Giới-thiệu

Thân-thế
Thành-tích
Privacy Policy

Hữu-ích

Lập-kế-hoạch-tài-chính gia-đình

Đầu-tư-cổ-phiếu

Các loại bảo-hiểm

Câu-chuyện

Kinh-nghiệm

Máy-tính

Chữ-Việt

Linh tinh

Ý kiến

Danh mục

Download
Mục lục





Wi-Fi Roaming

Viết lần đầu trong Tháng Hai, 2020.

Roaming và di động

‘to roam’ nghĩa là đi lang thang, đi lang thang tức là phải di động.
Vì vậy khi bạn dùng thiết bị di động thì thiết bị đó phải được roaming. Bạn thường nghe đến dịch vụ ‘roaming quốc tế’ hay ‘chuyển vùng quốc tế’, đó là dịch vụ giúp bạn giữ liên lạc liên tục khi đi lang thang sang nước khác. Công ty cung cấp dịch vụ điện thoại di động cho bạn đã thoả thuận sẵn với các công ty cung cấp dịch vụ điện thoại di động ở các nước khác. Khi bạn đi lang thang đến nước đã có thoả thuận, máy điện thoại của bạn vẫn hoạt động như khi bạn đang ở Việt Nam. Dịch vụ roaming quốc tế đó khá đắt tiền nên giới bình dân thường giữ liên lạc theo những cách khác rẻ tiền hơn như là thuê máy phát Wi-Fi quốc tế (trên một trăm ngàn đồng mỗi ngày, nhóm vài người dùng chung thì rẻ), mua SIM du lịch tại nơi lang thang.

Vinaphone đã có các gói cước Roaming Data quốc tế giá rẻ Rx. Gói tiết kiệm nhất là R500: 500K đồng được dùng hai GB không giới hạn thời gian. Nếu dùng không quá nhiều data trong chuyến đi trên bốn ngày thì R500 rẻ hơn thuê Wi-Fi du lịch với giá 130K đồng mỗi ngày.
Giá cước Roaming Data U125/U350 và Asean của Viettel còn rẻ hơn Vinaphone nữa.

Nếu bạn thuộc giới bình dân mà dùng gói cước trả sau thì bạn hãy cẩn thận với cái điện thoại di động của mình khi đi lang thang sang nước khác, để khỏi bị xỉu khi nhận được giấy báo cước điện thoại khi hết tháng. Bạn cũng cần phải cẩn thận khi đi lang thang gần biên giới, lúc đó bạn biết rõ rằng mình chưa đặt chân sang nước khác nhưng cái điện thoại của bạn thì không biết như vậy.
Nếu bạn không lang thang sang nước khác thì điện thoại di động của bạn có cần roaming không? Nó vẫn cần roaming, nhờ roaming mà bạn dùng điện thoại di động được liên tục trên xe từ nhà đến văn phòng và ngược lại, dù cho xe chạy hay ngừng.
Một dịch vụ roaming khác của các công ty điện thoại di động mà bạn ít thấy là roaming giữa các công ty trong nước với nhau. Dịch vụ này gần giống với roaming quốc tế. Các công ty điện thoại di động trong nước hợp tác với nhau trong việc phục vụ khách hàng: khi khách hàng đi vào vùng không có sóng của công ty này sẽ được phục vụ bởi sóng của công ty khác. Hiện nay việc này ít xảy ra vì các công ty đều cố gắng phủ sóng rộng khắp.
Tóm lại là việc roaming dịch vụ di động diễn ra một cách hoàn toàn tự động mà người sử dụng không cần phải làm gì hết.

Khi bạn xuống xe đi vô nhà hay đi vô văn phòng thì thiết bị di động của bạn có còn cần roaming không?
Chúng nó vẫn cần roaming trong mạng Wi-Fi khi nhà bạn hoặc văn phòng có vài phòng hoặc vài tầng.

Wi-Fi roaming

Sóng vô tuyến sẽ bị cản lại ở các bức vách và sàn nhà. Sóng có bước sóng càng ngắn (tần số càng cao) thì càng bị cản nhiều. Vật cản càng đặc thì càng cản nhiều: sàn bê tông cản nhiều hơn sàn gỗ, tường gạch cản nhiều hơn vách thạch cao. Vì vậy bạn thường phải đặt nhiều hơn một máy phát sóng Wi-Fi (Wi-Fi Access Point) trong nhà hay trong văn phòng. Bạn phải đặt các Wi-Fi AP sao cho mọi chỗ trong toà nhà đều có sóng Wi-Fi, giống như các công ty điện thoại di động phủ sóng khắp cả nước.

Việc roaming sóng Wi-Fi có tự động hoàn toàn giống như roaming sóng điện thoại di động không?
hay Không tuỳ theo khả năng của các thiết bị Wi-Fi (máy di động và các máy AP lắp trong toà nhà). Máy càng mới và đắt tiền, có nhiều tính năng mới thì roaming càng dễ dàng và nhanh chóng.

Thiết bị mới

Nếu tất cả các thiết bị Wi-Fi có các tính năng mới như 802.11 v/r/k thì tất cả các Wi-Fi AP trong toà nhà được đặt cùng một tên (SSID), máy di động sẽ roaming từ Wi-Fi AP này sang Wi-Fi AP khác thật nhanh, không cần phải nhận diện lại ở Wi-Fi AP mới, không làm gián đoạn công việc.

Thiết bị cũ

Nếu bạn đang dùng các thiết bị Wi-Fi đã được sản xuất 5-10 năm trước mà xài hoài không hư giống như tôi thì các máy di động của bạn cũng có thể roaming trong mạng Wi-Fi được nhưng không nhanh như trường hợp trên. Trong trường hợp này, chúng ta lại chia ra hai cách làm.

Cách thứ nhất: tất cả các Wi-Fi AP trong toà nhà được đặt cùng một tên (SSID)

Ưu điểm của việc đặt cùng một tên cho tất cả Wi-Fi AP là việc cài đặt các thiết bị di động sẽ nhanh hơn. Nhược điểm của việc đặt cùng một tên cho tất cả Wi-Fi AP là người sử dụng thiết bị di động sẽ không thể biết được máy của mình đang nối vào Wi-Fi AP nào, không thể chọn Wi-Fi AP gần nhất. Muốn làm theo cách này thì các Wi-Fi AP phải có tính năng hỗ trợ roaming tức là chủ động ngắt kết nối với thiết bị di động khi thấy sóng của thiết bị đó (RSSI) giảm xuống dưới một ngưỡng chấp nhận được, thiết bị di động bị ngắt ra khỏi Wi-Fi AP sẽ tìm cách nối lại với Wi-Fi AP mạnh nhất tại nơi hiện tại. Nếu không có tính năng hỗ trợ roaming thì thiết bị di động cứ cố giữ liên lạc với Wi-Fi AP ở xa và không dùng Wi-Fi AP ở gần hơn. Một số thiết bị di động cũng có tính năng tương tự: khi sóng Wi-Fi thấp hơn một ngưỡng chấp nhận được thì thiết bị di động chủ động ngắt kết nối và tìm một Wi-Fi AP mạnh hơn.
Việc làm theo cách này không dễ: bạn phải chọn chỗ đặt các Wi-Fi AP sao cho tại mọi nơi cần có sóng đều có ít nhất một Wi-Fi AP phát sóng mạnh hơn ngưỡng chấp nhận được, nhưng mức sóng nhận được lại có thể thay đổi trên những thiết bị di động khác nhau. Để bớt phiền phức thì bạn nên làm theo cách thứ hai dưới đây, chỉ hơi mất công trong việc cài đặt ban đầu cho thiết bị di động nhưng đơn giản trong suốt thời gian sử dụng. Tính năng hỗ trợ roaming cũng có thể giúp ích cho người sử dụng khi bạn chọn làm theo cách thứ hai.

Cách thứ hai: đặt tên khác nhau cho các Wi-Fi AP trong toà nhà, trong tên có thành phần nói lên vị trí của Wi-Fi AP

Ưu điểm của việc đặt tên khác nhau là người sử dụng thiết bị di động có thể chủ động chọn Wi-Fi AP gần nhất, sóng mạnh nhất. Nhược điểm của việc đặt tên khác nhau là tốn nhiều công trong việc cài đặt ban đầu các thiết bị di động.
Khi roaming với các thiết bị cũ thì thiết bị di động ngắt kết nối với Wi-Fi AP đang nối và tìm một Wi-Fi AP gần đó để nối vào, phải trao đổi mật khẩu để được phép nối vào và phải xin lại địa chỉ IP mới. Việc này có thể làm gián đoạn một số hoạt động đang diễn ra ví dụ như cuộc nói chuyện qua Internet bị ngắt.

Nối các Wi-Fi AP

Nãy giờ chúng ta chưa bàn tới việc các Wi-Fi AP nối ra Internet bằng cách nào. Tất nhiên là tất cả các Wi-Fi AP phải nối với nhau trong cùng một mạng LAN và trong mạng LAN đó có một router nối với Internet. Nhưng các Wi-Fi AP được nối với nhau như thế nào? Nối qua dây Ethernet hay qua sóng Wi-Fi?

Nối các Wi-Fi AP với nhau qua dây Ethernet sẽ có các ưu điểm sau:

Tuy nhiên, có nhiều trường hợp chúng ta không thể nối dây Ethernet đến vị trí cần đặt Wi-Fi AP. Trong những trường hợp đó thì các Wi-Fi AP phải truyền thông tin với nhau qua sóng Wi-Fi và không có được hai ưu điểm trên.
Các Wi-Fi AP đời cũ nối với nhau qua sóng Wi-Fi theo cách WDS (Wireless Distribution System): sóng Wi-Fi từ một AP chính được các AP phụ nối dài thêm.
Các Wi-Fi AP đời mới nối với nhau qua sóng Wi-Fi theo cách mesh: các AP ở gần nhau tự động thiết lập mạng lưới truyền thông tin với nhau để thông tin được truyền ra Internet.

Các bài liên quan:
* Những kinh nghiệm khác

Trang-web này được áp-dụng Creative Commons Attribution-NonCommercial-NoDerivatives 4.0 International License. Bạn được phép chép lại trang-web này, với điều-kiện không được thay-đổi nội-dung và không dùng cho mục-đích thu-lợi và ghi rõ nguồn-gốc https://LeHBoi.github.io. Điều kiện trên cũng áp dụng với domain name trước đây của website này là LHBOI.NAME.VN.