ đầu tư trong 10/5/3/2/1 năm qua.

Trong thực tế thì số tiền anh A có chắc chắn phải thấp hơn 289,606 triệu đồng vì:

  1. Tiền lãi khi đáo hạn sẽ bị làm tròn xuống đến hàng ngàn, và những tiền lẻ dưới chục ngàn hoặc trăm ngàn sẽ không được nhập vào gốc để sinh lời tiếp vì anh A thấy nó lẻ.
  2. Rất khó để đều đặn mỗi bốn tuần mở một sổ tiết kiệm, gần đây có Internet banking thì dễ hơn, nhưng cũng không dễ để nhớ làm việc đó đều đặn. Trong khi đó, đầu tư vào quỹ đầu tư thì có người nhắc.
  3. Không dễ để nhớ gửi tiền tiết kiệm đều đặn nhưng lại rất dễ để rút tiền ra dùng khi cần mua sắm iPhone, LED TV, scooter làm cho số tiền bị hao hụt nhiều.

Ngoài ra, khi gửi ngân hàng kiểu đó thì anh A phải giữ từ 14 đến 183 sổ tiết kiệm. Có thời gian tôi cũng làm như vậy (online) và tôi cảm thấy vô cùng lúng túng với hàng loạt số trên màn hình. Trong khi đó đầu tư vào quỹ đầu tư thì mỗi người chỉ cần biết một vài số.
Ngân hàng cũng có một loại tiết kiệm mà không tạo ra nhiều sổ, đó là tiết kiệm gửi góp. Tôi khuyên các bạn đừng dùng các loại tiết kiệm gửi góp của các ngân hàng. Mặc dù nó có vẻ giống như các kế hoạch đầu tư ở chỗ góp tiền vào một tài khoản, nhưng các ngân hàng không chuyên quản lý sổ tiết kiệm dài hạn và họ cũng không thích việc đó nên lãi suất dạng đó thấp hơn lãi suất 12 tháng. Tôi đã có một kinh nghiệm không vui với loại tiết kiệm gửi góp đó, sẽ kể lại trong một trang khác.

Một ưu điểm khác của quỹ đầu tư là nó không có kỳ hạn, nghĩa là anh B hoặc anh C muốn rút tiền ra lúc nào cũng được, không bị mất khoản lãi khi chưa đến hạn như gửi tiết kiệm.
Tính chất có kỳ hạn của sổ tiết kiệm cũng ảnh hưởng đến lợi nhuận trung bình của cách tích luỹ tiền ở ngân hàng: mỗi khi lãi suất tiết kiệm ở ngân hàng tăng hay giảm thì một năm sau mới thể hiện trên lợi nhuận trung bình. Ở phía bên kia, giá đơn vị quỹ đầu tư thay đổi hàng tuần thể hiện ngay trên lợi nhuận trung bình.

Lợi ích trong tương lai xa

Các số lãi suất ở trên là lãi kép nên thời gian càng dài thì kết quả càng lớn. Ví dụ với lãi suất như trên, gửi mỗi bốn tuần một triệu đồng sau 30 năm sẽ từ 390 triệu đồng:

  • được khoảng 1,006 tỉ đồng nếu gửi ngân hàng
  • được khoảng 2,469 tỉ đồng nếu gửi quỹ đầu tư, bằng 2,45 lần gửi ngân hàng

Nhìn từ một hướng khác, những người thực hành công thức "Thu nhập - Tiết kiệm = Chi tiêu" sẽ thấy dễ sống hơn với mức lợi nhuận cao của quỹ đầu tư. Lợi nhuận cao thì chỉ cần tiết kiệm ít hơn, chi tiêu nhiều hơn mà vẫn đạt kế hoạch tài chính tương lai. Ví dụ, để có năm tỉ đồng sau 30 năm, người ta phải tiết kiệm:

Tại sao quỹ đầu tư cho lời cao hơn ngân hàng?

Quỹ đầu tư là gì mà nó sinh lời nhiều hơn gửi tiết kiệm ở ngân hàng?
Mời bạn xem bài giải thích về quỹ đầu tư.

Gửi mỗi bốn tuần một triệu đồng trong hơn 13 năm thì lời như vậy, nhưng nếu chị D có 50 triệu đồng hay năm tỉ đồng thì gửi vào quỹ đầu tư theo cách nào để có lời?
Chị D nên chia số tiền đó ra làm nhiều phần bằng nhau để gửi vào quỹ đầu tư một cách đều đặn (mỗi tháng một phần) trong 3-6 tháng liên tiếp, rồi để yên đó một thời gian đủ dài (hơn năm năm) để nó sinh lời.

Kết quả của quỹ đầu tư cao hơn sổ tiết kiệm có vài phần trăm mỗi năm vì lãi suất tiết kiệm (và lãi suất cho vay) ở Việt Nam quá cao. Ở Singapore, gửi tiết kiệm kỳ hạn ba năm lãi 0,65%/năm còn quỹ đầu tư cổ phiếu thì được khoảng 7,5%/năm sau 10 năm, chênh lệch gấp 10 lần. Hy vọng kinh tế Việt Nam sẽ thay đổi theo hướng đó: lãi suất ngân hàng giảm xuống để giảm chi phí cho các doanh nghiệp và người đi vay.

Tiết kiệm bằng USD hoặc vàng có tốt hơn không?

Tôi giả định rằng chị U mua 100 USD mỗi bốn tuần từ đầu năm 2009 đến nay chị U có 18.300 USD tương đương 429,318 triệu đồng và chị U đã bỏ ra hết 395,710 triệu đồng, tính ra lợi nhuận trung bình của việc tích luỹ này là 1,2%/năm .
Lại giả định tiếp, từ đầu năm 2009 đến nay mỗi bốn tuần chị G dùng 100 USD mua một số gram vàng lẻ đến một phần triệu gram. Đến nay chị G có 417,149 gram vàng, trị giá 24.323,93 USD. Như vậy với cùng số tiền bỏ ra như chị U, nhưng chị G thu lại được nhiều hơn 32,92% và lợi nhuận trung bình của việc tích luỹ này là 5,27%/năm , thấp hơn gửi tiết kiệm VND và thấp hơn tích luỹ bằng quỹ đầu tư. Lợi nhuận trung bình này có lẽ cũng tương đương mức trượt giá trung bình trong cùng thời gian, điều đó cho thấy tích luỹ bằng vàng không có lời.
Các số liệu về tỷ giá USD-VND và giá vàng từ đầu năm 2009 đến nay được lấy từ website Vietcombank.com.vn và www.gold.org.

Bảng dưới đây so sánh lợi nhuận trung bình của việc đầu tư đều đặn vào các kênh từ năm 2009.

Trang web này được cập nhật hàng tuần. Mời các bạn đến xem kết quả đầu tư mỗi tuần.


Trang-web này được áp-dụng Creative Commons Attribution-NonCommercial-NoDerivatives 4.0 International License. Bạn được phép chép lại trang-web này, với điều-kiện không được thay-đổi nội-dung và không dùng cho mục-đích thu-lợi và ghi rõ nguồn-gốc https://LeHBoi.github.io. Điều kiện trên cũng áp dụng với domain name trước đây của website này là LHBOI.NAME.VN.