Chi-phí chạy xe-hai-bánh
Xe-gắn-máy-xăng
Hiện-nay, xe-gắn-máy-xăng chiếm đa-số xe cá-nhân ở Việt-Nam. Có nhiều hãng làm ra rất nhiều kiểu xe-gắn-máy-xăng.
Có nhiều cỡ động-cơ:
- thông-dụng nhất là cỡ 97 cm³ mà thường được gọi là 100 phân-khối,
- các xe mắc tiền hơn một chút thì gắn động-cơ 125 phân-khối,
- xe từ 175 phân-khối thì hiếm hơn vì cần bằng-lái hạng A2,
- xe dưới 50 phân-khối thì không cần bằng-lái.
Động-cơ-xăng quay từ vài chục đến hàng trăm vòng mỗi giây, trong khi bánh-xe chỉ lăn vài chục vòng mỗi giây; và để tối-ưu hiệu-suất của động cơ thì tỷ-số giữa vận-tốc-góc giữa hai bên cần thay-đổi theo tình-trạng xe di-chuyển: khi cần lực-kéo lớn khác với khi cần lực-kéo nhỏ. Khi xe tăng-tốc thì cần lực-kéo lớn. Khi xe đã đạt đến vận-tốc ổn-định thì chỉ cần lực-kéo nhỏ để vượt qua lực-ma-sát với mặt-đường và lực-cản của không-khí. Vì-vậy động-cơ truyền lực-kéo đến bánh-xe qua một cơ-cấu truyền-động có tỷ-số-truyền thay-đổi được. Hai loại cơ-cấu truyền-động thường gặp ở xe-gắn-máy-xăng là:
- 1. dùng hộp-số và dây sên
- trong hộp-số có vài cặp-bánh-răng, mỗi cặp có một tỷ-số-truyền khác nhau. Mỗi khi đạp cần-số thì hộp-số đổi sang cặp-bánh-răng khác, tỷ-số-truyền thay-đổi. Bảng dưới đây cho biết vận-tốc thích-hợp với các số.
Số Vận-tốc (Km/giờ) 1 0-20 2 15-35 3 25-45 4 30-60 - 2. dùng dây-đai—cu-roa hình chữ V và cặp bánh-đai—pulley có đường-kính thay-đổi được
- mỗi pulley gồm hai hình-nón ghép lại, đáy hình-nón hướng ra ngoài; khi vận-tốc góc của động-cơ và bánh-xe thay-đổi, khoảng-cách giữa hai hình-nón thay-đổi làm cho đường-kính rãnh ở giữa pulley thay-đổi làm cho tỷ-số-truyền thay-đổi liên-tục, gọi là truyền-động vô-cấp.
Các hạng xăng
Xăng được phân-hạng theo chỉ-số octan—độ-chịu-nén của xăng. Có hai cách đo chỉ-số octan:
- RON
- Research Octane Number, đo trong điều-kiện được kiểm-soát
- MON
- Motor Octane Number, đo trong điều-kiện khó hơn RON
Cùng một mẫu xăng thì MON sẽ thấp hơn RON khoảng 8-12 đơn-vị. Việt-Nam và đa-số các nước trên thế-giới dùng RON. Một vài nước như Mỹ, Canada, Brazil dùng (R + M)/2. Ở Việt-Nam hiện-nay có ba hạng xăng là RON 92, RON 95, và RON 97.
Động-cơ đời mới có tỷ-số-nén cao, hiệu-suất cao cần dùng xăng có chỉ-số octan cao. Theo hướng-dẫn của hãng xăng BP thì RON 90 hợp với tỷ-số-nén 9-10, RON 92 hợp với tỷ-số-nén 10-11, RON 95 hợp với tỷ-số-nén 11-12.
Tuy-nhiên, sau khi dùng ba hạng xăng ở Việt-Nam cho xe Astrea, tỷ-số-nén 8,8 tôi thấy xăng RON 97 là hợp nhất. Dưới-đây là các con-số được ghi lại sau khi chạy ít-nhất 1.000 Km với mỗi hạng xăng.
RON | Mỗi lít xăng đi được (Km) | Nhiều hơn hạng RON dưới |
---|---|---|
97 | 64 | 12,2% |
95 | 57 | 5,5% |
92 | 54 |
Như-vậy dùng xăng RON 97 ít hại môi-trường hơn vì tốn ít xăng hơn. Một lợi-ích nữa là động-cơ êm hơn khi dùng xăng RON 97. Nếu giá xăng RON 97 không đắt hơn 12,2% so với xăng RON 95 thì dùng xăng RON 97 tiết-kiệm hơn.
Chi-phí dùng xe
Ngoài tiền xăng, chi-phí dùng xe còn có tiền khấu-hao xe, tiền bảo-trì xe, gồm có thay nhớt máy, thay phụ-tùng bị hao-mòn, làm vệ-sinh máy và chỉnh máy. Tất-cả các khoản đó đều tỷ-lệ với quãng-đường xe chạy. Riêng tiền khấu-hao xe thì tỷ-lệ-nghịch với tuổi-thọ của xe vì xe luôn-luôn bị giảm giá theo thời-gian dù có chạy hay không.
Giả-sử khấu-hao xe trong 10 năm và trung-bình mỗi-tháng chạy 1.000 Km thì chi-phí ít nhất 1.000 đồng mỗi kilomet, trong đó tiền khấu-hao xe ít hơn một nửa.
Xe-gắn-máy-điện
Cấu-tạo xe-gắn-máy-điện đơn-giản hơn xe-gắn-máy-xăng rất nhiều. Động-cơ-xăng và bộ-truyền-động với hàng trăm chi-tiết, trong-đó có nhiều chi-tiết liên-tục cọ-xát với nhau khi hoạt-động, được thay thế bằng một khối động-cơ-điện không có các bộ-phận cọ-xát với nhau. Động-cơ-điện thường được gắn ngay vào trục bánh-xe, một vài kiểu xe gắn động-cơ trên khung-xe và dùng dây cu-roa để truyền chuyển-động đến trục bánh-xe. Động-cơ-điện là loại động-cơ-điện-một-chiều không chổi-than (BLDC) hoặc động-cơ-điện-xoay-chiều ba-pha có hiệu-suất cao. Động-cơ-điện không có những bộ-phận cọ-xát vào nhau nên không hao-mòn. Nếu được dùng thường-xuyên và đúng cách, động-cơ-điện dùng được vài chục năm không cần sửa-chữa. Hiệu-suất chuyển-đổi năng-lượng ở động-cơ-điện cao hơn động-cơ-xăng vài lần.
Xe-gắn-máy-điện không cần cơ-cấu truyền-động thay-đổi tỷ-số-truyền như xe-gắn-máy-xăng. Bộ-phận điều-khiển—bộ-điều-tốc tạo ra điện ba-pha từ điện-một-chiều của pin lithium hoặc ắc-quy chì. Khi người-lái điều-khiển tay-ga, bộ-điều-tốc thay đổi vận-tốc trung-bình của xe bằng cách cấp điện gián-đoạn (PWM—Pulse Width Modulation) cho động-cơ quay và nghỉ xen kẽ, vận-tốc thay-đổi theo tỷ-lệ giữa thời-gian quay và thời-gian nghỉ. Một số bộ-điều-tốc đặt ra nhiều ngưỡng công-suất động-cơ, tuỳ-theo tình-trạng giao-thông mà người-lái chọn ngưỡng thích-hợp. Các hãng-xe thường gọi đó là chế-độ eco—chậm và chế-độ sport—nhanh. Do đặc-tính của pin/ắc-quy, tổng-điện-năng phát ra sẽ ít hơn khi dòng-điện lớn hơn nên ở chế-độ chạy nhanh thì tổng-quãng-đường xe đi được ngắn hơn, vì-vậy chế-độ chạy chậm được gọi là eco—kinh-tế.
Người-lái vặn tay-ga để thay-đổi công-suất của động-cơ, vận-tốc xe chịu ảnh-hưởng của tình-trạng tải của xe và độ-dốc của đường. Tải-nặng hoặc đường dốc lên sẽ tăng lực-cản lên xe, động-cơ quay chậm hơn, người-lái phải vặn tay-ga nhiều hơn, tăng công-suất, cường-độ dòng-điện trung-bình chạy qua động-cơ sẽ tăng theo. Cường-độ dòng-điện tăng lên sẽ làm điện-thế của pin/ắc-quy giảm xuống. Khi pin/ắc-quy sắp cạn thì điện-thế giảm rất nhanh, xe chạy chậm lại; khi đó không nên vặn ga lớn. Khi vặn tay-ga đến một mức nào-đó, vận-tốc xe tăng dần lên, đồng-thời dòng-điện giảm dần. Ở những xe-gắn-máy-điện đơn-giản thì đèn báo mức năng-lượng còn lại trên mặt-đồng-hồ thường là báo điện-thế của pin/ắc-quy. Do điện-trở-trong của pin/ắc-quy, điện-thế của nó thay-đổi theo dòng-điện, cho nên đèn báo giảm rồi tăng khi vặn tay-ga.
Phần mau hư nhất ở xe-gắn-máy-điện là bộ pin/ắc-quy. Bộ pin/ắc-quy này gồm nhiều đơn-vị mắc nối-tiếp (và song-song) lại để có điện-thế khoảng 60-72 Volt và dung-lượng 20-32 Ampere-hour—Ah. Pin lithium thường gọn-nhẹ hơn và được đóng-gói trong một hộp dễ tháo ra khỏi xe. Bình ắc-quy chì thì lớn và nặng nên được gắn cố-định trong xe. Vì-vậy bình ắc-quy chì được tính vào giá bán xe, còn pin lithium thì có-thể được bán hoặc cho thuê ngoài giá xe.
Bộ pin/ắc-quy này sẽ hư dần sau mỗi lần sạc điện, lượng điện giữ được giảm dần. Khi lượng điện giảm quá nhiều thì phải thay nguyên bộ. Trong trường-hợp thuê pin lithium thì chủ-xe chỉ cần đổi một hộp pin khác tại nơi bán xe, các trường-hợp mua bộ pin/ắc-quy thì phải bỏ tiền mua bộ mới. Bộ bình ắc-quy chì hư được mua lại để tái-chế nên chi-phí đổi bình ắc-quy thấp hơn giá mua.
Như-vậy chi phí dùng xe-gắn-máy-điện gồm có tiền khấu-hao xe, tiền thuê/mua bộ pin/ắc-quy, tiền điện; không có tiền thay nhớt, không có các chi-tiết bị hao-mòn như dây-sên, cam, cò, pistol… Tổng chi-phí thấp hơn vài chục phần-trăm so với xe-gắn-máy-xăng; chi-phí cho xe dùng bình ắc-quy chì thấp hơn xe dùng pin lithium. Hiện-nay hãng xe Selex đang cho thuê pin lithium với giá rẻ hơn tiền đổ xăng.
Khi pin cạn, xe dùng pin lithium có-thể đổi pin tại các trạm-đổi-pin của hãng-xe đặt ở nhiều nơi. Chi-phí đổi pin sẽ cao hơn tiền điện, đổi lại thì tiện-lợi vì không phải chờ.
Cảm-giác khi chạy xe-gắn-máy-điện rất khác xe-gắn-máy-xăng
Khi người-lái giảm ga xe-gắn-máy-xăng, lượng xăng bị hút vào động-cơ giảm, động-cơ nổ yếu hơn và chậm hơn. Do động-cơ được liên-kết với bánh-xe qua cơ-cấu truyền-động nên bánh-xe lăn chậm lại. Khi-đó động-cơ vẫn nổ, vẫn tiêu-thụ nhiên-liệu.
Khi người-lái giảm ga xe-gắn-máy-điện, động-cơ điện quay chậm hơn vận-tốc xe nên sẽ quay không tải, tiêu-thụ rất ít hoặc không tiêu-thụ điện nữa. Động-cơ điện quay không tải
tạo ra lực-cản không-đáng-kể trên trục-bánh-xe nên bánh-xe lăn theo quán-tính mà xe không chậm lại rõ như xe-gắn-máy-xăng (giống như khi ta quay cánh-quạt của quạt-điện đang tắt, cánh-quạt quay rất nhẹ). Cảm-giác đó rất giống như khi đang đi xe-đạp mà ngừng đạp, bánh-xe lăn theo quán-tính với rất ít lực-cản. Tôi đã chạy một chiếc-xe-gắn-máy-điện ở 35 Km/giờ rồi giảm tay-ga về zero, xe lăn bánh tiếp 250 mét mới ngừng.
Vì-vậy, khi đi xe-gắn-máy-điện phải chú-ý quan-sát phía trước để giảm ga từ xa hơn so với xe-gắn-máy-xăng.
Một số xe-gắn-máy-điện có thêm tính-năng tái-sinh điện-năng khi thắng xe (regenerative braking) ở bộ-điều-tốc. Với tính-năng đó, khi giảm ga thì bộ-điều-tốc không cấp điện cho động-cơ mà ngược-lại động-cơ còn sinh ra điện do bánh-xe đang quay; bộ-điều-tốc dùng điện đó sạc trở lại vào pin/ắc-quy. Lượng điện mà pin/ắc-quy nhận được không đắng-kể nhưng việc lấy điện đó tạo ra lực-cản trên động-cơ làm cho xe giảm tốc-độ rõ hơn, cảm-giác lái xe gần giống xe-gắn-máy-xăng hơn. Hiện-nay, tính-năng này chỉ có ở các xe của Dat Bike. Hầu-hết các xe-hơi-điện đều có tính-năng này. Nói thêm cho rõ rằng khi quay tất-cả động-cơ điện ba pha, BLDC và DC mà không cấp điện cho nó thì nó đều sinh ra sức-điện-động đo bằng Volt, nhưng nếu không lấy điện đó dùng thì không có lực-cản trên động-cơ.
Xe-đạp-điện
Xe-đạp-điện là xe-đạp nhưng có thêm động-cơ-điện gắn ở trục bánh-sau hoặc trục bánh-trước hoặc trục giò-dĩa, và pin/ắc-quy như xe-gắn-máy-điện. Xe-đạp-điện cũng đạp được như xe-đạp, nhưng tuỳ theo cỡ bánh-xe mà việc đạp có tiện hay không. Những xe-đạp-điện có cỡ bánh nhỏ sẽ chạy rất chậm khi đạp. Công-dụng chính của bàn-đạp ở xe-đạp-điện bánh nhỏ là để tạo tốc-độ ban-đầu cho xe, giúp cho động-cơ khởi-động dễ hơn. Xe-đạp-điện nhẹ hơn xe-gắn-máy-điện do khung-xe và bánh-xe nhỏ hơn. Do xe nhẹ hơn nên dung-lượng pin/ắc-quy cũng nhỏ hơn. Bộ pin/ắc-quy ở xe-đạp-điện thường có khoảng 24-36 Volt và 10-13 Ah.
Loại xe-đạp-điện trợ-lực thì tiện để đạp vì có cỡ bánh lớn. Loại xe này có bộ-phận cảm-biến-nhịp ở gần đầu bên trái trục đĩa. Mỗi khi giò-đạp quét ngang bộ-phận cảm-biến-nhịp, bộ-phận đó báo cho bộ-điều-tốc biết, và động-cơ sẽ quay phụ với người đạp. Mỗi lần người đạp một vòng thì động-cơ quay theo tỷ-lệ PWM chứ không quay liên-tục, đạp nhanh thì động-cơ quay nhiều, đạp chậm thì động-cơ quay ít, ngừng đạp thì động-cơ ngừng quay, đạp chậm hơn một mức nào đó thì động-cơ cũng không quay.
Xe-đạp-điện trợ-lực cũng có-thể chạy được mà không cần đạp, bằng cách vặn ga như xe-gắn-máy-điện. Theo quy-định của Liên-minh Âu-chau thì xe đạp-điện-không được có tay-ga và tốc-độ tối-đa là 25 Km/giờ; nếu có tay-ga hoặc tốc-độ tối-đa hơn 25 Km/giờ thì xếp vào loại xe moped, phải gắn bảng-số.
Loại xe-đạp-điện trợ-lực gắn động-cơ ở trục giò-dĩa thì không dùng cảm-biến-nhịp mà dùng cảm-biến moment-xoắn trên trục giò-dĩa. Bộ-điều-tốc sẽ cấp điện cho động-cơ vừa đủ để giảm lực-cản ở bàn-đạp, vì-vậy cảm-giác khi đạp xe đều hơn không bị giựt-cục. Loại xe này đắt tiền hơn loại trên và thường không có tay-ga.
Xe-đạp-điện trợ-lực Wiibike
Sau-đây là nhận-xét của tôi về xe-đạp-điện trợ-lực Chevélo Eiffel 36V do Wiibike ráp. Wiibike chuyên ráp thêm phần điện cho các xe-đạp có sẵn để dùng được như xe-đạp-điện trợ-lực.
Xe này là loại xe-đạp đường-dài—touring bike, bộ-truyền-động có ba cỡ đĩa và bảy cỡ líp để thay-đổi tỷ-số-truyền vận-tốc đạp của người đến vận-tốc quay của bánh-xe từ một đến bốn lần. Tay-đề bên trái chọn cỡ đĩa từ 1 đến 3 ứng với các đĩa từ nhỏ đến lớn. Tay-đề bên phải chọn cỡ líp từ 1 đến 7 ứng với các líp từ lớn đến nhỏ. Các số này càng lớn thì lực-cản ở bàn-đạp càng lớn. Thay-đổi cỡ đĩa có tác-dụng lớn hơn thay-đổi cỡ líp.
Phần điện do Wiibike ráp thêm gồm có động-cơ-điện 350 Watt, pin lithium 36 Volt 13 Ah và bộ-điều-tốc ở khung-xe, bảng-điều-khiển ở tay-lái bên trái, tay-ga ở tay-lái bên phải, và đèn.
Bộ-pin nặng 3,4 Kg, có-thể tháo rời khỏi xe (sau khi dùng chìa-khoá mở khoá). Trên bộ-pin có công-tắc để cấp điện cho bộ-điều-tốc. Qua bảng-điều-khiển, người-lái có-thể chọn không dùng động-cơ (số 0), hoặc năm ngưỡng công-suất (số 1 đến 5) tương-ứng với các ngưỡng vận-tốc 10/20/30/40/50 Km/giờ. Bảng-điều-khiển chỉ hiện vận-tốc của xe khi động-cơ hoạt-động, khi bánh-xe lăn theo quán-tính thì bảng-điều-khiển báo vận-tốc là zero.
Khi không dùng động-cơ thì dùng xe như xe-đạp thường, chọn cỡ đĩa và cỡ líp thích-hợp với sức-khoẻ và tình-trạng đường.
Bộ-điều-tốc ưu-tiên cho cách vặn ga: khi vặn ga thì cảm-biến-nhịp không có tác-dụng. Sau hơn một năm chạy xe này với cảm-biến-nhịp, tôi tắt cảm-biến-nhịp và đổi sang dùng tay-ga. Thay-đổi công-suất động-cơ qua tay-ga thì liên-tục hơn qua cảm-biến-nhịp nên tiện hơn khi đi trong thành-phố đông xe.
Công-suất trung-bình của người khoảng 100 Watt, công-suất tối-đa của động-cơ là 350 Watt. Tuỳ-theo lượng tải trên xe và tình-trạng đường mà người-lái sẽ chọn ngưỡng công-suất để tổng công-suất đem lại vận-tốc mong-muốn. Để dùng xe thoải-mái thì người-lái nên chọn một bộ ba thông-số thích-hợp: cỡ đĩa, cỡ líp và ngưỡng công-suất. Bộ ba thông-số đó cần phải thay-đổi theo tình-trạng đường. Khi đạp-xe trợ-lực, vận-tốc xe thường cao hơn khi chỉ vặn tay-ga ở cùng ngưỡng công-suất nhờ có sức người cộng với sức động-cơ.
Ngoài ra, xe này có kiểu đi dạo: không cần vặn ga cũng không cần đạp, động-cơ kéo xe đi đều ở vận-tốc khoảng 8 Km/giờ.
Để chọn kiểu này thì chọn số 0 cho động-cơ, rồi giữ nút ⊖ khoảng ba giây, bên-cạnh số 0 sẽ hiện lên hình người đi bộ.
Để ngừng đi dạo thì giữ nút ⊖ khoảng ba giây, hình người đi bộ sẽ biến mất.
Còn một kiểu để không cần vặn ga cũng không cần đạp, động-cơ kéo xe đi đều là cruise control. Động-cơ được cấp điện theo tỷ-lệ PWM tương-ứng với một vận-tốc do người-lái chọn.
Một-vài kinh-nghiệm chạy xe có trợ-lực:
- Thường-xuyên tăng-giảm ngưỡng công-suất
- Tuỳ theo tình-hình giao-thông trước mặt. Đường đông thì chọn ngưỡng công-suất thấp, đường vắng thì chọn ngưỡng công-suất cao.
- Xe bắt-đầu lăn bánh
- Chọn số đĩa và số líp thấp để lực-đạp xe nhỏ, hoặc chọn số 2 cho động cơ và vặn tay-ga chậm để xe bắt-đầu lăn bánh. Khi ở trong đám đông xe thì đừng chọn cách trợ-lực qua cảm-biến-nhịp và ngưỡng công-suất lớn vì xe sẽ chạy giựt-cục, rất không an-toàn.
- Đường đông trong nội-thành
- Nên chọn số 1 hoặc 2 cho động-cơ, và chọn số nhỏ ở tay-đề đĩa/líp. Nếu đường rất đông thì chỉ nên chọn số 1.
- Xe chạy đều trên đường vắng
- Xe đang chạy đều trên đường bằng phẳng thì lực-cản của không-khí và lực-ma-sát trên mặt-đường rất nhỏ. Chọn số ở hai tay-đề sao cho lực-cản ở bàn-đạp vừa phải thì động-cơ rất ít hao điện vì sức người đủ để thắng lại lực-cản.
- Xe đang chạy đều nhưng lực-cản ở bàn-đạp quá nhỏ
- Do chọn ngưỡng công-suất lớn, công-suất động-cơ đủ để xe chạy nhanh hơn vận-tốc đạp nên không còn lực-cản ở bàn-đạp, cần phải tăng số ở tay-đề đĩa/líp.
- Xe đang chạy đều nhưng lực-cản ở bàn-đạp quá lớn
- Chọn ngưỡng công-suất lớn hơn (sẽ làm tăng vận-tốc xe), hoặc giảm số ở tay-đề đĩa/líp.
Có-thể nói chạy xe-đạp-điện trợ-lực mà tận-dụng hết các khả-năng của nó thì rắc-rối hơn chạy xe-tay-ga nhiều: ngoài việc vặn tay-ga còn phải liên-tục thay-đổi đĩa, líp, ngưỡng công-suất. Tất-nhiên là cũng có-thể chỉ dùng theo cách đơn-giản là chỉ vặn tay-ga, như-vậy thì lãng-phí khả-năng trợ-lực.
Một-vài số-đo sau nhiều lần chạy xe:
- Chạy xe nhiều lộ-trình theo kiểu trợ-lực với động-cơ ở số 1, tổng quãng-đường khoảng 100 Km, đèn LED báo pin còn 3/4, sạc lại đến đầy pin hết 0,26 KWh điện, khoảng 860 đồng.
- Chạy xe nhiều lộ-trình theo kiểu trợ-lực với động-cơ ở số 2, tổng quãng-đường khoảng 87 Km, đèn LED báo pin còn 2/4, sạc lại đến đầy pin hết 0,38 KWh điện, khoảng 1.250 đồng.
- Chạy xe nhiều lộ-trình theo kiểu trợ-lực, tổng quãng-đường khoảng 225 Km, điện-thế pin giảm từ 42 Volt xuống 33 Volt, sạc lại đến đầy pin hết 0,6 KWh điện, khoảng 2.000 đồng.
Chi-phí dùng xe-đạp-điện thấp hơn xe-gắn-máy-điện, nhưng sức-chở kém hơn. Xe-đạp-điện trợ-lực thích-hợp để đi-lại một-mình và không đem theo nhiều đồ-dùng, có ích cho sức-khoẻ hơn xe-gắn-máy.
So-sánh xe-đạp-điện có và không có cảm-biến-nhịp
Không có cảm-biến-nhịp thì người-đạp phải vặn ga để điều-khiển động-cơ, mức vặn nhiều hay ít tuỳ-theo vận-tốc mong-muốn và sức-đạp, cần phải phối-hợp tay và chân suốt chuyến-đi. Nếu vặn ga nhiều quá thì không cần sức-đạp của người.
Có cảm-biến-nhịp thì người-đạp không cần vặn ga nhưng cần chọn tỷ-số-truyền (tay-đề) thích-hợp với ngưỡng công-suất.
Như-vậy xe chỉ có một cỡ đĩa và líp thì cũng không cần có cảm-biến-nhịp, vì có cảm-biến-nhịp mà không thể thay đổi tỷ-số-truyền thì khó phân-chia sức-đạp của người với động-cơ. Và ngược-lại xe có nhiều tỷ-số-truyền mà không có cảm-biến-nhịp thì phải liên-tục tăng-giảm-ga để phối-hợp với sức-đạp, và chọn tỷ-số-truyền theo vận-tốc mong-muốn.
Ví-dụ cụ-thể:
Xe có đường-kính bánh-xe 700 mm, ba cỡ đĩa từ 28 đến 48 răng, bảy cỡ líp từ 12 đến đến 28 răng, ở nhịp đạp 50 vòng mỗi phút (tương-đương nhịp bước thong-thả 100 bước chân mỗi phút) thì vận-tốc lớn nhất của xe là (48 / 12) * 0,7 * 3,14 * 50 * 60 = 26.376 mét/giờ. Nếu đạp gấp đến 70 vòng mỗi phút thì vận-tốc xe gần 37 Km/giờ. Ở mỗi tỷ-số-truyền từ đĩa sang líp, người-lái chọn một ngưỡng công-suất thích-hợp sao cho lực-cản ở bàn-đạp và nhịp đạp vừa sức.
Xe có đường-kính bánh-xe 700 mm, một cỡ đĩa 33 răng, một cỡ líp từ 16 răng, ở nhịp đạp 50 vòng mỗi phút thì vận-tốc của xe là (33 / 16) * 0,7 * 3,14 * 50 * 60 = 13.600 mét/giờ. Nếu đạp gấp đến 70 vòng mỗi phút thì vận-tốc xe khoảng 19 Km/giờ. Do không thay-đổi tỷ-số-truyền được nên phải vặn ga để chọn công-suất thích-hợp sao cho lực-cản ở bàn-đạp và nhịp đạp vừa sức. Nhưng người-đạp sẽ khó đạp nhanh để đi nhanh hơn 19 Km/giờ; khi đi nhanh như-vậy hầu-như xe chỉ dùng sức động-cơ.