Ứng dụng Google Maps
Google là một đại công ty rất giỏi trong việc kiếm tiền bằng cách dùng công sức miễn phí của hàng tỷ người trên thế giới. Google chỉ cần tạo ra công cụ, hàng tỷ người dùng công cụ đó tạo ra tài nguyên (data) cho Google khai thác ra tiền.
Google Maps
Google Maps là một trong những công cụ như vậy. Tôi đã từng thuộc vào nhóm người tạo ra nhiều data cho Google Maps ở Saigon, và Google còn gửi giấy khen cho tôi nữa.
Khoảng 9-10 năm trước, Google Maps cho người dùng vẽ đường, đánh dấu các điểm công cộng, doanh nghiệp vào bản đồ. Khi data đã tương đối đủ, nhiều người thường xuyên dùng Google Maps hơn là đã đến lúc Google kiếm tiền và cũng là lúc có nhiều người lạm dụng Google Maps bằng cách đánh dấu doanh nghiệp của họ khắp những chỗ đông người (trong Google Maps) để cho nhiều người thấy tên doanh nghiệp. Google biết những việc lạm dụng đó nhưng họ không có cách hữu hiệu để ngăn chặn, việc ngăn chặn chỉ đến từ những người ở không làm chuyện bao đồng như tôi đi xoá rác trong Google Maps. Nhưng số người như tôi thì quá ít so với số người lạm dụng nên data trong Google Maps trở nên kém tin cậy. Gần một năm nay, có một sự thay đổi chính sách gì đó trong Google làm cho những người thường xoá rác bị trói tay, không xoá được nữa, tình hình càng tệ hại hơn.
Dùng Google Maps để tìm đường đi
Bây giờ chỉ còn một loại thông tin tương đối đúng trong Google Maps là thông tin giao thông dùng để tìm đường đi. Người ta có thể dùng app Google Maps trong smartphone để tìm đường đi từ A đến B bằng các phương tiện: hai cẳng, hai bánh, bốn bánh, sáu bánh (xe buýt), hoặc gọi Grab. Nếu điểm A và B được định vị chính xác thì Google Maps đề nghị lộ trình ngắn nhất, nếu lúc đó Google Maps có nối đến server qua Internet thì nó sẽ biết được tình trạng lưu thông tức thời và tìm ra đường đi nhanh nhất. Có rất nhiều app trên smartphone dùng data của Google Maps để hoạt động.
Không những chỉ đường trên màn hình, app Google Maps trong smartphone còn chỉ đường bằng tiếng nói. Ta chỉ cần đeo headphone vào tai, bỏ smartphone trong túi, Google Maps sẽ nói đi thẳng, sắp quẹo, quẹo ngay… Tôi rất thường dùng Google Maps theo cách này khi sắp đi đến chỗ lạ.
Cần đánh dấu địa điểm chính xác
Tuy nhiên, nếu người dùng chỉ có địa chỉ và không biết chính xác vị trí điểm B thì rất dễ đi đến sai chỗ vì địa chỉ ở Việt Nam rất rối. Trường hợp người ta đặt xe Grab đến điểm B theo địa chỉ có thể dẫn đến những tình huống phiền phức: người đặt xe và người lái xe Grab không cùng nghĩ giống nhau.
Cách tốt nhất để tránh bị dẫn đường sai là đánh dấu địa điểm chính xác những nơi cần đến trong Google Maps và để Google Maps chuyển địa điểm đó cho Grab. Có nhiều cách để đánh dấu địa điểm chính xác.
- Nếu điểm B là một nơi công cộng (trường học, cơ quan, bệnh viện…) và may mắn là địa điểm đã được đánh dấu đúng chỗ trong Google Maps, ta chỉ cần tìm theo tên của nơi đó là có toạ độ.
- Nếu điểm B là nơi ta thường đến (ví dụ nhà người thân, bạn…) và nhập địa chỉ nơi đó vào Google Contacts rồi thấy tên Contact đó xuất hiện đúng chỗ trong Google Maps thì đây là một trường hợp may mắn nữa. Để thấy những địa điểm như vậy trong Google Maps app, chúng ta chọn ☰ rồi chọn Your places sẽ thấy tương tự như hình trên. Từ đây về sau ta cứ gõ tên người đó trong Google Maps là có được toạ độ.
- Nếu điểm B là nơi ta thường đến và nhập địa chỉ nơi đó vào Google Contacts rồi nhưng thấy tên Contact đó xuất hiện không đúng chỗ trong Google Maps thì ta phải đánh dấu nhà đó bằng một label trong Google Maps và dùng label đó để có được toạ độ. Những label đã tạo ra cũng xuất hiện trong Your places trong Google Maps app.
- Nếu ta chưa bao giờ đến điểm B và cảm thấy nơi đó hơi rối thì nên nhờ một người đã biết rõ địa điểm đó gửi cho chúng ta toạ độ chính xác. Người đó chỉ cần chấm vào vị trí đó trong Google Maps (web hoặc app) hoặc chọn từ Your places, rồi chọn Share để gửi một link qua các phương tiện SMS, Hangouts, Messenger, Viber, email… Ta mở link đó bằng Google Maps app là có ngay toạ độ chính xác cần tới. Nhớ đặt label cho toạ độ đó để có thể dùng lại khi cần.
Chúng ta nên tập thói quen hỏi đường và chỉ đường bằng một link toạ độ như vậy, rất chính xác và tốn ít thời gian mô tả đường đi.
Một cách gửi toạ độ khác là dùng Plus codes. Google Maps cho biết phần local của Plus codes của từng địa điểm. Phần local Plus codes đó gồm bảy chữ và số hiện ra bên cạnh dấu hiệu Plus codes (năm chấm tròn xếp thành hình chữ thập). Gõ bảy chữ số đó vào Google Maps, địa điểm đó sẽ hiện ra trong bản đồ.
Mỗi Plus codes chỉ đến một khu vực khoảng 14m*14m. Việt Nam có ứng dụng Vpostcode, kéo dài Plus codes thêm một chữ để chỉ đến một khu vực 3m*3m.
Đặt xe Grab từ Google Maps
Khi đã có toạ độ B chính xác, ta để cho Google Maps app tìm đường đến B theo cách gọi Grab rồi chọn mở Grab từ Google Maps, Grab sẽ có thông tin chính xác của nơi cần đến. Tôi đã có lần ngồi ở C và đặt Grab cho người nhà đi từ A đến B một cách dễ dàng trong khi người nhà không biết địa chỉ B lẫn đường đi đến B. Một lần khác, tôi đi đến điểm hẹn gặp một người bạn bằng cách đeo headphone rồi nghe theo chỉ dẫn của Google Maps app đi đến địa điểm mà bạn đã gửi link cho tôi.
Dùng Google Maps để liên tục thông báo vị trí cho người khác
Có rất nhiều tình huống mà bạn cần biết người thân/quen của mình đang ở đâu ngay lúc này. Ví dụ như:
- người thân/quen đang đi đến gặp bạn, bạn muốn biết người đó đang đi đến đâu,
- một nhóm bạn hẹn gặp nhau ở chỗ lạ hoặc chỗ đông người, khó nhìn thấy nhau,
- cần biết vị trí của tất cả người thân trong gia đình.
Trong những tình huống đó, các bạn hãy dùng app Google Maps trong smartphone để Chia sẻ vị trí. Mỗi người cầm smartphone nối vào Internet qua sóng di động và chia sẻ vị trí của chính mình cho một vài người khác trong một vài giờ hoặc lâu dài. Cách chia sẻ:
- Mỗi người mở app Google Maps,
- chọn Chia sẻ vị trí từ ☰,
- chọn hình đầu người có dấu +,
- chọn khoảng thời gian chia sẻ,
- chọn người nhận thông báo vị trí,
- chọn cách gửi thông báo (SMS, Hangout, Messenger…),
- người được thông báo sẽ nhận được một URL, mở URL đó bằng app Google Maps hoặc web browser sẽ thấy tên người thông báo được đánh dấu trên bản đồ.
* Những kinh nghiệm khác