RaspberryPi
Hệ thống giải trí nhạc và phim gia đình tôi vừa mới có thêm một thành phần. Đó là máy phát nhạc và phim được làm theo kiểu của người thích tự làm và tiết kiệm. Máy phát này được làm từ một cái máy tính nhỏ xíu là Raspberry Pi và phần mềm RaspBMC (dựa trên hệ điều hành Linux).
Trước khi dùng Raspberry Pi làm máy phát phim, tôi vẫn dùng máy tính để bàn với CPU AMD Phenom II X3 710 với chip màn hình ATI Radeon HD 3200 để xem phim HD. Tôi chú ý đến Raspberry Pi vì nó:
- nhỏ, ít hao điện,
- có chip màn hình giải nén phim HD,
- chạy được hệ điều hành Linux để có thể làm thêm một vài việc khác ngoài việc xem phim,
- tương đối rẻ tiền.
Theo các kết quả đo gián tiếp của tôi thì Raspberry Pi chỉ dùng khoảng ba Watt điện, so ra thì công suất tiêu thụ đó còn nhỏ hơn công suất máy AMD Phenom lúc ngủ.
Thật ngạc nhiên là chip màn hình của Raspberry Pi nhỏ xíu đó đủ sức giải nén và phát phim Blu-ray, có thể nói là Raspberry Pi phát phim HD tốt bằng hoặc hơn AMD Phenom!
Cũng có thể dùng RaspBMC để phát các nội dung từ Internet qua các protocol http, rtsp, mms…
Ngoài việc dùng Raspberry Pi để phát nhạc và phim, tôi còn bắt nó làm luôn việc chia sẻ phim qua torrent: chép phim về và để cho người khác chép lại. Do Raspberry Pi tốn ít điện, tôi có thể cho nó chạy suốt ngày, luôn luôn sẵn sàng cho mọi người chép phim từ máy của tôi. Raspberry Pi và một ổ cứng 3,5” chỉ tốn không tới chín Watt điện, ổ đĩa cứng này được đặt chế độ tự giảm tốc độ quay nếu quá ba phút không đọc/ghi, khi đó tiết kiệm được khoảng bốn Watt điện.
Nói thêm về hệ thống giải trí âm thanh+hình ảnh gia đình tôi: thành phần nặng ký nhất trong hệ thống là màn hình plasma Panasonic Full HD 42 inch, thành phần trung tâm là AV Receiver Onkyo TX-SR309. AV Receiver tiếp nhận nội dung từ ba nguồn HDMI là An Viên DTT set-top-box, máy tính để bàn, Raspberry Pi. AV Receiver Onkyo được nối với hai bộ loa: một bộ loa surround 5.1 và một bộ loa stereo. Bộ loa surround thì được đặt quanh chỗ ngồi xem TV. Bộ loa stereo thì được đặt trên gác để phát nhạc hoặc chương trình radio ra khắp nhà.
Trước đây, hệ thống giải trí âm thanh+hình ảnh gia đình tôi chỉ gồm máy AMD chạy Ubuntu, TV plasma và hai bộ loa stereo analog. Âm thanh surround được phần mềm mplayer giải nén và đưa ra:
- một bộ loa stereo 2.1 làm front left, front right và sub-woofer
- hai loa trong TV làm center
- một bộ loa stereo làm surround left và surround right
Trước khi gắn Raspberry Pi thì máy tính để bàn chạy Ubuntu Linux là nguồn phát phim với bốn ổ đĩa cứng SATA 3,5” có tổng dung lượng là 4,5 TB. Để nối các ổ đĩa cứng SATA với Raspberry Pi, tôi đã mua hai USB ⇔ SATA/PATA bridge DTech 8003A. Một bridge dùng để nối một ổ đĩa cứng 120GB vào Raspberry Pi thường trực, ổ đó dùng để chia sẻ phim qua torrent. Bridge thứ hai dùng để đọc phim từ một trong các ổ đĩa cứng chứa phim, xem phim xong thì tắt điện ổ cứng, cất vào ngăn kéo.
Dùng Raspberry Pi để xem phim có vài điều tiện hơn so với dùng máy tính để bàn:
- không cần dùng bàn phím và chuột, dùng ngay cái điều khiển từ xa của TV để điều khiển Raspberry Pi.
- Raspberry Pi luôn luôn sẵn sàng để xem, chỉ cần gắn ổ đĩa cứng vào là xem ngay, không cần chờ bật máy tính để bàn, login rồi mới xem,
- không có tiếng quạt làm mát CPU.
Không những dùng Raspberry Pi để phát phim ra TV, còn có thể dùng nó như một file server, từ máy tính khác trong nhà mở phim chứa tại Raspberry Pi ra xem qua ftp, http.
Mặc dù Raspberry Pi chỉ dùng điện 5V với công suất rất nhỏ nhưng nó đòi hỏi độ ổn định điện thế nguồn. Trong nhà tôi có sẵn hai cái charger cấp được 5V cho Raspberry Pi dùng, nhưng dùng riêng từng cái charger thì không đủ để cắm thêm thiết bị USB. Mắc song song hai charger để cấp điện cho Raspberry Pi thì nó chạy được, nhưng mỗi lần cắm thêm thiết bị USB vào thì máy bị reset do điện thế nguồn giảm xuống dưới mức đòi hỏi.
Khi mua USB ⇔ SATA/PATA bridge DTech về, tôi thấy nó ghi nhãn là cấp được 5Vx2A, trong khi ổ đĩa cứng chỉ dùng chưa tới 0,7A, thế là lấy một phần nguồn năm Volt từ adapter cấp cho Raspberry Pi. Một mình adapter DTech đó cấp điện cho Raspberry Pi thì vẫn còn hiện tượng máy bị reset khi cắm thêm thiết bị USB và adapter khá nóng (nhiệt độ ngoài vỏ trên 50℃); vậy thì nuôi Raspberry Pi bằng một adapter DTech và một charger: tạm ổn.
Trong hình này là bộ máy Raspberry Pi đó:
- hơi lệch về bên trái là Raspberry Pi trong hộp nhựa màu đen,
- thẻ nhớ SD chứa phần mềm RaspBMC cắm vào bên phải Raspberry Pi
- phía sau Raspberry Pi cắm dây HDMI nối tới Onkyo AV Receiver
- bên trái Raspberry Pi cắm dây Ethernet và hai dây USB
- phía trước Raspberry Pi là lỗ cắm analog video và audio
Hai dây USB được hàn theo dạng chữ Y để vừa nối thiết bị USB vào Raspberry Pi vừa cấp điện năm Volt cho Raspberry Pi. Một dây nối thường trực đến ổ đĩa cứng 120 GB và nguồn năm Volt từ adapter DTech (phía bên phải trong hình), dây thứ hai lấy nguồn năm Volt từ charger (cắm trên ổ cắm Lioa ở giữa hình) và sẵn sàng để cắm một ổ đĩa cứng chứa phim.
Trước khi quyết định dùng USB ⇔ SATA/PATA bridge DTech 8003A, tôi đã thử dock cho hai ổ đĩa cứng SATA Unitek Y-2041, trông nó gọn đẹp hơn DTech nhưng nó có một lỗi nặng là khi tháo hay gắn một ổ đĩa cứng thì ổ đĩa cứng đang làm việc ở ngăn kia bị reset.