Những quyết định tốt cho tuổi già
(Lược dịch từ Life decisions that secure your retirement)
Các bạn có thể đã đọc được những điều này rồi: mười sai lầm huỷ hoại tuổi già, sáu điều nên tránh… Nhưng các bạn có nhận thấy rằng những bài đó được sao chép lẫn nhau.
Vậy điều gì là cốt lõi nhất để có một kế hoạch tiết kiệm hay đầu tư thành công? Đó là Sự đều đặn, làm đều đặn một việc mỗi tháng. Khi sự đều đặn đó bị gián đoạn, sẽ tốn vài tháng tới vài năm để lặp lại được một chuỗi đều đặn mới. Có một điều rất buồn cười trong việc tiết kiệm hay đầu tư là bạn càng phải nghĩ nhiều về nó, bạn càng ít làm gì (vì tốn thời gian nghĩ, không còn thời gian làm). Do đó, kế hoạch tiết kiệm tốt nhất là kế hoạch tự động lặp đi lặp lại. Mỗi khi phải bắt đầu lại, dù cho vì lý do gì, cũng rất tốn kém.
Người hàng xóm triệu phú (đô-la) - bậc thầy về ổn định
Tôi đã từng viết về Jim, hàng xóm của tôi, một trong những triệu phú cạnh nhà bí ẩn. (Phải, thật sự có những triệu phú cạnh nhà, họ sống gần bạn nhưng có khi bạn không bao giờ biết nếu bạn chỉ chào hỏi bâng quơ.) Ở nhà bên còn lại là Mario, có cha mẹ là người Mexico nhập cư, làm chủ tiệm sửa xe đã chăm sóc xe của chúng tôi rất tốt. Hàng xóm chúng tôi thuộc tầng lớp trung lưu.
Tôi và vợ có một lần trò chuyện với Jim và Eileen trong nhà họ sau một bữa tối thân mật, sau khi nói hết chuyện về chính trị thế giới, chuyển sang nói về tiền. Jim là một hàng xóm bình thường. Đã hơn 60 tuổi, ông ta chưa bao giờ được lãnh lương cao, hưởng gia tài, hay trúng thưởng bất ngờ. Mặc dù ông ta chưa hề nghe nói đến trang web Get Rich Slowly (ông ta chỉ mở máy tính mỗi tuần một lần để đọc những chuyện tiếu lâm mà bạn bè gửi cho nhau), nhưng ông ta như là một độc giả lâu năm.
Mặc dù chưa hề đọc những bài như là x điều phải làm, y điều nên tránh, ông ta vẫn có thể có tuồi già tiện nghi. Tất cả những gì ông làm đều từ sự hiểu biết của riêng ông.
Không ly hôn
Jim và Eileen lớn tuổi hơn chúng ta. Trong suốt cuộc đời, họ đã thấy nhiều người bạn của họ mất hết tất cả vì ly hôn. Khi chúng ta nói chuyện với hai bên sau khi ly hôn, cả hai đều nói là đã mất tất cả. Theo toán học thì không thể như vậy được, khi một bên mất tất cả thì bên kia phải nhận được hết, nhưng thực tế thì như vậy.
Khi ly hôn, cả hai bên đều tốn tiền thuê luật sư, phân chia tài sản. Điều này sẽ kéo lùi tình hình tài chính cá nhân lại. Không chỉ như vậy, vài năm trước và sau ly hôn, người ta khó có được những quyết định đúng và thường là dễ bị thiệt hại tài chính. Jim và Eileen sống với nhau lâu dài là một yếu tố quyết định giữ sự đều đặn tài chính.
Không đổi nhà
Nhà của họ đã được xây 30 năm trước, và không bao giờ họ mang thêm nợ vì nhà cửa. Họ trả góp cho hết căn nhà. Khi đã trả dứt, họ có gắn thêm bồn tắm mát-xa, nhưng cái đó được trả ngay bằng tiền tiết kiệm, không nợ.
Rất ít dịch vụ nào tốn phí cao như dịch vụ mua bán nhà. Tiền môi giới, tiền dọn nhà, tiền trang trí nhà mới…
Những định luật
Mặc dù Jim chưa bao giờ đọc sách về tài chính, ông ta có những định luật mà chúng ta vẫn được nghe hoài:
- Luôn luôn tiêu ít hơn số tiền kiếm được
- Luôn luôn có quỹ dự phòng khẩn cấp
- Tránh xa nợ
Chúng tôi đồng ý với nhau rằng: nợ chỉ là sự thiếu kiên nhẫn thể hiện ra thành tiền. Nếu chúng ta mua trả góp thứ gì đó và nói là ta có thể trả hết sau x tháng. Vậy thì nếu chúng ta tiết kiệm x tháng, chúng ta sẽ mua được món đó mà không nợ. Do đó việc mua trả góp là đổi ngày mua, mua ngay thay vì mua sau. Dời ngày mua lên, bạn phải trả nhiều tiền hơn (trả lãi) và tăng nguy cơ trở nên mất khả năng chi trả.
Ông bà sống rất thanh đạm. Hàng ngày họ đi lại bằng hai chiếc xe cũ hơn 10 năm, lúc họ mua cũng là xe đã dùng. Ga-ra xe của họ có một chiếc xe thể thao Corvette, nhưng họ chỉ lái vài lần trong năm. Đó là một sự nuông chiều bản thân lúc về già, và ông ta cũng mua xe đã dùng, trả ngay hết tiền. Ông ta tự cắt cỏ vườn, tự sửa chữa những hư hỏng trong nhà. Họ ít khi ăn tiệm.
Luôn luôn đầu tư
Jim không phải là nhà đầu tư lớn nhất thế giới, nhưng từ thời trẻ ông đã đem tiền tiết kiệm đi đầu tư. Ông không dùng các chính sách miễn giảm thuế như IRA, 401(k). Ông chỉ làm đơn giản theo cách cũ, mua cổ phiếu và đơn vị quỹ đầu tư đều đặn. Qua năm tháng, ông đã thử đủ cách, có tư vấn hoặc không tư vấn, với cổ phiếu, với công ty quản lý quỹ đầu tư, với quỹ index, theo một số trào lưu rồi lại không theo. Một số khoản đầu tư của ông có kết quả tốt, một số thì không. Nhưng nếu đã làm một cách đều đặn và đúng mức thì kết quả sẽ đến. Thứ duy nhất mà ông không đầu tư là mua nhà cho thuê (vì ông đã thấy ngán giao dịch với người.)
Khi tôi hỏi ông “điều gì làm cho việc đầu tư thành công”, ông trả lời ngay không cần suy nghĩ “Hãy cứ làm đều đặn, dù cho việc gì xảy ra” Lợi nhuận từ đầu tư của ông không xuất sắc và được nhiều như nhiều người vẫn có thể làm được. Ông ta chỉ đơn giản là đầu tư dài hạn, không bao giờ bỏ cuộc ngay cả khi thị trường không tốt. Và ông ta không bao giờ rút tiền ra.
Ông kết luận “Không thay đổi là nguyên nhân chính để chúng tôi không phải lo lắng về tuổi già” Người ta thường bị bao vây bởi suy nghĩ rằng thay đổi sẽ làm họ hạnh phúc hơn. Nhưng họ không thấy rằng không thay đổi cũng đem lại hạnh phúc, mặc dù trễ hơn.
Đó chính là điều mà bạn không thấy trong các danh sách những việc nên làm hoặc không nên làm.
Tất nhiên là không phải ai cũng làm được như ông nhưng tôi rất ấn tượng với ý nghĩ rằng không phải quyết định nào cũng chỉ đúng hoặc sai, và chúng ta thường bỏ sót những phí tổn mà sự thay đổi gây ra vì những phí tổn đó không rõ ràng.
Ở Việt Nam cũng đã có những công cụ đầu tư hiện đại được nêu lên trong bài này:
- Quỹ đầu tư: rất đơn giản và dễ dàng để đầu tư vào đây
- Quỹ hưu trí tự nguyện: để người trả lương thưởng thêm cho người nhận lương, tương tự 401(k) ở Mỹ
* Tìm hiểu về quỹ đầu tư
* Quỹ hưu trí tự nguyện bổ sung cho bảo hiểm xã hội
* Những câu chuyện khác
Mọi ý kiến thảo luận xin ghi vào các trang: Twitter hoặc Facebook